Cuộc đời lão Khổ là một chuỗi những xô dạt do các biến cố thời cuộc. Bản thân lão là “một bằng chứng cho sự long đong của kiếp người”, cho “tính vớ vẩn đong đưa của cuộc đời”. “Mười sáu tuổi đi ở chăn trâu cho địa chủ, đói rét, đòn roi nhục quá kiếp chó. Lúc đi theo cách mạng thì đúng vào thời kỳ đen tối… vừa mới có quyền trong tay thì cải cách ruộng đất thành ngay thằng Quốc dân đảng. Sau tám tháng cùm chuồng trâu lại thành chiến sỹ cách mạng. Ngót mười năm lặn lội thân cô, hiến mình cho sự nghiệp… để bị quy là “chui vào tổ chức với dụng ý phá hoại ngầm” [5]. Cuối cùng trở thành bị can, phải ra hầu toà như một tên tội phạm “mất khả năng làm công dân”
Lúc chìm nghỉm, khi nổi danh, vi vu trong vận đỏ, vật vã trong cơn bĩ cực, cuộc đời đầy thăng trầm của lão Khổ thực chất là một nạn chân của thời cuộc và là nạn nhân của chính mình. Lão là nguyên nhân gây ra thù hận với chi họ Ất, dẫn đến những cuộc trả thù đẫm máu. Cuồng tín đến hung hãn, lão thấy mình là đồng nhất với lịch sử, đại diện cho chân lý. Cuộc tàn phá mà lão là thủ lĩnh khiến “cả một trang trại mênh mông, cả một cơ nghiệp bề thế chỉ còn lại ba cột gỗ lim cháy dở”. Nếu Chánh tổng họ Tạ từng là nỗi khiếp đảm một thời thì giờ đây “đến lượt lão trở thành nỗi khiếp sợ của hàng vạn người” [5]. Trong giấc mơ bị quan toà âm phủ kết án lão nhận ra những tội ác kinh hoàng của mình: “Ngươi có tin vào những việc làm không? Chẳng hạn như ngươi phá chợ, cấm đi lễ nhà thờ, tập hợp tượng Thích ca nấu thành đồng cục, bắt những cặp vợ chồng không yêu nhau phải ở với nhau… Đấy, người làm thế với niềm tin vào cái gì và mong đợi được cái gì?... Ngươi bắt nhân dân ăn thịt nhau vì một cái bánh vẽ, tội ấy định thế nào?” [5].
Lão Khổ đã làm tất cả “một thứ niềm tin chỉ có thể sánh với niềm tin tôn giáo, niềm tin thần thánh” [5] và vì ảo tưởng về một “tương lai sáng rực”. Lão đã mù quáng mà gây ra tội lỗi. Lão trở thành một cái máy vô cảm, dùng uy lực của lịch sử mà tạo ra đồng loạt những bộ mặt trơn tuột, vô hồn chỉ biết làm theo hiệu lực mà cái đầu vâng phục. Trước mặt lão chỉ là “chiếc phông vẽ” và “lão không mảy may nghi ngờ tính chất vớ vẩn, đong đưa của cuộc đời”. Chỉ đến khi qua hết mọi thăng trầm, lão chiêm nghiệm và vỡ lẽ:
“Suốt đời tôi chỉ muốn làm điều ân mà toàn ra điều oán” [5]. Tất cả những gì lão mơ ước và tạo ra trở thành tai vạ cho đời lão. ““Đa phần là những việc đời lão làm đều có kết quả trái với ý định của lão. Lão muốn thế này thì nó lại ra thế kia, như trò đùa ác của con Tạo”. Thực tế trong “trò đùa ác của con Tạo”, trong “tính chất vớ vẩn, đong đưa của cuộc đời” lão Khổ vừa là con rối trong trò chơi đầy tính ngẫu hứng của thời cuộc, lão cũng vừa là vai chủ động kéo lịch sử về hướng bản năng tăm tối, hiếu sát, hiếu danh do trình độ tự ý thức hạn chế. Tham gia du kích Vũ Xuân chỉ huy, trước đủ thứ cạm bẫy, lão hy vọng “nhân dân sẽ ghi lão vào sử sách” [5]. Với niềm tin ấy, lão ngất ngây như muốn bay lên khỏi mặt đất. “Các đồng chí ơi, tôi sung sướng muốn chết đi được”. Lão sẽ nắm tay hàng triệu người tràn từ Đông sang Tây, hát to bài “Khải hoàn ca” cho vang đến tận trời. Lão đâu ngờ có cái chỉ thị: “Các cơ sở kháng chiến cũ, nếu không trở thành của địch thì cũng đang làm tay sai cho chúng”, nói trắng ra là: “Tất cả bộ máy chính quyền xã Hoàng bị bắt vì tội làm tay sai cho thực dân đế quốc” [5] sẽ biến lão phút chốc trở thành kẻ thù của những người lão coi là đồng chí. Thật trớ trêu cho lão, khi “Đội cải cách kéo về, lão Khổ còn cho trống giong cờ mở để đón tiếp”. Lão không thể biết được lão đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của họ: “Các ông trời con ấy lệnh trói lão bằng dây thừng, dắt như dắt trâu trong tiếng gào thét, đả đảo tên Việt gian bán nước quốc dân đảng
Tạ Khổ và đồng bọn”. Lão chấp chới hy vọng có sự nhẫn lại nào đó: “Tôi là Tạ Khổ, đội viên du kích dưới sự chỉ huy của Vũ Xuân đây mà”. Nghe một ông Đội phán quyết: “Chúng ông có nhiệm vụ bắn chết sạch những tên như mày”, nhìn bộ đạng của cán bộ Đội cải cách “đều có tướng mạo sát nhân”, lão suy đoán: “Hay chính quyền có vấn đề gì rồi”. Lão bị tù tám tháng trong khi đó Vũ Xuân, người đồng chí của lão vĩnh viễn ra đi trong oan ức sau một tiếng “tạch” khô khốc như trò chơi của trẻ con.
Số phận lão Khổ tiếp tục bị nhào nặn trong sự xoay vần của thời cuộc, hạ nốt tấn bi kịch chót đời của lão ở “giữa lúc lão chìm mất tăm thì vận đỏ lại tìm đến lão”. Lão ra tù, trở thành chiến sỹ cách mạng, là Chủ tịch xã và bắt tay thử nghiệm mô hình cuộc sống mới mà những người như lão tin là sắp đến thiên đường. Lại nghịch lý oái oăm: “Tất cả những gì lão Khổ mơ ước và tạo ra trở thành tai vạ cho đời lão”. Lão hết lòng trung thành với sự nghiệp, vắt kiệt sức cống hiến cho tập thể, thành tâm tôn thờ cách mạng nhưng cuối cùng chính lão trở thành nạn nhân. Đi kêu oan các cửa, lão nhận được “những lời hứa tuôn ra như mưa rào”, trong khi cấp trên nhìn lão như một thằng cha nông dân ngớ ngẩn, thiếu lịch sự, quen thói kêu trời ăn vạ. Mù loà trong niềm tin duy ý chí, lão không tin cuộc đời này lại có bất công chỉ đến khi trở thành kẻ ngậm oan, lão mới nhận thấy “hoá ra cuộc đời này, cái cuộc đời lão tin yêu tận máy rất đáng khinh bỉ” [5]. Đời lão xét đến cùng là hiện thân cho sự đổ vỡ thảm hại. “Tưởng như cả một thời đại con con cùng với tên tuổi của lão Khổ vừa bị cơn biến động vùi lấp. Đến lượt ước mơ của lão quằn quại rên xiết. Lão đã tự hạ huyệt chôn lão, không phải trong niềm tiếc thương, không phải theo cách tống tiền một cách vui vẻ mà trong sự bình thản của cuộc đời”.
Rõ ràng, lão vừa bị nhào nặn bởi những va đập lớn lao của thời cuộc. Lão làm ác mà không biết mình làm ác, để rồi cuối cùng đời ngậm ngùi trở thành nhân chứng cuối cùng về một quá khứ đang hấp dẫn và rồi kiếp người lão, xét đến cùng chỉ là hạt cát nhỏ nhoi bị tung lên bởi cơn bão lốc của thời cuộc, con người mãi mãi là một tấn bi kịch khó lý giải.