Thế giới nhân vật của Tạ Duy Anh vô cùng đa dạng và phong phú. Khi hiện thực đổ bóng lên con người, nhân vật trở nên nguyên phiến một chiều. Tạ Duy Anh ít khi viết về những mặt tích cực của hiện thực, của con người. Trong tác phẩm của ông là cả một thế giới với rất nhiều gương mặt méo mó, biến dạng, không ra người. Trong khoảng ba ngày ngoan cố và bướng bỉnh chưa chịu chào đời, thai nhi trong bụng mẹ đã chứng kiến và cảm nhận được biết bao mảnh đời đi qua.
- Một bà, theo như bà ta nói, bị “thằng chó họ Sở” lừa, sinh ra con rồi bỏ.
- Một cô sinh con đến lần thứ ba vẫn không được, theo như cô nói, bị trừng phạt vì chồng làm việc ác.
- Một gã trai coi trẻ con như tội nợ.
- Một cô sinh viên bị người yêu lừa, phá thai.
- Một đôi tình nhân chia tay nhau vì cô gái muốn giữ lại đứa con đang mang trong mình.
- Một bà Phước hí hửng được bồi dưỡng bốn triệu đồng mà chỉ phải kí xác nhận đồng ý cho người ta ngâm cồn những đứa con chứa thành người của mình.
- Cô Giang dằn vặt vì đứa con không xác định được ai là bố chưa sinh đã bị mình giết.
- Một đứa con giết cha vì nó là kết quả của một cuộc cưỡng hiếp.
- Những chuyện thoảng qua: anh em giết nhau vì tài sản, ba bố con cùng bồ với một con bé suốt năm năm mà không biết...
… v.v...
Những nhân vật ấy, nếu thai nhi kia có một vốn từ rộng hơn, nó sẽ không ngần ngại mà gọi họ bằng những cái tên như: vô lương tâm, hám tiền, Sở khanh, lừa lọc giả dối, vật dục, vô nhân, vô đạo, ích kỷ, loạn luân, tội lỗi,...
Đó là trường từ ngữ chỉ tên gọi cho một loại người xấu, người tha hóa đang có mặt khắp nơi trong xã hội. Họ hiện lên chớp nhoáng, nhưng đã tự bộc lộ rất nhiều cho lối sống bản năng ích kỷ, lối sinh tồn tự do vô ý thức, trong một xã hội đồng tiền từ thời Xuân tóc đỏ vẫn còn sức bào mòn sạch trơn lương tâm của con người. Họ chính là cái bóng đen của hiện thực vẫn một nửa vương vất, là cái hiện tồn nhức nhối của cuộc sống hiện đại.
Con người trong cái thế giới mà ông phản ánh là bộ mặt phi đạo đức, gớm ghiếc và không thể định dạng với bộ mặt bên ngoài tưởng như tốt đẹp, lại ẩn chứa bên trong là ác quỷ.
Bộ mặt nhân vật “ác quỷ” luôn lẩn lút trong sáng tác của Tạ Duy Anh, có khi không xuất hiện tạo thành cái ác chưa định hình. Nó chỉ được gọi
bằng những cái tên như “hắn”, “ông ta”, lão già bóng tối...”. Bộ mặt ác quỷ ấy với những giắp tâm làm những điều xấu xa đã rình rập và bám gót con người, khiến cả thế giới như chìm vào mộng mị, không lối thoát.
Đọc cuốn tiểu thuyết mới của Tạ Duy Anh (Giã biệt bóng tối), người đọc cảm thấy ghê sợ bởi không gian biến ảo tràn ngập cái ác. Cái tên làng Thổ Ô có lẽ không tồn tại trong đời thật, nhưng những cái chết kỳ bí của một số dân làng thì rất thật, chết bất đắc kỳ tử, chết nhanh chóng dễ dàng một cách quá bí hiểm, không giải thích nổi?... Nếu chỉ căn cứ vào lời lẽ của lão - già - bóng - tối thì chính lão đã ra tay để thực hiện những lời nguyền rủa không kiềm chế trong đầu thằng Thượng mồ côi khốn khổ mỗi khi nó bị những kẻ kia giày đạp. Cái cách mà lão già bóng tối tự nói về mình bao giờ cũng đầy tự đắc, bởi lão tin rằng mình có toàn quyền sinh sát và sắp xếp, mọi thứ trong cuộc sống nơi này: “Tao là một thằng đứng... đắn... hơn bất cứ thằng đứng đắn nào trên đời... Tao nói là làm... chứ không phải hiến suông rồi để đấy chục năm này sang chục năm khác... Tao luôn luôn biết ai cần gì...”. Lão bảo trợ kẻ xấu, khiến cho cuộc sống vốn đã đảo điên càng thêm điên đảo, cung cấp cho bọn xấu khả năng và điều kiện có thể xấu đến tối đa.
Cái làng Thổ Ô khủng khiếp ấy, xét về mặt nhân văn và những chuẩn mực đạo đức thì có thể cho điểm không, bởi nó có quá it yếu tố người mà lại giống nhiều hơn với quỷ. Cái ác tràn ngập và hầu như không thể giải thích, không thể thay đổi, không cứu chuộc được. Cái ác như một bản chất mông muội và quái gở. Con người sinh ra là để làm ác, làm khổ người khác, sỉ nhục cuộc sống và hạ thấp chính mình. Con người chỉ là những con quỷ đội lốt, chỉ có dục vọng, không có lòng nhân, không có liêm sỉ, không có tâm
linh, không có văn hóa, không có những gì cần thiết để cấu tạo nên mối quan hệ người - người.
Cung cách mà thằng Thượng bị đối xử cho thấy sự trong trắng không có chỗ trong cái làng quỷ ám này, một cái làng hết trở thành hoàng dỏm lại trở hoàng giả, tôn sùng những điều không thực. Cái nhìn trong trẻo của nó bị vây kín trong gian trá, tội lỗi, lòng tham, sự vô đạo đức trơ tráo khắp chốn, từ người già đến người trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, từ kẻ quyền chức đến thứ cùng đinh.
Người đọc có thể thấy ghê tởm với hầu hết nhân vật bởi hành động, ngôn ngữ, tâm địa... của họ. Nhưng cách nói kiểu “rồi thì đâu có đó, thịt chó có lá mơ, cầy tơ có rượu lậu... Nói cho biết sau này đáng lẽ làm quan lớn đại nhân ngồi xe bóng lộn đấy nhé... Cha tổ sư những con đĩ ăn nhiều vương mỡ, lấp mề, lú lẫn. Tao sẽ kiện đứa khoá mồm cho nó lại cho mày xem... khôn ăn người, dại thì người ăn, tục ngữ tục nghiếc mày không thuộc câu nào à...” đầy trong các trang sách...
Nhân vật ác quỷ mang theo tội lỗi tiền kiếp, cái ác có thể là bản chất, có thể do hoàn cảnh đưa đẩy, có thể của một thế lực hắc ám, thế lực của bóng tối... nhưng rõ ràng, Tạ Duy Anh viết về mặt trái của cuộc đời để hướng tới mặt tốt, tươi sáng lung linh của cái thiện, cái lương tri, của cái đẹp.