Người ta có thể công phẫn vì thế giới được nhìn từ chiếc bào thai nhưng điều đó không thành vấn đề. Nếu không phải là văn học thì ở đâu sẽ cho độc giả thêm nhiều góc nhìn mới lạ về cuộc sống hàng ngày vẫn trôi qua con mắt có độ max nhất của sự mở rộng chỉ khoảng 1,5cm? Văn học chấp nhận sự phi lý để nói lên những sự hữu lý không ai có thể chối cãi. Chính bởi bản chất xã hội của văn học. Khi xã hội, một phần được làm nên bởi những điều phi lý, thì văn học cũng có lúc tồn tại như một sự phi lý.
Đổi mới góc nhìn hiện thực bắt đầu xuất hiện khi cái nhìn phát ra từ bên trong. Nếu ví con người cảm nghiệm và chiêm ngắm như một ngôi nhà, toàn bộ thế giới là cuộc sống bên ngoài ngôi nhà, thì thế giới được nhìn bằng con mắt và trái tim đặt bên trong ô cửa sổ… Tạ Duy Anh đổi mới hai lần góc nhìn hiện thực, lạ hoá góc nhìn ấy, đẩy nó sang cấp độ cái nhìn phi lý bằng cách tạo dựng nhân vật phi lý, một bào thai thời điểm ba ngày cuối cùng trong bụng mẹ.
Hãy thử xem em bé vừa lọt lòng nói chuyện về thế giới mà nó dần khám phá: “Mẹ tôi tỉnh lại, cái nhìn đầu tiên là nhìn tôi. Chính xác hơn là
nhìn cái chim bé như con nhộng ở giữa hai chân tôi, cặp mắt u tối của mẹ chợt bừng sáng.
…Tôi khóc oe oe, miệng tìm vú. Mẹ nhét vú vào miệng tôi. Tôi mút vú thành thạo như đã được huấn luyện trước.
…Mẹ cho tôi bú sữa. Tôi mút được một thứ sữa hỗn hợp có vị của táo, đường và trứng gà, một dịch thể vĩ đại và quý giá.
…Mẹ quỳ xuống, lết bằng gối bên bà nội, giơ tôi lên trước bà… dưới đít tôi, ánh mắt của bà bỗng loé lên những tia giận giữ.
…là mỗi lần tiếng thanh la dóng lên, các thân nhân lại oà khóc. Họ khóc không tự nhiên, dư âm của thanh la vừa dứt thì tiếng khóc cũng ngừng, hình như không phải vì đau xót, mà là để hoàn thành nhiệm vụ do trưởng trần gian giao cho… (Phong nhũ phì đồn – Mạc Ngôn).
Cặp mắt sắc đáng sợ của em bé vừa chào đời làm độc giả ngỡ ngàng bao nhiêu thì họ càng thót tim khi các thai nhi trong bụng mẹ nhắc nhở về thế giới, cái nửa phần xấu xa độc ác bên ngoài. Tạ Duy Anh không định đi sâu vào cái phi lý, hơn nữa phi lý là một mặt của cuộc sống, nó không còn sức hấp dẫn như hồi mới được phát lộ cách đây hơn nửa thế kỷ. Bởi lẽ thường người ta cho những gì diễn ra không phù hợp với đạo đức và lẽ phải là các phi lý. Thực chất cuộc đời có vẻ phi lý của lão Khổ là cú lệch pha so với sự phát triển của lịch sử, gióng như một con tàu chệch đường ray phải dừng lại, khác tâm lý hoang tưởng đậm đặc là một hiện thực các trạng thái hoài nghi, lo sợ được cô lại, được dồn nén chứ hoàn toàn không đáng ngờ, sự sai lệch của chiếc đồng hồ là phi thực nhất nhưng có thể lý giải bằng cái
ngẫu nhiên chỉ duy nhất Tạ Duy Anh đụng đến cái phi lý như một thủ pháp nghệ thuật, ấy là một nhân vật phi lý, một điểm nhìn phi lý.
Ngày từ mở đầu tiểu thuyết Thiên thần sám hối , thai nhi gần như thách đố độc giả bằng lời giáo đầu ghê gớm và tinh quái của mình: “Đừng ai nghi ngờ chuyện này như kiểu nhiều độc giả thiếu trí tưởng tượng. Bởi xét cho cùng thì vị không phải là tôi nên làm sao biết rằng tôi không hề và không thể bịa tạc. Từ đây trở đi tôi sẽ không mất thêm một giây nào nữa vào chuyện thanh minh” . Tạ Duy Anh lấy sự tưởng tượng làm gốc rễ cho nhân vật có lúc ông phát biểu: “Trí tưởng tượng là tất cả với tôi trong sáng tạo nghệ thuật. Bản thân nó là sự thăng hoa và khi có nó thì ý tưởng chính là hình ảnh hiện thực về một thế giới khác” [ ].
Sự sống chưa chào đời cảm nhận và phán xét một sự sống đã già cỗi bên ngoài, một sự sống mà cứ theo đà như vậy sẽ đi đến bờ vực của huỷ diệt và tự huỷ diệt. Dòng máu hoài nghi của ông tổ Hămlét chảy tràn trong nó: Tồn tại hay không tồn tại? Sự sinh nở không còn lẽ tự nhiên của tạo hoá, thai nhi tự quyết, định cái hiện sinh của mình. Với cương vị là một thiên sứ nhỏ đến từ thiên đường, nó phán xét mảnh đất mà nó sẽ sống, nó làm phép thử cho những bậc sinh thành, xem họ có xứng đáng với tên gọi là “cha” là “mẹ”. Hai lần thai nhi định chui ra cất tiếng chào thế giới thì hai lần nó co lại. Vì những biến cố cắt ngang, sự sống tăm tối và độc ác ngoài kia làm nó nghi ngờ. Vì một câu hỏi lớn: Cuộc sống có đáng sống hay không?
Rút từ kinh tháng, chuyện ông Giốp Đán trách chúa gây tai hoạ đói nghèo và bệnh tật đã ước giá không có mình trong kiếp khổ ải này:
“Sao tôi không chết đi lúc mới chào đời Không tắc thở ngay khi lọt lòng mẹ?”
Chúng ta có thể nghĩ đến một bức tranh biếm hoạ ông Giốp cuộn tròn dưới hình hài một thai nhi nằm trong bụng mẹ, đôi mắt lém và đầy trải nghiệm, cái miệnh hơi nhếch cạnh khoé, đôi tai bé tí nhưng bén nhạy dỏng lên nghe ngóng. Thai nhi đôi khi cau mày lại vì sự tha hoá của con người đến từ trước nó, đôi khi cười mỉm vì cuộc bám giữ sinh tồn đầy khó khăn vất vả mà nhem nhuốc không vì một thứ ánh sáng cao đẹp nào. Một ông Giốp như đang nằm khểnh gác chân xem mọi trò đời diễn qua, ông đang có cơ hội quyết định sự sống của mình.
Có thể nhìn thai nhi trong bụng mẹ như một sinh linh ở trong tư thế uyên nghiêm mà ngắm nhìn, phán xét cuộc sống xung quanh nó. Đôi khi muốn một nhìn nhận một bản thể, ta phải tách mình ra khỏi cái bản thể ấy để thật sự sáng suốt, thật tự tinh tường để tìm hiểu tò mò và hoài nghi. Và cái bào thai là một vỏ bọc thật an toàn, trong đó, thai nhi tha hồ quan sát và phán xét.
Rồi cũng đến thời điểm: “Vào cái ngày cuối cùng đáng nhớ so với thời hạn tôi cần đưa ra quyết định có nên ra đời hay không....” thì xuất hiện những thanh âm vẫy gọi như bài thánh ca chào đón một hài đồng ra đời trên cỏ. Thanh âm ấy không chỉ là lời nhắn nhủ của vị thiên sứ “sống là đức hạnh mỗi người cần mang theo khi trở về” mà còn là niềm tin của mẹ. “Tính mẹ vĩnh cửu” tình yêu thương và cả lòng sám hối cứu chuộc cho những lỗi lầm
đã qua. Vậy là đủ các yếu tố thoả mãn cho sự sinh thành, như sữa tươi và bện cỏ êm trong sự chờ đón của tất cả mọi người.
Thai nhi đã chủ động đến với cuộc sống như chấp nhận một cuộc thách đấu với bóng tối, cái ác và cái chết.