Cuộc tìm kiếm vô vọng.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh (Trang 75)

Chủ nghĩa hiện thực tìm ra con người trong con người… nhà văn hiện thực theo nghĩa cao nhất… là miêu tả toàn bộ chiều sâu của tâm hồn con người” (Doxtoievxki).

Tôi uống bao nhiêu phiền muộn Dài dặc sao cuộc kiếm tìm mình”

(Dương Kiều Minh)

Với đặc trưng của sự sáng tạo, thơ là nơi đầu tiên xuất phát “cuộc tìm kiếm đầy khó khăn và quyết liệt của người làm thơ trên lộ trình trở về bản thể thi sỹ, trở về với cái tôi”. Có thể nói Đi tìm nhân vật rốt cùng là một cuộc tìm mình.

Ý định này hẳn đã manh nha từ sự cảm nhận: “ở mỗi khoảng tôi lại thấy tôi mỗi khác” [1]. Cộng với chứng nhiễu tâm của con người bị bủa vây bởi lối sống hiện đại, cái tôi cũng trở nên thật đáng ngờ. Tên gọi chỉ là cách gọi tên là những quy ước về ngôn ngữ, còn bản chất của nó, phải viện đến lịch sử, phải đặt trong quá trình.

Độc giả theo dõi từng bước đi của nhân vật chỉ thấy mình bị đánh đố. Vì phải lắng nghe lời kể của một nhân vật hiện lên với không - là gì - cả.

Nhân vật không được miêu tả về hình dáng, giới thiệu về bản thân mập mờ (không rõ là nhà báo hay điều tra viên) trong khi lại có những lời dõi ra không cần thiết, kéo dài, nhấn vào hay gây tò mò về sự hiếu kỳ của một kẻ thích săn cảm giác mạnh, hoặc nỗi dằn vặt của kẻ giết người [3;13]. Nhân vật ấy phi lịch sử, thuộc vùng nhấp nháy nên chập chờn khó nắm bắt: “Tôi cảm thấy mình không còn khả năng ghi nhớ bất cứ điều gì. Tôi trượt đi trong một chiếc hang sâu hun hút phi trọng lượng, phi thời gian, phi ký ức”. Mọi thứ xoay quanh nhân vật đều mờ nhoè.

Hành trình truy tìm “nhân vật” là ai?

Tôi quyết định bám chặt lấy vụ thằng bé đánh giày không phải với mục đích sưu tập các kiểu kết – mà vì một thôi thúc nhuốm màu sắc, bi kịch mà tôi không thể diễn tả được. Về sau này…. hoá ra tôi chỉ tiếp tục cuộc truy tìm hắn…

Tôi thấy hắn như kẻ to lớn, biết tàng hình, có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu hắn muốn, chỉ trong chớp mắt là có cảnh tang tóc.

… hắn, một kẻ vô hình nhưng có mặt ở khắp nơi, ở bất cứ chỗ nào con người có sự ganh ghét, thù hận, đã biến tôi thành công cụ của hắn.

Tôi đã định bỏ đi thì tiếng e hèm lại vang lên. Lần này nó trầm và đục như tiếng gầm gừ của một con thú đang nhai mồi… Đích thị là hắn…

… Trong khi đi tìm những cái chết với hy vọng hiểu được bi kịch của thời đại, hắn luôn luôn bị những hoàn cảnh gợi hắn nhớ về quá khứ, nơi hắn trở thành nhân vật chính. Bí mật câu chuyện mở ra ở đây… Bởi vì, cùng với việc chìm vào dòng hồi ức triền miên, những gì chi phối cuộc sống chúng ta dần dần hiện lên. Nó là thiết chế quyền lực, sự trớ trêu của lịch sử, những cuộc biến đổi, những ảo tưởng cùng với những ngẫu hứng điên rồ của tư tưởng… đã vùi con người xuống đáy cùng trong khi bản thân hắn cũng góp phần tạo ra bi kịch ấy. Cuối cùng, cuộc tìm kiếm thật sự, cuộc tìm kiếm bi thảm nhất chính là tìm kiếm cái chết của chính nhân vật… khi lịch sử phụ hoạ cho các cuộc phiêu lưu mang con người ra thể nghiệm, tất yếu nó đẩy con người đến chỗ là kẻ thù của tương lai. Nó tạo ra một thế giới vong thân, vong bản và đó là cái chết kinh khủng nhất, cái chết không có cơ hội phục sinh” [3, 135].

… Nhưng mà tôi là ai nhỉ? Hay tôi là cái thằng cha đi hỏi về cái chết của thằng bé đánh giày? Tự dưng tôi rất muốn đi tìm hắn để xem hắn có phải là tôi không? Hay tôi là hắn từ lúc nào mà tôi không biết? Hay tôi đã không còn là tôi từ đời tám hoánh nào rồi? Vậy thì tôi là ai? Là hắn hay là một tôi khác?... Tôi là ai? Tôi phải bằng mọi cách biết tôi là ai. Khi đó vấn đề thằng bé đánh giày cũng sẽ được sáng tỏ. Bởi vì biết đâu chính nó, chuyện nó bị đâm chết chỉ là do hắn phịa ra để kiếm cớ” [3;193].

Như vậy, hành trình đi tìm nhân vật là hành trình tôi đi tìm tôi, cuộc hành hương muôn thuở của con người trở về với chính mình.

“Tôi” sẽ lạc vào một mê cung không có lối ra nếu không tình cờ bắt gặp những điểm lộ sáng, những gợi dẫn từ sự trùng lặp và các cặp nhân vật song trùng.

Bản sao trên những dãy biệt thự giống hệt nhau, phép lặp hằn in trên mặt người, quá khứ của người này có thể ghép vào người khác, ngôn ngữ có nguy cơ huỷ diệt, mất khả năng sinh sôi khi đối thoại chỉ là những cuộc ghi âm và thu phát lời nói mà trong đó, lời người này được lắp trên môi kẻ khác. Con người có vấn đề về trí nhớ, họ mắc chung một căn bệnh lãng quên. Cái chết của thằng bé đánh giầy như vừa mới đây, như đã từ lâu lắm rồi. Nhân vật “tôi” trong mắt họ biến đổi theo từng ngày, bản chất bị lộn trái, bị bôi đen, bị thổi phồng, dị bản tăng lên theo cấp số nhân. Cuộc thử nghiệm của nhân vật đưa đến kết quả: nàng cũng không nhận ra tôi là ai. Nói một cách phi lý, tôi trong 15 phút ấy không phải là tôi nữa vì không ai nhận ra tôi cả, nếu tôi không khẳng định tôi là tôi thì nàng đã cho tôi thành một gã dở hơi nào đó. Tôi nghiễm nhiên trở thành người mà đám đông mặc định.

Nhưng chấp nhận sự vong thân vong bản là chấp nhận cái chết tận cùng về mặt bản thể. Nhân vật phải đi tìm cho mình chìa khoá để giải mã nhân vật do đó, chỉ từ bên ngoài mà đến. Ở những nhân vật song trùng với tôi, tiến sỹ N và ông Bân.

Tiến sỹ N là sản phẩm bi kịch của xã hội. Bi kịch của con người phải sống cho hình ảnh mình trong con mắt người khác. Bi kịch của sự kéo dài lê thê cái số đỏ không làm người ta hạnh phúc. Xã hội ấy tạo ra số đỏ, nó cũng mưu đồ nhào nặn con người thành sản phẩm theo ý muốn. Luôn phải khoác mặt nạ trên mình, đó là một hình phạt ghê gớm đẩy linh hồn con người tới

cõi khổ ải. Cái chết của nhân vật để chấm dứt mâu thuẫn giữa con người của những ràng buộc và con người của tự do đã không hoàn thành được sứ mạng của mình, nó chỉ có ý nghĩa cứu chuộc linh hồn, khát vọng tự do chưa đủ sức chiến thắng những ràng buộc của xã hội.

Ông Bân là sản phẩm bi kịch của cá nhân. Trên phương diện đó, ông là một đối cực của tiến sỹ N. Ông sống cho tự do và đam mê của riêng mình. Quá khứ ông, trong phần ghi chép giống như tiểu thuyết, không hề khác quá khứ “tôi” ở những đường nét cơ bản. Ông bỏ cả đời đi tìm nhân vật của thời đại, chính là “hắn”, là “Chu Quý”, là “i”, để tìm ra bi kịch của thời đại. Song “nó đích thị là nhân vật, là dấu ấn của thời đại mà tôi không được chuẩn bị một chút gì để hiểu nó. Điều đó còn thê thảm, nạng nề hơn cả cái chết”. Nhân vật “tôi” vượt ra khỏi tầm hiểu biết của ông. Như thế là “những gì tôi đánh đổi cả đời mới có, đầy nguy cơ trở thành vô nghĩa”. Giết ông, chỉ có cái chết, những cuộc phiêu lưu tư tưởng của cuộc sống tự do và chính bản thân ông. Thực ra, trong “nhật ký của một người có tên là Chu Quý”, ông đã lý giải khá thuyết phục logic của nhân vật “tôi” và thời đại. Bởi không thể tìm ra phương thuốc cho thời đại, không làm dịu được sự vật vã của “tôi” trong cuộc tranh đấu giữa cá nhân và toàn xã hội, ông đầu hàng.

Có lẽ vì cuộc sống vẫn luôn luôn mở ra những lối vào, “tôi” đi đến cuối cùng của phản ứng giữa cá nhân và xã hội, giữa khao khát tự do, khẳng định bản ngã của mình phải tồn tại như một bản vị với ràng buộc của những mối quan hệ xã hội và sự tan loãng của lối sống cộng đồng. Can đảm chịu nhiều sự hoang loạn trong những vòng sóng nhiễu tâm vây bủa của cuộc đời.

Cuối tác phẩm, nhân vật vẫn chưa hoàn kết được cuộc tìm mình. Phải chăng bi kịch chưa chấm dứt?

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh (Trang 75)