Ấn độ là một trong năm cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới. sản lượng gạo sản xuất cũng như xuất khẩu gạo không ngừng tăng trong mấy thập kỷ qua. Điều này là do Ấn Độ áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp trong cuộc “cách mạng xanh”.
Cuộc “cách mạng xanh thứ nhất” của Ấn Độ bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX diễn ra đồng bộ bao gồm: tạo giống mới năng suất cao, sử dụng phân bón hữu cơ rộng rãi, cải cách ruộng đất và cải tạo hệ thống thủy nông, đã tạo ra bước ngoặt kỳ diệu, đủ lương thực cho nhu cầu trong nước từ năm 1984 và 10 năm sau đó năm 1995 trở thành nước xuất khẩu gạo.
Cuộc “cách mạng xanh thứ hai” của Ấn Độ được tiến hành với 3 giải pháp chính: áp dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác mới, quản lý và điều phối nguồn nước tưới tiêu bao gồm chuyển nước từ miền Bắc xuống miền Tây và miền Nam, đồng thời bảo đảm thu nhập tốt và bình đẳng hơn cho người nông dân.
Chính phủ Ấn Độ khuyến khích tăng diện tích đất canh tác lúa Baxmati và lúa thường nhằm phục vụ cả nhu cầu xuất khẩu lẫn nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ấn Độ chủ trương đưa máy móc, thiết bị đến tay nhà nông thông qua việc trợ cấp, cho vay tín dụng, nhà nông được trang bị kiến thức, kỹ thuật nông nghiệp hiện đại qua các khóa học được tổ chức dưới các hình thức phù hợp với trình độ nông dân. Các thủ tục xuất khẩu cũng được đơn giản hóa một cách tối đa, giảm bớt các thủ tục hành chính nhằm khuyến khích nhiều nhất thương nhân tham gia xuất khẩu gạo. Nhà nước cho tư thương vay tín dụng với lãi suất thấp để họ có đủ tiền vốn tiến hành hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cải thiện hạ tầng cơ sở tại khu vực nông thôn trồng lúa xuất khẩu đồng thời mua gạo với giá cao. Điều này tuy đã làm cho giá gạo Ấn Độ khá cao, ảnh hưởng đến cạnh tranh của gạo Ấn Độ
nhưng nó cũng đã làm cho Ấn Độ trở thành một trong năm nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới gắn liền với loại gạo Baxmati nổi tiếng.