7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
3.1.4.3. Một số trận lũ quét điển hình ở huyện Nam Đông
* Trận lũ quét tháng 11/1999
Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với hoạt động cường độ rất cao của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Nam Bộ trong các ngày 1/11 đến 4/11 và của áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Nam Trung Bộ, từ ngày 1-6/11/1999, ở huyện Nam Đông đã có mưa to, mưa rất to, nhiều nơi mưa đặc biệt to, tập trung trong thời gian ngắn với cường suất lớn nhất trong hơn 100 năm qua và đạt cường độ mưa loại kỷ lục trên thế giới. Tổng lượng mưa phổ biến chỉ trong 6 ngày chiếm tới 50-70%, nhiều nơi chiếm tới 80-100% tổng lượng mưa năm. Tại Thừa Thiên Huế, mưa không những phân bố đều ở cả vùng núi và đồng bằng mà còn đạt mức lịch sử về tổng lượng mưa trận, cường độ mưa và diện mưa. Lượng mưa trung bình toàn tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 2000mm, chưa từng xảy ra ở đây trong hơn 100 năm qua.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoạt động tương đối mạnhcủa đới gió đông, từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 12 năm 1999, ở hầu hết các tỉnh ven biển Trung Bộ từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to diện rộng, nhiều nơi mưa đặc biệt to, cường độ rất lớn. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 500- 800mm; nhiều nơi có tổng lượng mưa cao hơn 1000mm.
Mưa lớn kéo theo hiện tượng lũ quét ở nhiều nơi thuộc các xã Hương Phú, Hương Sơn, Hương Hòa, Thượng Long...làm ách tắc giao thông ở nhiều nơi và thiệt hại nhiều diện tích hoa màu của huyện.
* Trận lũ quét tháng 10/2007
Do ảnh hưởng kết hợp của đới gió Đông trên cao và không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc tràn về nên từ ngày 13/10 đến 16/10 ở khu vực Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to gây ra một đợt lũ lớn trên diện rộng trong toàn tỉnh.
Lượng mưa đo được từ 19h ngày 13/10 đến 4h ngày 17/10 tại các trạm:Trạm Thượng Nhật trên sông Tả Trạch: 913 mm, Trạm Khe Tre (Nam Đông): 985 mm.
Mưa lớn gây lũ quét sườn dốc ở một số nơi thuộc xã Hương Sơn, thị trấn Khe Tre… Lũ quét đã cuốn trôi 2 người và nhiều diện tích hoa màu. Mưa lớn cũng làm sạt lở đất ở Km22+300 (cầu Cây Xoài thuộc xã Hương Phú) với khối lượng 1,5 m3.
3.1.5. Trượt lở đất
Trong mấy thập kỷ gần đây, Thừa Thiên Huế là nơi có bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ nhiều so với cả nước. Bão và áp thấp nhiệt đới thường kéo theo mưa lớn, tập trung gây ra lũ lụt, trượt lở đất, đặc biệt là ở vùng núi.
Một số loại hình trượt lở phổ biến ở huyện Nam Đông
- Sạt lở đất: thường xảy ra tại các thung lũng và triền sông, suối, dọc các bờ biển bị xói lở. Trong quá trình sạt lở, có sự đan xen giữa hiện tượng dịch chuyển trượt, hiện tượng sụp đổ. Hiện tượng sạt lở thường được báo trước bằng các vết nứt sụt ăn sâu vào đất liền và kéo dài theo bờ sông, bờ biển. Diễn biến phá hoại của sạt lở nhanh và đột ngột. Sạt lở bờ thường có xu hướng tái diễn nhiều năm, phạm vi ảnh hưởng rộng, đe doạ phá hỏng cả cụm dân cư.
Ở Nam Đông, sạt lở đất xảy ra chủ yếu ở ven sông, suối như: Sông Khê Hai Nhất, sông Khê Ta Man, dọc sông Tả Trạch chạy qua thị trấn Khe Tre, xã Thượng Lộ, các suối nhỏ thuộc thôn Hà An, thôn Xuân Phú, thôn Phú Nam (xã Hương Phú)…
- Sụt lở đất: Khi sập, sụt lở đất, một phần đất có kích thước bất kỳ tách ra khỏi sườn dốc, sụt xuống phía dưới. Phạm vi sụt lở đất thường không lớn nhưng xảy ra rất thường xuyên, mạnh mẽ trên các tuyến đường giao thông vùng núi vào mùa mưa. Sụt lở đất thường có khối lượng không lớn, nhưng hậu quả rất nặng nề, thường gây chết người, phá hỏng nhà cửa, gây ách tắc giao thông. Sụt lở đất thưởng xảy ra ở dọc tuyến đường 14B từ Phú Lộc lên Nam Đông. Các điểm thường xảy ra sụt lở: Km 20+658, Km 22+200 (xã Hương Phú), Km 35+500 (xã Thượng Quảng)…
- Trượt đất đá: Trượt đích thực là sự biến dạng phá vỡ và dịch chuyển của đất đá theo một hoặc một vài mặt trượt có thể quan sát hoặc giả định được. Sự dịch chuyển của đất đá có thể vượt ra ngoài phạm vi chân khối trượt. Trượt đất đá là loại hình tai biến phổ biến nhất ở các vùng đồi núi dốc, các tuyến đường giao thông miền núi, các bờ mỏ khai thác đá. Các khối lượng trượt riêng lẻ có độ lớn biến động từ vài chục mét khối tới vài triệu mét khối, có tốc độ di chuyển từ cực nhanh đến chậm. Tại tỉnh lộ 14B thường xảy ra khoảng 4 điểm trượt lở nhỏ với khối lượng chưa đến 100m3 tại đèo La Hy thuộc địa phận xã Hương Phú, huyện Nam Đông. Trượt ở đây thường phát triển trên vỏ phong hóa bị vò nhàu của đá phiến xerixit của hệ tầng A Vương.
- Lở đá: Là hiện tượng các tảng đá, mất gắn kết với cả khối, sụp đổ và lăn xuống vùng thấp. Đá lở thường xảy ra trên các tuyến đường giao thông miền núi, trên các sườn dốc và lân cận một số khu dân cư. Lở đá đã từng xảy ra ở đèo La Hy (xã Hương Phú).
Qua việc nghiên cứu các loại tai biến thiên nhiên ở trên, đề tài đã xây dựng được bản đồhiện trạng tai biến thiên nhiên ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Như vậy, các tai biến thiên nhiên ở huyện Nam Đông có mối liên quan với nhau. Các khu vực chịu ảnh hưởng của nhiều loại tai biến thiên nhiên bao gồm: các xã Thượng Long, Thượng Quảng (ven sông Khê Hai Nhất), thung lũng Nam Đông – Khe Tre (các xã Hương Hòa, thị trấn Khe Tre, xã Hương Giang, Hương Sơn)…
3.2. Phân tích các nhân tố gây ra tai biến thiên nhiên ở huyện Nam Đông, tỉnhThừa Thiên Huế