Trong sự đa dạng và phong phú của văn học Việt Nam 1930-1945, những sáng tác của Nguyễn Công Hoan chiếm một vị trí rất đặc biệt. Ông viết nhiều song đặc biệt thành công ở truyện ngắn, tạo nên sự mới mẻ trong thể loại này những năm đầu thế kỉ XX. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan mở ra một thế giới mới lạ, hấp dẫn khiến người đọc yêu thích, mến mộ - đó là khuynh hướng trào phúng. Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan cũng viết “người ta nhận thấy Nguyễn Công Hoan sở trường truyện ngắn hơn truyện dài. Truyện ngắn của ông tiêu biểu cho thứ văn vui, thứ văn mà có lẽ từ ngày nước Việt Nam có truyện viết theo lối mới, người ta chỉ thấy ở ngòi bút ông thôi” (45; 56).
Đứng trên cảm hứng phủ định, phê phán xã hội của trào lưu hiện thực phê phán, tiếng cười của Nguyễn Công Hoan đa dạng, nằm trong mạch cười của văn học dân tộc, kế thừa tiếng cười trong văn học dân gian của Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến…“Nguyễn Công Hoan là nhà văn xã hội lớn, một ngòi bút hiện thực trào phúng phong phú, cường tráng và hết sức độc đáo, xuất hiện một cách hiếm hoi trong lịch sử văn học Việt Nam từ đầu những năm 1930 -1945” (35; 31).
Là nhà văn mở đường cho trào lưu hiện thực trước Cách mạng, Nguyễn Công Hoan bắt đầu cầm bút từ những năm hai mươi của thế kỉ XX.
Tập truyện ngắn đầu tiên là Kiếp hồng nhan ra đời 1923. Từ 1926 trở đi ông vừa dạy học, vừa viết văn và đến năm 1929, Nguyễn Công Hoan đã khẳng định tài năng nghệ thuật của mình với những truyện ngắn in trong mục Xã
hội ba đào kí trên An Nam tạp chí do Tản Đà chủ trương. Ông viết hàng loạt
truyện ngắn với khuynh hướng hiện thực rõ rệt, khẳng định một con đường đi đúng đắn, tích cực, tiến bộ mặc dù hoàn cảnh văn học công khai nước ta trước Cách mạng bị bọn thực dân thống trị đặt dưới chế độ kiểm soát ngặt nghèo. Trong Đời viết văn của tôi, ông đã từng bày tỏ “ĐÒ tài truyện ngắn của tôi là những việc, những cảnh xảy ra ở trước mắt. Thường thì nó chỉ là một câu nói mà tôi vụt nghe thấy hoặc một hình ảnh thoáng qua trong khi tôi đi đường. Nó cũng chỉ là một chi tiết của một thời sự hoặc chỉ là tấm ảnh đăng trên báo (Chiếc quan tài). Nếu tôi dùng được một đề tài thông thường để ám chỉ xa xôi bóng gió một chính sách giả dối (Ngậm cười), một nhân vật quan trọng (Kép Tư Bền), một cách đãi ngộ bất công (Con ngựa già). NÕu truyện ngắn biến thành thể ngụ ngôn để động chạm đến bọn thống trị mà Kiểm duyệt có mắt mà như mù, tôi mới cho là đạt” (22; 346, 347).
“Truyện ngắn là thể văn xuôi tự sự gần gũi, quen thuộc, là hình thức ngắn của tự sự. Truyện ngắn có thể kể về cả một cuộc đời hay một đoạn đời, một sự kiện hay một chốc lát trong cuộc sống nhân vật, nhưng cái chính của truyện ngắn không phải là hệ thống sự kiện mà là cái nhìn tự sự trước cuộc đời”(Giáo trình lí luận văn học - NXBGD - 1997). Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân của một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội, hoặc trạng thái tồn tại của con người chứ không là toàn bộ tồn tại trong mọi mối quan hệ. Các tác giả truyện ngắn thường hướng tới khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống con người. Với Nguyễn Công Hoan, sự độc đáo khác biệt trong việc xây dựng điển hình hoá của ông chính là sở trường về truyện ngắn trào phúng với bút pháp cường điệu.