Sở dĩ gạo Thái Lan luôn bán được với giá cao hơn gạo Việt Nam cũng là nhờ có thương hiệu. Hiện nay, Việt Nam có nhiều loại gạo có chất lượng không kém gạo các nước như Jasmine, ST1, ST5, Nàng thơm, Tám xoan Hải Hậu, gạo thơm An Giang và Long An… nhưng các loại gạo đó còn ít được thị trường thế giới biết tới vì chưa có tên tuổi. Trong khi đó, 90% lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chưa qua chế biến sâu, gạo Việt Nam xuất khẩu phải đi qua nước trung gian và “khoác áo” thương hiệu của nước khác để xuất khẩu. Điều này dẫn tới không chỉ đến giảm kim ngạch mà còn dẫn đến nguy cơ bị mất mặt hàng truyền thống này. Từ thực tế đó, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết.
Giải pháp đưa ra để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam hiện nay là:
- Nâng cao chất lượng gạo trên cơ sở phát triển công nghệ hạt giống và công nghệ sau thu hoạch, chuyển nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng bằng cách tăng cường các ứng dụng công nghệ cao.
- Phải đảm bảo sự có mặt thường xuyên các sản phẩm gạo trên thị trường thế giới. Việc xuất khẩu gạo mang tính chất từng chuyến, từng đợt phụ thuộc vào thời vụ thu hoạch đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng thương hiệu. Để khắc phục hạn chế này, chúng ta có thể tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống các kho dự trữ đạt tiêu chuẩn cho phép các nhà xuất khẩu vừa có hàng đưa ra thị trường quanh năm, vừa giảm thiểu được tình trạng “được mùa rớt giá”, gây nhiều thiệt hại cho xuất khẩu, đặc biệt là thiệt hại đối với người nông dân trồng lúa.
- Phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh để tạo sản phẩm thuần nhất. Muốn tạo được nguyên liệu tốt cho chế biến xuất khẩu gạo cần lựa chọn xác định bộ giống chất lượng cao, tạo mô hình nông nghiệp gắn kết với công nghệ chế biến, gắn sản xuất với thu mua, bảo quản và chế biến xuất khẩu.
- Tạo mối liên kết khăng khít giữa nhà nông, nhà kinh doanh, nhà khoa học nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa lẫn nhau giữa các chủ thể này. Có như vậy, chúng ta mới có thể tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và mới có thể xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo của Việt Nam.
- Tạo cơ sở pháp lý (thương hiệu được đăng ký với các cơ quan quản lý trong nước và quốc tế, được chứng nhận của các tổ chức có uy tín về chất lượng, giá cả của sản phẩm), sau đó là quảng bá thương hiệu thông qua nhiều hình thức khác nhau để tạo dựng uy tín, trong đó quảng bá bằng cách kết hợp với phát triển du lịch là một cách thức vô cùng hữu hiệu và cần được lưu tâm trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.