7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
4.2.2.1. Giải pháp công trình
* Đề xuất các giải pháp công trình phòng tránh tai biến lũ lụt
- Mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống đường 14B và các tuyến đường liên xã.
Khi làm đường, hệ thống cống thoát nước chưa đảm bảo khả năng thoát lũ, vì vậy đã làm tăng cường thêm tính phức tạp của tai biến lũ lụt ở các khu vực trũng. Hiện nay số lượng cống, kích thước cống không đủ khiến dòng nước lũ nhiều khi phải quét cả mặt đường để thoát làm cho mặt mặt đường bị xói lở nghiêm trọng. Do vậy, cần tăng số lượng cống thoát nước, mở rộng hệ thống cống.
- Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở kĩ thuật ở các vùng xung yếu. Huyện cần quan tâm sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông, nạo vét mương cống trước mùa mưa bão để đảm bảo chất lượng công trình. Bên cạnh đó, xây dựng nhà ở kiên cố và tu bổ nhanh các công trình công cộng bị hư hỏng và xuống cấp.
- Hoàn thiện hệ thống đê bao cùng các tràn trên đê và cống dưới đê để chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn còn lũ chính vụ cho tràn qua, nhưng không gây sạt lở
và sa bồi đất canh tác.
- Nâng cấp các trạm thủy văn, trạm khí tượng, trạm y tế, thuyền bè, phao cứu trợ trên địa bàn huyện nhằm theo dõi và kịp thời ứng cứu khi có lũ xảy ra.
- Nâng cấp, xây dựng mới các trạm y tế của huyện và của tỉnh Thừa Thiên Huế. - Xây dựng các trạm ứng cứu tại các vùng thấp trũng, dễ bị chia cắt.
- Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn để giảm thiểu lũ lụt.
* Đề xuất các giải pháp công trình phòng tránh tai biến hạn hán
- Công trình dự báo hạn
Trong huyện đã xây dựng hai trạm khí tượng và thủy văn (trạm khí tượng Nam Đông, trạm thủy văn Thượng Nhật) để quan trắc lượng mưa và yếu tố khí tượng liên quan nhằm theo dõi, tính toán cập nhật và phát hiện những biến động bất thường, đặc biệt các dấu hiệu thiếu hụt lượng mưa trên từng khu vực. Nhiệm vụ đặt ra là phải tiếp tục xây dựng, mở rộng thêm quy mô, mua sắm các trang thiết bị hiện đại để nâng cao khả năng hoạt động dự báo, phòng chống hạn hán.
- Xây dựng các hồ, đập chứa, trữ nước
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hồ chứa, đập thượng nguồn đa mục tiêu. Các hồ chứa bên cạnh nhiệm vụ chống lũ cho vùng hạ du, còn có vai trò quan trọng đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô, giảm bớt thiệt hại do tai biến hạn hán gây ra.
Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra cho huyện là phải tiến hành cải tạo, tu bổ các đập để đảm bảo việc lưu trữ nước, cung cấp nước có hiệu quả, tránh việc xây dựng thêm các công trình mới nhưng chất lượng phục vụ không cao, còn gây thêm nhiều nguy cơ khác như sự cố tràn đập, vỡ đập vào mùa mưa lũ.
- Các xã trong địa bàn tiến hành tu sửa bờ vùng, bờ thửa, nạo vét kênh mương thủy lợi, khơi thông dòng chảy lắp thêm ống dẫn nước công suất lớn, tải nước về các trạm bơm đảm bảo mặt cắt thiết kế, đắp chặn các trục tiêu nội đồng để tận dụng nước hồi quy, đặc biệt là để tiết kiệm nước.
- Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất cho các vùng có nguy cơ hạn hán thiếu nước ở mức cao để khai thác nước dưới đất làm phương án dự phòng cấp nước trong thời kỳ hạn hán thiếu nước.
* Đề xuất các giải pháp công trình phòng tránh tai biến lũ quét
Để đề phòng lũ lụt nói chung và lũ quét nói riêng cần phải tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, nhanh chóng trả lại cơ chế bão hoà cho lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.
- Xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét. Ở các khu vực thường xảy ra lũ quét cần được nghiên cứu kết hợp với việc quy hoạch khai thác trị thuỷ, xây dựng các hồ chứa nước đa tác dụng: chống lũ, tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát điện... kết hợp với việc điều tiết lũ, phòng chống lũ quét.
- Khai thông các đường thoát lũ.
Tổ chức khai thông các đường tập trung lũ ở phía thượng lưu các khu vực cần bảo vệ nhằm mục đích không để sinh ra hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy, tích tụ nước tạo ra lũ quét nghẽn dòng. Đồng thời cũng phải tổ chức khai thông các đường dẫn lũ ở phía hạ lưu các khu vực cần bảo vệ để đề phòng hiện tượng tắc ứ sinh ra ngập lụt.
- Xây dựng đê, tường chắn lũ quét.
Ở các khu vực có điều kiện xây dựng công trình ngăn lũ quét có thể nghiên cứu xây dựng các tuyến đê hoặc tường chắn lũ quét để giữ dòng lũ chảy trong lòng dẫn, ngăn chặn các tác động của lũ quét đối với khu vực cần bảo vệ.
- Phân dòng lũ
Dựa vào địa hình có thể nghiên cứu phân dòng lũ nhằm làm giảm tác động của lũ quét vào khu vực cần bảo vệ. Phân lũ quét đi lệch sang các sông nhánh bằng cách tạo ra kênh hay đường dẫn lũ kéo lệch pha, lệch đỉnh, hạn chế khả năng tập trung lũ tàn phá khu vực cần bảo vệ.
- Đắp bờ giữ nước ở sườn dốc
Đắp bờ giữ nước là một trong những biện pháp công trình thủy lợi cơ bản và đơn lẻ để phòng chống xói mòn, lũ quét trên đất dốc. Ở nơi dốc thoải, đất nhẹ, có sức thấm nước tốt hoặc trung bình mà dòng chảy không lớn lắm có thể đắp những bờ ngang dốc theo đường đồng mức, trên thân và mặt bờ trồng cỏ. Có thể làm theo hình thức bờ mềm (đắp không nện chặt), hoặc bờ nửa cứng (nện chặt nửa dưới và không nện chặt nửa trên). Nếu mưa lớn bờ cỏ không giữ hết nước, nên nước vẫn có thể tràn qua bờ. Trong trường hợp này có thể đào mương cạnh bờ (mương trên bờ dưới) hoặc hồ chứa nước ở cạnh để tăng cường giữ nước.
Đào hố giữ nước là biện pháp công trình chống xói mòn và lũ quét giản đơn, dễ làm và có tác dụng lớn đối với những vùng đất sâu thấm nước tốt, độ dốc và lượng mưa không cao lắm. Nếu lượng mưa cao quá, thì hiệu năng chống xói mòn của nó bị giảm, nó cũng không thích ứng với những khu vực sản xuất cơ giới hóa. Đào hố giữ nước ở sườn dốc có tác dụng làm gián đoạn dòng chảy và giữ nước, lắng đọng bùn cát tại mặt dốc nhưng tác dụng cải biến địa hình không rõ rệt. Có nhiều cách đào hố giữ nước, trong đó có một số phương pháp chủ yếu như: đào hố hình chữ nhật nằm ngang trên đường đồng mức; đào hố theo kiểu bát úp; đào hố theo hình vảy cá…
- Xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước
Để đề phòng sự cố ở các hồ chứa nước gây ra lũ quét nhân tạo cần phải gấp rút xây dựng bổ sung các tràn sự cố cho các hồ này đồng thời với việc xây dựng các phương án phòng chống lụt bão cho hồ chứa nước, bố trí đủ vật tư, phương tiện và lực lượng cần thiết để có thể khắc phục được ngay những sự cố do lũ, bão gây ra.
- Mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống của tuyến đường 14B và các tuyến đường liên xã.
Do đặc điểm các sông của huyện ngắn và dốc, để tránh tình trạng làm cản dòng lũ gây ra ngập lụt, lũ quét và ách tắc giao thông ở tuyến đường huyết mạch của huyện cần phải tính toán quy hoạch tiêu lũ của các hệ thống cầu cống trên hai hệ thống đường này. Đối với những vùng cần tiêu thoát lượng nước lớn cần phải mở rộng thêm khẩu độ các cầu cống, hoặc có thể làm các hệ thống cầu cạn để tạo cho việc tiêu thoát nhanh nước lũ ra biển.
* Đề xuất các giải pháp công trình phòng tránh tai biến trượt lở đất
- Sử dụng các biện pháp công trình như tường chắn, kè chống xói lở, hệ thống cọc chống đỡ ở chân sườn dốc với hệ thống móng đặt sâu dưới mặt trượt và nằm trên nền đá gốc.
- Đối với các vách đường, các khu vực đang có nguy cơ trượt lở, cần có các biện pháp chống tác động phá hoại của nước mặt bằng cách xây dựng hệ thống, đào các rãnh thoát nước để đưa nước chảy theo hướng khác hoặc đẩy nhanh quá trình thoát nước mưa trên bề mặt sườn dốc ở các độ cao khác nhau nhằm hạn chế quá trình thấm nước, trồng các loại cỏ chống xói mòn đất như cỏ Vertiver…
- Đối với các điểm trượt lở lớn, phức tạp trên các vách taluy dương dốc đứng, cần giảm tải trọng trên sườn bằng cách hạ thấp các mái dốc, làm thoải mái dốc, tạo
nhiều bậc thang theo sườn dốc…Tăng tải trọng ở phần chân của mái dốc bằng cách xây dựng các loại tường phản áp, xây các tường chắn bê tông cốt thép, tường rọ đá Mac-ca-phe-ri…