VỚI TỔ CHỨC
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp, hầu như doanh nghiệp nào cũng mong muốn và tìm cách để giữ lực lượng lao động giỏi. Nhưng thực tế, tình trạng lao động quản lý, lao động giỏi vẫn lần lượt ra đi. Vậy giữ nhân viên bằng cách nào, những nhân tố nào có thể lôi kéo, giữ được nhân viên ở lại doanh nghiệp? Theo nhiều chuyên gia đó chỉ là văn hóa doanh nghiệp.
Tuyển được một nhân sự tốt đã khó nhưng giữ được nhân sự tốt còn khó hơn. Doanh nghiệp có văn hóa mạnh sẽ có cơ hội thu hút những con người có cùng hướng nhìn, tin tưởng lẫn nhau, cùng chấp nhận thách thức và cống hiến vì mục tiêu lâu dài. Lãnh đạo giỏi cần biến những giá trị văn hóa đó thành công cụ cạnh tranh sắc bén trên thương trường. Văn hóa doanh nghiệp là nơi, tạo ra môi trường làm việc tốt, tạo nên sự hứng khởi trong công việc. Một môi trường văn hóa tốt, ở đó đồng nghiệp luôn vui vẻ, lãnh đạo luôn tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho nhân viên thì đó cũng là một điểm nhấn, để người lao động có thể tồn tại lâu cùng doanh nghiệp.
Chính vì lẽ ấy, mà văn hóa doanh nghiệp là nguồn sản sinh năng lượng cho người lao động cam kết gắn bó lâu dài với tổ chức. Tinh thần, động lực, lòng trung thành, cách thức làm việc của họ phải được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp xác định sự ổn định và phát triển bền vững là
trọng tâm thì văn hóa doanh nghiệp cũng phải đổi mới theo hướng hỗ trợ sự cam kết của người lao động với tổ chức. Quá trình này đòi hỏi thời gian, tâm huyết và lòng kiên trì của cấp lãnh đạo.
Một doanh nghiệp mạnh phải có sự nhất quán, tập trung, doanh nghiệp phải xây dựng được môi trường văn hóa kỷ luật bằng việc loại bỏ dần những loại hình văn hóa giao tiếp không phù hợp như “dĩ hòa vi quý”, “trên bảo dưới không nghe” hay cách làm “ăn xổi ở thì” đang phổ biến ở doanh nghiệp hiện nay. Mặt khác, doanh nghiệp phải biết cách phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong nội bộ bằng việc chỉ ra sự thật mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt [9].
Trong một thế giới luôn thay đổi thì sản phẩm, công nghệ, nhà máy, cách quản lý và con người rồi sẽ lỗi thời, mai một nhưng văn hóa của công ty sẽ vẫn tồn tại và tiến hóa theo thời gian nếu doanh nghiệp biết cách quản lý theo tầm nhìn, hoài bão và mục tiêu chung. Cụ thể đó là những giá trị chứa đựng niềm tin vững chắc, mục tiêu cốt lõi có khả năng tạo động lực và cảm hứng. Chẳng hạn, một trong những giá trị cốt lõi của Sony (1950) là nâng cao giá trị văn hóa Nhật Bản hay mục tiêu cốt lõi của Walt Disney (1923) là mang lại hạnh phúc cho con người. Cụ thể hơn, doanh nghiệp nào lấy văn hóa làm trọng tâm để phát triển bền vững thì người lãnh đạo phải biết xây dựng, duy trì, đổi mới văn hóa doanh nghiệp theo thời gian.
Nghiên cứu Shinichi Hirota và các cộng sự (2007), đã nhận định rằng văn hóa và các giá trị của nó gia tăng mức độ hoàn thành của các Công ty Nhật và họ đã đạt được lợi thế cạnh tranh nhờ văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố khác biệt tạo ra lợi thế cạnh tranh
Theo Deshpande và Farley (1999), văn hóa trung thành với tổ chức đó là việc các cam kết của cá nhân luôn gắn liền với giá trị và mục tiêu của tổ chức, làm việc theo nhóm và cộng đồng rất quan trọng. Hiểu biết về văn hóa doanh nghiệp là điều cần thiết vì nó có thể ảnh hưởng đến những suy nghĩ, cảm xúc, tương tác và hiệu quả hoạt động trong tổ chức.
Còn theo học giả Hellreigel và những người khác (2004), văn hóa doanh nghiệp có thể được xem là có ảnh hưởng quan trọng vào sự cam kết tổ chức. Ngoài ra, nhóm tác giả Bourantas và Papalexandris (1992); Chen (2005); Lytle và những người khác (2006); Rashid và những người khác (2003) đã có các nghiên cứu nhằm kiểm chứng văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng tích cực đến cam kết tổ chức.
Bourantas và Papalexandris (1992) cho rằng văn hóa doanh nghiệp cũng được coi là ảnh hưởng đến thái độ của nhân viên liên quan đến cam kết của họ với tổ chức.
Nghiên cứu của Lytle và những người khác (2006), tin rằng cam kết gắn bó là một yếu tố của văn hóa với tổ chức, đây là một loại keo vô hình để liên kết các nhân viên với nhau và giữa nhân viên với tổ chức. Doanh nghiệp có văn hóa mạnh sẽ là niềm tự hào của nhân viên khi họ được đứng trong tổ chức ấy. Hofstede (1993) cũng như Cohen (2000) đã tìm thấy một mối quan hệ giữa các loại hình văn hóa với cam kết của tổ chức. Khi kết hợp mô hình văn hóa Hofstede với Meyer và Allen (1984), Rashid và những người khác, (2003) với các thành phần cam kết tổ chức, đã phát hiện ra rằng các kích thước văn hóa có ảnh hướng đáng kể đến sự cam kết của nhân viên. Geiger (1998) cũng tiến hành một nghiên cứu bằng cách sử dụng các khía cạnh văn hóa doanh nghiệp và tìm thấy rằng các giá trị văn hóa tác động đến sự leo thang của cam kết tổ chức. Rõ ràng, văn hóa doanh nghiệp và cam kết tổ chức có ảnh hưởng đến hiệu suất của một tổ chức. Brewer (1993) đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa tổ chức với cam kết tổ chức, nghiên cứu đã chỉ ra rằng văn hóa có tính chất quan liêu thường có một mối quan hệ tiêu cực với cam kết của các nhân viên trong tổ chức [9].
Trong khi đó với những kết quả nghiên cứu của mình, Silverthorne (2004) đã chỉ ra rằng văn hóa doanh nghiệp nó đóng vai trò rất quan trọng đến mức độ hài lòng trong công việc và mức độ cam kết gắn bó với tổ chức. Ngoài ra theo kết quả nghiên cứu của Yousef (2000), văn hóa doanh nghiệp có mối quan hệ rất mật thiết với hành vi lãnh đạo, sự hài lòng trong công việc và cam kết gắn bó với tổ chức.
Meyer và Allen (1991) đưa ra các thành phần cam kết không loại trừ lẫn nhau, có nghĩa rằng nhân viên cam kết gắn bó với tổ chức theo các hình thức: cam kết tình cảm, cam kết tiếp diễn và cam kết nghĩa vụ theo các cấp độ, cường độ khác nhau...
Theo tác giả Recardo và Jolly (1997), Meyer và Allen (1991) đã lập luận và kiểm chứng thực tiễn rằng: văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến sự cam kết gắn bó của nhân viên với tổ chức: Recardo và Jolly (1997) văn hóa doanh nghiệp được đo lường bởi tám yếu tố cụ thể như sau (1) giao tiếp trong tổ chức, (2) đào tạo và phát triển, (3) phần thưởng và sự công nhận, (4) hiệu quả của việc ra quyết định (5) chấp nhận rủi ro bởi sáng tạo và cải tiến, (6) định hướng và kế hoạch tương lai, (7) làm việc nhóm, (8) Sự công bằng và nhất quán trong các chính sách quản trị [19].