Với lịch sử tồn tại và phát triển trên 500 năm, đặc biệt sau gần 20 năm trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật độc lập, ngành da giầy Việt nam đã khẳng định được vai trò và vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của nước ta. Có được thành công này là do ngành da giầy luôn biết tận dụng lợi thế và nắm bắt cơ hội, lấy đó làm tiền đề và động lực cho quá trình phát triển. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp và những đánh giá, nhận định của các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành, dưới đây em xin tổng kết những lợi thế, cơ hội đã, đang và sẽ là những nhân tố quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp da giầy phát triển.
Thứ nhất: Làn sóng chuyển dịch sản xuất sang các nước phát triển đã mang lại sức sống mới cho các doanh nghiệp da giầy Việt nam
Làn sóng này bắt đầu từ những năm đầu thập niên 90, đã làm hồi sinh ngành công nghiệp da giầy Việt nam đang trong cơn khủng hoảng. Các nhà đầu tư nước ngoài ào ạt đầu tư vào ngành công nghiệp da giầy Việt nam bằng các trang thiết bị, công nghệ dưới phương thức bán hàng trả chậm. Kèm theo đó là những đơn đặt hàng mang lại doanh thu, lợi nhuận và việc làm cho các doanh nghiệp da giầy Việt nam. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, Việt nam đã trở thành nước sản xuất và xuất khẩu giầy dép lớn đứng thứ tư thế giới. Sản phẩm giầy dép Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường quan trọng của thế giới như: EU, Châu Mỹ, Nhật bản, Úc…
Đến cuối thập kỷ 90, làn sóng này có lắng xuống do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, những năm tới ngành giầy dép thế giới vẫn có xu hướng tiếp tục chuyển dịch sang các nước
đang phát triển. Đặc biệt là các quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ, chính trị ổn định như Việt nam.
Thứ hai: Chính sách hỗ trợ của nhà nước là nguồn lực quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp da giầy phát triển
Là một trong những ngành xuất khẩu lớn nên trong những năm qua các doanh nghiệp sản xuất da giầy luôn được Đảng và nhà nước quan tâm, đề ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong việc đẩy mạnh đầu tư để đưa da giầy trở thành ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển hàng tiêu dùng hướng ra xuất khẩu. Chủ trương này đã được thể hiện bằng các chính sách cụ thể.
Luật đầu tư nước ngoài (năm 1987) và sau đó là Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi (1996) đều đưa các dự án đầu tư sản xuất giầy dép vào diện được ưu tiên, khuyến khích. Vì thế, các dự án da giầy đã được hưởng nhiều ưu đãi. Các thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư được cải tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt nam và đối tác nước ngoài đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, Luật khuyến khích đầu tư trong nước được ban hành đã huy động nguồn vốn lớn của mọi thành phần kinh tế đầu tư vào ngành da giầy.
Cùng với các chính sách khuyến khích đầu tư, Chính phủ cũng ban hành hàng loạt các văn bản nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp da giầy đẩy mạnh công tác xuất khẩu như Quyết định số 908 / 2001 / QĐ - TTg (26 - 7 - 2001) quy định việc miễn thu lệ phí hải quan, lệ phí hạn ngạch; Quyết định 46 / 2001 / QĐ - TTg (4 - 4 - 2001) ban hành cơ chế quản lý xuất nhập khẩu trong 5 năm... Những chính sách này đã tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, là đòn bẩy thúc đẩy ngành da giầy phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Song song với các chính sách của Chính phủ, ở nhiều địa phương là trung tâm của ngành da giầy cũng đã ban hành một số văn bản để tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh da giầy. Chẳng hạn như: Ở Hà nội, đối với những doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư di chuyển theo chủ trương của Thành phố, ngoài kinh phí hỗ trợ việc nhượng lại cơ sở cũ để tái đầu tư, Thành phố có thể xem xét hỗ trợ 100% kinh phí chuẩn bị đầu tư, 30% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, 30% kinh phí giải phóng mặt bằng. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều được xem xét cho thuê đất trong các khu công nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện trong quy chế khu công nghiệp. Ngân sách địa phương sẽ xem xét hỗ trợ vốn, chênh lệch lãi suất đối với từng dự án. Các cơ sở sản xuất mới thành lập sẽ được nâng thời hạn miễn thuế lợi tức lên ba năm và được xem xét để giảm
thuế thu nhập trong ba năm tiếp theo. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ kinh phí tiếp thị bằng cách tài trợ chi phí đi lại khảo sát, thâm nhập thị trường nếu doanh nghiệp ký được hợp đồng do kết quả chuyến đi mang lại. Còn ở Bình Dương, môi trường đầu tư khá năng động và không ngừng được cải thiện với phương châm “doanh nghiệp là đối tác”, chính quyền luôn xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình nên những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp luôn được giải quyết kịp thời. Nhờ những chính sách đó mà trong các năm qua Bình Dương đã thu hút được 24 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 22 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Thứ ba: Với điều kiện địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, Việt nam có nhiều ưu thế trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
Việt Nam nằm ở bán đảo Đông Dương, trung tâm của nhiều tuyến đường biển quốc tế quan trọng, có hệ thống cảng biển cho phép tàu ra vào quanh năm. Bên cạnh đó, với một hệ thống chính trị ổn định, Chính phủ Việt nam luôn đạt được sự nhất trí cao việc ban hành các chính sách nhằm mở cửa hơn nữa nền kinh tế Việt nam để từng bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Thêm vào đó, nhằm khuyến khích thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt nam luôn có sự thống nhất trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là nhân tố hết sức thuận lợi, bởi hiện nay, điều kiện chính trị ổn định là yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài luôn đặt lên hàng đầu khi quyết định bỏ vốn đầu tư.
Thứ tư: Nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công thấp đã tạo nên những lợi thế so sánh tốt, giúp các doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh
Kết quả công trình khảo sát và tổng hợp trong khuôn khổ dự án VIE / 98 / 021 với tên gọi “xúc tiến Thương mại và Phát triển xuất khẩu” đã khẳng định: người Việt nam được giáo dục tốt, chăm chỉ và khéo tay.
Cũng trong báo cáo thuộc khuôn khổ dự án này, Việt nam thuộc các quốc gia Đông Nam Á có tiền công lao động gần như thấp nhất (chỉ sau Indonesia). Đây là một lợi thế so sánh tương đối tốt vì làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Giầy dép xuất khẩu được sản xuất tại Việt Nam và mang bên mình những nhãn mác nổi tiếng thế giới như Nike, Reebok... đã chứng tỏ công nhân Việt nam có những kỹ năng cần thiết để sản xuất các sản phẩm đòi hỏi những thao tác công phu, tỉ mỉ, với những mẫu mã đa dạng để cung cấp cho thị trường thế giới.
Thứ năm: Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ được Quốc hội hai nước thông qua (12 - 2001) và việc Việt nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (11 - 2006) đã mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế Việt nam, trong đó có ngành da giầy.
Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2002 được xem là thời cơ vàng cho ngành da giầy Việt nam. Cơ hội lớn nhất mà các sản phẩm giầy dép Việt Nam có được từ bản Hiệp định là việc được hưởng thuế suất MFN, thấp hơn mức thuế suất phổ thông 60%. Trong khi đó, Mỹ là thị trường rộng lớn, nhu cầu tiêu thụ hàng da giầy cao. Chính vì điều này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thương mại khẳng định: xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng nhanh, ngay trong năm đầu thực thi Hiệp định, kim ngạch đã tăng gấp đôi. Không chỉ có vậy, nếu nhìn xa hơn, nó còn kéo theo sự tăng trưởng về xuất khẩu vào các nước khác và sự gia tăng đầu tư nước ngoài trong ngành da giầy vào Việt nam.
Việc Việt nam tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) cũng đem lại cơ hội lớn cho ngành da giầy. Đến năm 2005, thuế suất nhập khẩu của nhiều nước ASEAN đều ở mức thấp từ 0 - 5% đã tạo điều kiện cho ngành da giầy Việt nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện con số 2% ít ỏi hiện nay. Việc Việt nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào ngày 7 - 11 - 2006 vừa qua đã tạo cho ngành da giầy Việt nam có được những cơ hội lớn từ việc xoá bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng xuất khẩu của nước ta vào 149 nước thành viên của tổ chức này