Khi đời sống kinh tế - xã hội càng phát triển thì nhu cầu về sản phẩm giầy dép càng cao. Khu vực nào, nước nào kinh tế phát triển thì sức tiêu thụ giầy dép ở khu vực đó, nước đó cao cả về số lượng, chất lượng và mẫu mã. Nhưng sản xuất giầy dép ở những khu vực này, nước này lại không phát triển, do ngành da giầy là ngành sử dụng nhiều lao động, mà tiền lương ở những nước này cao. Vì vậy, khu vực này trở thành thị trường nhập khẩu giầy dép chính của thế giới như: EU, Mỹ, Nhật...
Xu hướng dịch chuyển của ngành Da giầy thế giới:
Cũng giống như dệt may, da giầy là ngành sử sụng nhiều lao động. Vì vậy, có vị trí rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo tích luỹ ban đầu cho các nước đang phát triển. Do vậy, luôn có sự phân công và hợp tác quốc tế mạnh mẽ trong ngành da giầy thế giới theo xu hướng chuyển dịch công nghiệp da
giầy từ những nước phát triển, tiền lương cao hơn sang các quốc gia đang phát triển hoặc chậm phát triển, có tiền lương thấp hơn và điều kiện tự nhiên khác.
- Sự chuyển dịch lần thứ nhất của ngành Da giầy là từ những nước phát triển sang các nước công nghiệp mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài loan.... vào cuối thập kỷ 70 và đầu và đầu thập kỷ 80.
- Sự chuyển dịch lần thứ hai từ những nước công nghiệp mới sang những nước đang phát triển như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam...[20]
Ở những nước phát triển chỉ sản xuất những loại giầy chất lượng cao, đắt tiền và phát triển khâu thiết kế mẫu mốt để bán hoặc đi đặt hàng. Đây là khâu sử dụng ít lao động nhưng mang lại hiệu quả cao.
Việc tiếp nhận sự dịch chuyển ngành da giầy thế giới ở các nước đang phát triển thường phải trải qua các giai đoạn sau:
- Hợp tác, liên doanh: Giai đoạn đầu các công ty nước ngoài thường vào các nước đang phát triển để liên doanh, hợp tác sản xuất và mua lại sản phẩm, nhằm tranh thủ lợi thế giá nhân công rẻ của những nước này. Phía nước ngoài lo toàn bộ mẫu mốt, kỹ thuật.
- Gia công: Khi các doanh nghiệp ở những nước này đã có kinh nghiệm, đội ngũ công nhân đã có tay nghề. Xuất hiện phương thức gia công: giao nguyên liệu nhận thành phẩm, doanh nghiệp chỉ nhận tiền công (CMT). Về máy móc thiết bị có khi do khách hàng cung cấp và trừ dần vào phí gia công, có khi do doanh nghiệp tự đầu tư.
- Mua đứt, bán đoạn: Khi một số doanh nghiệp ở những nước này đã phát triển, đã làm chủ được khoa học, công nghệ, mẫu mốt và chủ động được vật tư nguyên liệu cho sản xuất, xuất hiện phương thức mua bán trực tiếp. Đây là phương thức có hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất giầy dép. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đạt được những trình độ nhất định mới có thể làm được theo phương thức này.
Trong quá trình tiếp nhận sự chuyển dịch của ngành da giầy thế giới ở các nước đang phát triển, giai đoạn đầu đều trải qua thời kỳ hợp tác và gia công là chính để học tập kinh nghiệm quản lý, tìm hiểu công nghệ, thị trường... sau đó dần chuyển
sang mua bán, xuất khẩu trực tiếp. Tuy nhiên, giai đoạn này dài hay ngắn hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia, và khả năng của các doanh nghiệp.