Người kể chuyện – tác giả, nhân vật hay là mặt nạ tác giả.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh (Trang 98)

Chưa cần lộ diện tiếp ngay từ đầu tác phẩm, sự trần thuật có khi đã cho thấy tác giả - người kể chuyện không có vai trò gì ảnh hưởng đến diễn tiến câu chuyện mà chỉ ghi chép và kể lại. Đây chính là cách vào đề khách quan của tiểu thuyết Lão Khổ. Ngay tiêu đề phần một “Chuyện chính yếu hay là thay cho lời mở đầu” đã cho thấy câu chuyện đang được thuật lại bởi người ngoài cuộc – không thể khác, là tác giả. Tác giả chỉ xuất hiện trực tiếp, chỉ xưng danh khi dùng những lý lẽ “bao biện” cho hành động ghi chép lại và kể lại của mình, cũng như muốn thâu tóm toàn bộ tác phẩm để rút ra vài giả thiết về số phận nhân vật. Cuối tác phẩm, tác giả lại xuất hiện trong “lời chúc tái sinh – màn chót” như người giới thiệu đóng vai trò mở đầu và khép lại vở kịch cổ điển. Cả chương XX là lời của “tôi” – người chép lại câu chuyện”, nói lên hoàn cảnh nảy sinh ý định ghi lại và lý giải về số kiếp truyền luân đời lão Khổ.

Khi nhân vật đứng ra làm người kể chuyện (“Tôi” ở tiểu thuyết Đi tìm

nhân vật, bào thai trong bụng mẹ ở Thiên thần sám hối) thực chất là mặt nạ

tác giả tuy không trùng khít với tác giả. Hình thức này làm tác phẩm được trình bày linh hoạt và nhân vật thoải mái đưa ra chủ kiến của mình. Lời xưng “tôi” – ngôi thứ nhất trong Đi tìm nhân vật khiến tác phẩm giảm đi màu sắc khách quan, hơn nữa, không thể tránh khỏi những lúc theo đà sự lộ diện của tác giả vào câu chuyện quá rõ ràng(ý thức về mình là một kẻ trí thức trong mắt đồng loại hay cái vị thế và cảm giác xa lạ vì tự tách khỏi cộng đồng). Giọng điệu “mặt nạ tác giả” trong Thiên thần sám hối vẫ chứng tỏ được cá tính nhà văn ở những lập luận ghê gớm và tai quái với lời giáo đầu vào câu chuyện của mình. “Đừng ai nghi ngờ chuyện này như kiểu những độc giả

thiếu trí tưởng tượng. Bởi xét cho cùng thì các vị không phải là tôi nên làm sao biết rằng tôi không hề và không thể bịa tạc. Từ đây trở đi tôi sẽ không mất thêm một giây nào nữa vào chuyện thanh minh”. Cứ thế một hình ảnh người kể chuyện – nhân vật với sự tự tin và hoàn toàn chủ động say sưa kể về những gì nó nghe và nhìn thấy được từ cuộc sống bên ngoài, một thế giới thu nhỏ trong các bệnh viện bình thường.

Ở tiểu thuyết Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh lại đem đến một điều đặc biệt, cuốn sách xoá nhoà danh giới giữa tác giả và nhân vật. Tác giả có nhiều lúc phải chen ngang mới có cơ hội xuất hiện, đôi khi để đính chính hoặc giải thích cho lời kể của nhân vật rồi lại bị nhân vật “thô bạo” ngắt lời. Các nhân vật phải tự giới thiệu về mình, người thì xưng “tôi”, người thì xưng “tao”, người xưng “tớ”… tạo ra một xã hội thu nhỏ với sự đối lập sáng tối trong từng con người và sự tha thứ, lòng khoan dung là cơ may cuối cùng để mọi người có thể sống với nhau một cách xứng đáng.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh (Trang 98)