3.1.3.1.Về du lịch nói chung
Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đón được trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 145000 lượt khách, tăng thời gian lưu trú của khách lên 3,5 ngày. Mức chi tiêu bình quân của du khách là 110USD/lượt khách khi đến tham quan nghỉ dưỡng ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Doanh thu từ du lịch phấn đấu đến năm 2015 đạt khoảng 310 triệu USD. Tổng sản phẩm du lịch - dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 36 - 38% GDP toàn tỉnh.
Về cơ sở vật chất, môi trường du lịch, tiến hành xây dựng và đưa vào khai thác các công trình trọng điểm về du lịch: Tuyền Lâm, Đankia - Suối Vàng, Thung lũng Tình Yêu … Nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú đảm bảo đến năm 2015 có khoảng 17000 - 19000 phòng, trong đó có khoảng 3300 - 3500 phòng đạt tiêu chuẩn từ 1 - 5 sao. Về lao động du lịch, phấn đấu đến năm 2015, nguồn nhân lực du lịch đạt 30000 lao động trực tiếp tham gia phục vụ du lịch.
3.1.3.2. Về vấn đề phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch
Thời gian qua, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở khai thác những tài nguyên du lịch sẵn có để xây dựng thành các điểm tham quan du lịch, nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, đến nay đã có những dấu hiệu cho thấy nhiều tài nguyên du lịch trên địa bàn đã bị khai thác cạn kiệt dần, thiếu sự đầu tư bảo vệ, tôn tạo, nâng cấp và phát triển. Đây là một trong những lý do chính làm cho sản phẩm du lịch của Lâm Đồng còn kém hấp dẫn, hạn chế đáng kể việc thu hút khách du lịch quốc tế. Để có thể khắc phục những hạn chế trên đây, cần thiết phải có những định hướng
nhằm phát triển và nâng cao chất lượng của các sản phẩm du lịch. Một số hướng cơ bản để giải quyết vấn đề trên đây cần được xem xét bao gồm:
Phát triển loại hình du lịch văn hóa để khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên qua các lễ hội, làng nghề thủ công... Đặc biệt, phải chú trọng khai thác văn hóa cồng chiêng vừa được công nhận là di sản văn hóa thế giới để phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Đây sẽ là loại hình du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.
Phát triển du lịch sinh thái đặc biệt là với các loại hình đặc thù như du lịch mạo hiểm, hưởng tuần trăng mật, tham quan trang trại đồng quê.
Phát triển các hình thức vui chơi giải trí cao cấp, hiện đại. Đặc biệt ưu tiên các loại hình vui chơi giải trí vào ban đêm. Loại hình này cần được ưu tiên trong quá trình đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để kéo dài ngày lưu trú của khách du lịch.
Phát triển hệ thống dịch vụ khách sạn cao cấp, dịch vụ ăn uống sang trọng. Trong hệ thống khách sạn - nhà hàng, cần khuyến khích mở rộng nhiều loại hình dịch vụ, nhiều món ăn đặc thù gắn liền với các đặc sản của Đà Lạt để tạo ra sự đa dạng và hấp dẫn hơn. Khai thác tốt một số xu thế về sở thích của khách hàng hiện nay đó là thích dùng nhiều rau trong bữa ăn, nhất là các loại rau an toàn, thích dùng thịt động vật hoang dã hơn là vật nuôi, thích sử dụng các loại hoa trong bữa ăn; thích các đặc sản có nguồn gốc tự nhiên; rất chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phát triển sản phẩm du lịch mới phải được tính toán kỹ lưỡng về ảnh hưởng và sự tác động đến môi trường của chúng. Phải đảm bảo giữ được môi trường trong lành, mát mẻ, sự yên tĩnh, sạch đẹp, văn minh lịch sự và phát huy bản sắc văn hóa giàu lòng nhân ái của người Đà Lạt để tạo ra sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Cần giải quyết tốt khâu vệ sinh công cộng và vệ sinh thực phẩm; hạn chế tối đa tiếng ồn, xử lý rác, bụi, nhất là rác thải, túi ni lông ở các khu du lịch.