Đổi mới quan niệm về hiện thực của nhà văn

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh (Trang 26)

Trước năm 1975, hiện thực được các sáng tác văn học lựa chọn là hiện thực chính trị rộng lớn. Sau 1975, văn học hưởng ứng chủ trương: “Đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nõi rõ sự thật”(Báo cáo chính trị Ban chấp hành Trung ương - Đại hội đảng VI). Quan niệm về hiện thực của các nhà văn cũng có sự đổi mới. Hiện thực được thể hiện không đơn giản xuôi chiều như trước mà đa dạng, phong phú và được soi chiếu từ nhiều kinh nghiệm bằng cả kinh nghiệm cộng đồng lẫn kinh nghiệm cá nhân với những quan điểm nhân bản khác nhau.

Hiện thực đa chiều đó là hiện thực chưa hoàn kết, không thể biết hết đòi hỏi nhà văn luôn phải khám phá, tìm tòi. Văn học tìm đến hiện thực cuộc sống đời tư phức tạp, từ số phận của cá nhân đến số phận chung của cộng đồng đã đem lại cho văn học những hiện thực mới mẻ, chân thực đậm chất nhân văn và thực sự gần gũi với con người.

Nhân vật là phương tiện cơ bản của nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kỳ lịch sử nhất định.

Viết về nông thôn, Tạ Duy Anh đề cập đến số phận con người, số phận của những người nông dân luôn luôn phải sống trong sự đè nặng của biết bao thù hận, bao định kiến tối tăm, bảo thủ. Chỉ ở một cái làng bé nhỏ thôi mà lúc nào cuộc sống cũng căng lên, ngột ngạt bởi các mối quan hệ chằng chịt phức tạp và rất nhiều cuộc đời không được lựa chọn quyền sống cho chính mình. Không khinh bạc, không gai góc, mỗi trang viết của Tạ Duy Anh cứ da diết một cảm giác của những hồi ức đau đớn, nhức nhối.

Tạ Duy Anh không viết về nông thôn rộng lớn chung chung, ông là nhà văn viết về làng của mình - một làng quê nhỏ bé, tuy nhiên cái làng quê nhỏ bé ấy lại không hề bình yên. Ở đó, cuộc sống luôn luôn bị khuấy đảo, sôi lên vì những quan hệ,những mâu thuẫn, những tập tục cổ xưa làm điêu đứng biết bao số phận con người: Tạ Duy Anh đặc biệt có thiên hướng đi sâu vào những mặt tối những mảng khuất lấp của hiện thực nhưng bao giờ từ đó, người đọc cũng nhận ra được những tia sáng nhân văn lấp lánh trong từng câu chữ.

Viết về cuộc sống thành thị, Tạ Duy Anh khai thác mảng hiện thực của một đô thị đầy rẫy mảnh tối, sáng lẫn lộn, mà ở đó hiện thực một cuộc sống ngột ngạt, đen tối với những cướp bóc, chém giết, đĩ điếm, sự băng hoại về nhân cách, sự đau đớn vật vã của cuộc đời đầy mâu thuẫn.

Tóm lại, hiện thực trong quan niệm của Tạ Duy Anh là một hiện thực bộn bề lo âu, gai góc, được xoi xét, nghiền ngẫm ở nhiều tầng quan hệ song nó chủ yếu không phải là mục đích phản ánh mà chính là phương tiện để tác giả trình bày những suy tư, khắc khoải về 2 chữ “Con người”.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh (Trang 26)