Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 78)

Bên cạnh những thành tựu đạt được hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam còn không ít tồn tại và hạn chế

* Về thị trường xuất khẩu

Trong thời gian vừa qua thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là thị trường có sức mua thấp thiếu tính bền vững, chủ yếu là thị trường đòi hỏi phẩm cấp sản phẩm không cao. Gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào các nước ở thị trường Châu Á hàng năm chiếm từ 45 - 50% chủ yếu là Indonesia, Philippin, Malaysia, Singapo, kế đến là thị trường Trung Đông chiếm từ 19 - 25% chủ yếu là Irac, Iran, Syria. Châu phi 17 - 25% chủ yếu là Senegal, Angeri, Costarica, Châu Mỹ chiếm khoảng 10 - 11%, còn lại là đông Âu và thị trường Tây Âu. Thị trường xuất khẩu tuy nhiều nhưng không vững chắc, gạo còn phải xuất qua trung gian nên bị ép cấp và thua thiệt về giá, hơn nữa thị trường sức mua thấp, hoặc tái xuất tái chế không phù hợp với định hướng chiến lược xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao của Việt Nam trong giai đoạn tới. Triển vọng về mở rộng thị trường sang các nước phát triển vẫn gặp nhiều khó khăn trước yêu cầu đổi mới và cải tiến liên tục về tiêu chuẩn vệ sinh thành phẩm, chất lượng mẫu mã và kể cả các quy định thông lệ quốc tế. Những hạn chế về thị trường xuất khẩu gạo có nguyên nhân từ khâu sản xuất

chủ yếu nhằm vào gạo có phẩm cấp thấp, từ những hạn chế của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về nguồn lực, năng lực Marketing (nghiên cứu thị trường, các chính sách về giá cả, quảng bá) và xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam. Về phía nhà nước, chính sách thị trường định hướng tập trung đã ít nhiều hạn chế việc mở rộng thị trường, việc hỗ trợ cho người sản xuất và người xuất khẩu gạo về thông tin thị trường gạo quốc tế còn chưa được quan tâm đúng mức

* Về chất lượng gạo xuất khẩu:

Chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam còn kém, gạo 5% tấm, gạo nếp, gạo thơm mới chiếm khoảng 50%. Chất lượng gạo xuất khẩu thấp do một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất: Do giống lúa kém. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu và triển khai chương trình cải tạo giống lúa, nhưng diện tích gieo trồng các loại giống lúa có chất lượng cao chưa nhiều. Người nông dân mới chỉ chú trọng đến việc nâng cao năng suất, mà chưa quan tâm tới việc nâng cao chất lượng giống lúa và các biện pháp kỹ thuật kể cả cải tiến chất lượng gạo phù hợp với thị trường trong nước và nước ngoài. Có đến 90% diện tích hiện đang sử dụng các giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao nhưng chất lượng thấp. Các giống lúa đặc sản truyền thống của Việt Nam chiếm một diện tích không đáng kể, trong khi có quá nhiều giống lúa khác nhau được gieo trồng trên cùng một khu vực, trong cùng một mùa vụ là một thực trạng đáng lo ngại cho cả việc sản xuất lẫn chế biến, xuất khẩu gạo hiện nay. Theo số liệu từ bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm chưa kể nhập khẩu, chúng ta công nhận và đưa vào sản xuất 60 đến 80 giống lúa mới.

Thứ hai: Chính sách hướng xuất khẩu vào các thị trường tập trung với việc đáp ứng nhu câù gạo phẩm cấp thấp đã khiến người nông dân vẫn phải duy trì sản xuất giống lúa có phẩm cấp thấp đó. Đây là một trong những

nguyên nhân chính làm cho chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam không có sự đổi mới đáng kể.

Thứ ba: Công nghệ chế biến lạc hậu, các công việc sau thu hoạch chưa đạt được tiêu chuẩn làm thất thoát một lượng gạo đáng kể. Theo kết quả nghiên cứu của viện công nghệ sau thu hoạch thì giai đoạn 1992 - 2002 nhờ áp dụng các công nghệ sau thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch đã giảm xuống 10 - 12%. Tuy vậy đây vẫn là một tổn thất rất lớn.

Kế đó là hệ thống nhà máy xay xát đánh bóng gạo xuất khẩu những năm gần đây tuy có được trang bị thêm máy móc, thiết bị hiện đại hơn nhưng số lượng còn ít chủ yếu được bố trí ở TPHCM, Mỹ Tho, Cần Thơ, trong khi đó những vùng xa và địa phương có nhiều lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu như An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, lại không có nhà máy đánh bóng xuất khẩu hiện đại. Ở khu vực lúa đồng bằng sông Cửu Long, đến nay năng lực sấy chỉ đảm bảo được 10 đến 15% sản lượng thóc hè thu cộng thêm vấn đề kho tàng và bảo quản lương thực còn lạc hậu, chủ yếu vẫn là thông thoáng tự nhiên, đảo trộn và bóc gỡ thủ công nên tổn thất còn cao (1,5 đến 2%) và chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Hiện nay kho hàng chuyên dụng hầu như không có, đa phần kho cuốn và kho khung thép xây dựng đã lâu hết thời gian sử dụng, hư hỏng cần phải sửa chữa nhiều. Nhìn chung công nghệ và thiết bị xay xát gạo phần lớn đã lạc hậu ít cải tiến khiến cho chi phí sản xuất cao, chất lượng thành phẩm thấp. Đây là nguyên nhân chính làm cho xuất khẩu gạo của Việt Nam có sức cạnh tranh không cao trên thị trường thế giới.

* Về giá gạo xuất khẩu:

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn giá gạo xuất khẩu của một số nước như Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ vì thế kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu là do tăng khối lượng xuất khẩu. Trong 10 tháng đầu năm 2012 Việt Nam xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo với kim ngạch xuất khẩu là 2,9 tỷ USD, trong khi

đó nước có sản lượng xuất khẩu thứ 2 là Ấn Độ xuất được 5,8 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,0 tỷ USD, Thái Lan xuất khẩu được 5,3 triệu tấn nhưng kim ngạch xuất khẩu lại rất cao, đạt 3,5 tỷ USD.

* Nguyên nhân giá gạo thấp là do:

Thứ nhất: Chất lượng gạo xuất khẩu còn kém, phẩm chất thấp, mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, đã làm giá gạo nước ta thấp hơn giá gạo quốc tế.

Thứ hai: Cạnh tranh gay gắt giữa chính các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới làm cho giá gạo của Việt Nam giảm thấp.

Thứ ba: Việc quản lý gạo trong xuất khẩu còn buông lỏng, gạo chất lượng kém vẫn còn tham gia vào thị trường xuất khẩu đã ảnh hưởng đến uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thứ tư: Dự báo thị trường nông sản trong khu vực và trên thế giới chưa nhanh nhạy và chính xác, chưa phân tích đầy đủ các yếu tố tác động đến giá cả trong nhiều năm. Hơn nữa, phải kể đến khả năng hạn chế của doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin, nắm bắt thị trường cũng như giao dịch còn yếu kém thiếu nhanh nhạy.

Thứ năm: Năng lực tạm trữ gạo xuất khẩu còn yếu nên thường xuất khẩu gạo ồ ạt vào vụ thu hoạch nên giá thấp, khi giá gạo trên thị trường thế giới lên cao thì lại không có gạo bán. Trong Nghị định 109/2010/NĐ - CP về kinh doanh xuất khẩu gạo có nội dung quy định về mua tạm trữ thóc, gạo xuất khẩu, theo đó thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm thông báo với ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các điểm mua thóc, gạo và công bố với các điểm mua này để người dân biết, niêm yết giá mua theo chất lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân trực tiếp giao dịch, khuyến khích thương nhân mua thóc gạo hàng hóa thông qua hợp đồng ký với người sản xuất theo

chính sách hiện hành của nhà nước về tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; thương nhân thực hiện mua thóc, gạo hàng hóa theo quy định này được vay tín dụng xuất khẩu theo quy định hiện hành.

Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách mua tạm trữ thóc, gạo cho xuất khẩu là giữ cho giá lúa không bị suy giảm, đảm bảo cho người trồng lúa lãi ít nhất 30%. Trong điều kiện hiện nay, chính sách này là đúng đắn. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này trên thực tế đã cho thấy một số bất cập:

- Năng lực kho chứa của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước là rất hạn chế

- Cung cấp tín dụng giá rẻ cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp này mua đủ gạo tạm trữ và đẩy giá gạo lên là rất khó khả thi. Với cách làm này, giá gạo vẫn có thể được đẩy lên cao nhưng người nông dân chưa chắc đã được hưởng vì nhìn chung, các doanh nghiệp có thể mua gạo của thương lái với giá cao, nhưng thương nhân thì không mua gạo của nông dân với giá cao đó.

Thứ sáu: Mức chênh lệch giá gạo của nước ta so với các nước khác còn cao còn do Việt Nam chưa có được hệ thống bạn hàng tin cậy từ nhiều năm như Thái Lan, do đó doanh thu xuất khẩu cũng giảm do phải chi khoản hoa hồng môi giới.

Thứ bảy: Xuất khẩu gạo qua trung gian còn tồn tại khá phổ biến và vì vậy giá xuất khẩu thấp.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 78)