* Giai đoạn 1989 - 2000
Năm 1991, chế độ hạn ngạch xuất khẩu gạo được thiết lập. Thời kỳ này các chính sách của Nhà nước về giá lương thực không thể hiện rõ rệt. Tháng 4/1993 nhà nước đã thành lập quỹ bình ổn giá nhưng quỹ gần như chưa tham gia vào việc bình ổn giá gạo trong thời kỳ này.
Năm 1994 bắt đầu thực hiện chế độ thu gom đầu mối xuất khẩu nhằm hạn chế tình trạng tranh mua - tranh bán. Năm 1995 VINAFOOD 1 (ở miền bắc) và VINAFOOD 2 (ở miền Nam) ra đời theo quyết định của chính phủ chịu trách nhiệm chính về các hoạt động buôn bán lúa gạo.
Năm 1996 Chính phủ đã chấn chỉnh việc xuất khẩu gạo, ngừng hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và phân tán, chỉ định các doanh nghiệp thực sự đủ điều kiện xuất khẩu gạo làm đầu mối xuất khẩu nhằm nâng cao trình độ tập trung và chuyên môn hóa. Năm 1996 có 15 đầu mối xuất khẩu gạo.
Tháng 1/1997 bộ Thương mại đã có Thông báo số 13848/TM-XNK, theo đó các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo phải có 3 điều kiện sau:
- Đã được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo loại hình kinh doanh có ngành hàng phù hợp.
- Là thành viên của hiệp hội xuất khẩu lương thực Việt Nam được hiệp hội đề nghị bộ thương mại cho phép xuất khẩu gạo.
- Đã kinh doanh xuất khẩu gạo trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu gạo liên tục 3 năm và đạt doanh thu hàng năm tối thiểu 50 tỷ đồng.
Năm 1998, hạn ngạch đã được lới lỏng dần. Hạn ngạch được phân bố từ đầu năm dựa trên cơ sở kết quả hoạt động thực tế trong năm trước và sự xem xét tình hình sản xuất của năm.
Đồng thời, Chính phủ tuyên bố khuyến khích mọi thành phần kinh tế được tham gia xuất khẩu, các doanh nghiệp ngoài đầu mối nếu tìm được thị trường và ký được hợp đồng xuất khẩu gạo với giá cao thì được trực tiếp xuất khẩu gạo; Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chế biến gạo cũng được tham gia xuất khẩu số gạo chế biến đó.
Nhà nước thực hiện chính sách thưởng kim ngạch xuất khẩu, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng đã góp phần làm tăng số lượng gạo xuất khẩu, giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm. Giá gạo đã tăng khiến cho người nông dân yên tâm hơn trong sản xuất. Bên cạnh đó nhờ các cơ chế, chính sách khuyến khích xuất khẩu, các doanh nghiệp đã giảm bớt được khó khăn về tài chính. Trong năm 2001, quỹ hỗ trợ xuất khẩu đã thưởng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng gạo là 26,39 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, nhà nước bãi bỏ chế độ phân bổ Quota xuất khẩu gạo; mở rộng sự tham gia xuất khẩu gạo của các thành phần kinh tế; quy định xuất khẩu vào thị trường tập trung.
Ngoài ra nhà nước còn khuyến khích các doanh nghiệp hình thành các tổ chức hiệp hội, hợp tác để thống nhất về quy cách, ký hợp đồng dài hạn, bảo đảm thanh toán để giảm bớt rủi ro, tránh hiện tượng ép cấp, ép giá trong buôn bán.
Tăng cường các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu gạo như: Cung cấp miễn phí các thông tin thị trường, các văn bản có liên quan đến xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các thông lệ thương mại luôn ưu tiên và đảm bảo quyền lợi cho xuất khẩu gạo.
* Giai đoạn 2006 đến nay
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ sau khi ban hành nghị quyết trung ương 7 khóa X nhiều chính sách được ban hành và thực thi như: Đầu tư mạnh cho nghiên cứu, chọn lọc, phân nhánh các loại lúa có năng suất cao, chất lượng tốt để đảm bảo cho xuất khẩu; các chính sách đảm bảo lợi ích của người trồng lúa trong so sánh với lợi ích của người trồng các loại cây trồng khác và với các khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, chế tạo, nhập khẩu, phổ biến các loại máy móc phục vụ sấy, bảo quản, chế biến lúa gạo phù hợp với từng vùng; hỗ trợ tín dụng để các doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân phục vụ cho xuất khẩu, để người nông dân
không phải bán lúa với giá rẻ ngay sau khi thu hoạch, nhất là người dân ở ĐBSCL. Cho phép các công ty nước ngoài tham gia vào hoạt động thương mại và phân phối gạo, quản lý xuất khẩu gạo thông qua đăng ký hợp đồng kinh doanh. Gần đây nhất là Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 “Về xuất khẩu gạo” [3], Nghị định này có hiệu lực từ năm 2011. Mục đích của nghị định này là nhằn gắn kết chặt chẽ, lâu dài doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất lúa gạo dài hạn, đảm bảo lợi ích người trồng lúa; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; ổn định thị trường lúa gạo, nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Về nội dung, nghị định này quy định điều kiện bắt buộc với doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, cụ thể là
- Có ít nhất 1 kho với sức chứa 5.000 tấn bảo đảm với quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn ban hành.
- Có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
- Kho chứa, cơ sở xay,xát phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc gạo tại thời điểm doanh nghiệp đề nghị cấp giấy chứng nhận.
- Thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu bằng 10% khối lượng gạo mà doanh nghiệp đã xuất khẩu 6 tháng trước; khi giá trong nước tăng đột biến, chính phủ chỉ đạo đưa dự trữ này vào thị trường.
Các doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo khi đáp ứng các tiêu chí sau:
- Hợp đồng xuất khẩu có giá xuất khẩu không thấp hơn giá sàn gạo xuất khẩu được công bố theo quy định trong nghị định này.
- Có sản lượng gạo ít nhất bằng 50% lượng gạo hợp đồng xuất khẩu đăng ký, không bao gồm lượng gạo thường xuyên phải có để duy trì mức dự trữ lưu thong như quy định ở trên.