Các nhân tố trong nước sẽ chi phối hoạt động kinh doanh, cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh da giầy. Một số nhân tố chính yếu nhất cần phải phân tích, đánh giá là:
- Nhân tố kinh tế: Đây là nhóm các nhân tố và điều kiện ràng buộc rất phong phú và có ảnh hưởng quan trọng đến thách thức, ràng buộc nhưng đồng thời lại là nguồn khai thác cơ hội hấp dẫn đối với mỗi doanh nghiệp. Các yếu tố chính thường được quan tâm nhiều hơn cả ở nhân tố này đó là:
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế: Nếu như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cao làm cho thu nhập của dân cư tăng, khả năng thanh toán của họ tăng dẫn tới sức mua (cầu) các loại hàng hóa và dịch vụ tăng lên, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp . Nếu doanh nghiệp nào nắm bắt được điều này và có khả năng đáp ứng được nhu cầu khách hàng (số lượng, giá bán, chất lượng, mẫu mã...) thì chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ thành công và có sức cạnh tranh cao. Trái lại, khi nền kinh tế suy thoái, các khoản chi tiêu của đại bộ phận dân chúng bị giảm, do đó sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh và tạo ra nhiều “nguy cơ” đối với doanh nghiệp. Trong thực tế, suy thoái kinh tế thường gây ra các cuộc chiến tranh về giá cả trong các ngành hoạt động ở giai đoạn bão hòa.
+ Lãi suất: Lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhất là đối với các doanh nghiệp thiếu vốn phải vay ngân hàng. Khi lãi suất cho vay của ngân hàng cao, chi phí của các doanh nghiệp tăng lên do phải trả lãi tiền vay lớn, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ kém đi, nhất là khi đối thủ cạnh tranh có tiềm lực lớn về vốn.
+ Tỷ giá hối đoái có tác động nhanh chóng và sâu sắc đối với từng quốc gia nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng nhất là trong điều kiện nền kinh tế mở. Nếu đồng nội tệ lên giá, các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm sức cạnh tranh ở thị trường nước ngoài, vì khi đó giá bán của hàng hóa tính bằng đồng ngoại tệ sẽ cao hơn các đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, khi đồng nội tệ lên giá sẽ khuyến khích nhập khẩu, vì giá hàng nhập khẩu giảm, và như vậy sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước sẽ bị giảm ngay trên thị trường trong nước. Ngược lại, khi đồng nội tệ giảm giá, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tăng cả trên thị trường trong nước và
thị trường ngoài nước, vì khi đó giá bán của các doanh nghiệp giảm hơn so với các đối thủ cạnh tranh kinh doanh hàng hóa do nước khác sản xuất.
+ Lạm phát: Lạm phát quá cao sẽ làm giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, lãi suất tăng và gây ra nhiều biến động về tỷ giá hối đoái. Do lạm phát cao, doanh nghiệp không thể dự đoán trước được điều gì sẽ xảy ra nên doanh nghiệp thường hạn chế đầu tư vào giai đoạn này bởi tỷ lệ sinh lời trong doanh nghiệp không thể bù đắp sự sụt giảm giá trị của tiền tệ. Đối với doanh nghiệp có nợ vay nhiều, họ thường lâm vào tình trạng phá sản do tỷ lệ lạm phát cao.
- Nhân tố chính trị, pháp luật: Một thể chế chính trị, luật pháp rõ ràng, rộng
mở và ổn định sẽ là cơ sở đảm bảo sự thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kinh doanh da giầy nói riêng tham gia cạnh tranh và cạnh tranh có hiệu quả. Chẳng hạn, các luật thuế có ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện cạnh tranh, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần và trên mọi lĩnh vực. Hay chính sách của Nhà nước về xuất nhập khẩu, về thuế xuất nhập khẩu cũng sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước.
- Nhân tố khoa học và công nghệ. Nhóm các nhân tố này quan trọng và có ý
nghĩa quyết định đến môi trường cạnh tranh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trình độ khoa học công nghệ có ý nghĩa quyết định đến hai yếu tố cơ bản nhất tạo nên sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đó là chất lượng và giá bán. Khoa học công nghệ tác động đến chi phí cá biệt của doanh nghiệp, qua đó tạo nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung. Đối với những nước chậm và đang phát triển, giá và chất lượng có ý nghĩa ngang nhau trong cạnh tranh. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay, xu hướng cạnh tranh đang chuyển dần từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh về chất lượng, cạnh tranh giữa các sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Kỹ thuật và công nghệ mới sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất trong nước trang bị và tái trang bị toàn bộ cơ sở sản xuất kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp ổn định và nâng cao sức cạnh tranh của mình.
- Nhân tố dân số: Đây là nhân tố tạo lập quy mô thị trường, được đề cập trên
các khía cạnh: Quy mô và tốc độ tăng trưởng dân số; cơ cấu dân số; những thay đổi trong gia đình và di chuyển nơi cư trú; những thay đổi trong phân phối lại thu nhập; trình độ học vấn; nghề nghiệp của các tầng lớp dân cư.
- Nhân tố tự nhiên: Điều kiện tự nhiên bao gồm vị trí địa lý, khí hậu, cảnh
quan thiên nhiên, đất đai, sông biển, các nguồn tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, tài nguyên rừng biển, sự trong sạch của môi trường nước và không khí…Có thể nói các điều kiện tự nhiên luôn luôn là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống của con người (đặc biệt là các yếu tố của môi trường sinh thái), mặt khác nó cũng còn là một yếu tố đầu vào hết sức quan trọng của nhiều ngành kinh tế như: nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, du lịch, vận tải, chế biến...Trong rất nhiều trường hợp, chính các điều kiện tự nhiên trở thành một yếu tố rất quan trọng để hình thành lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ
- Nhân tố văn hóa - xã hội: Đây là nhóm yếu tố quan trọng tạo lập nên những
chuẩn mực về nhân cách, đạo đức, thẩm mỹ, lối sống, phong tục tập quán, thị hiếu thói quen, trình độ nhận thức của người tiêu dùng, nó mang tính bền vững cao và tác động trong phạm vi rộng nên là cơ sở để cho các nhà quản lý lựa chọn và điều chỉnh các quyết định kinh doanh.
- Nhân tố quốc tế: Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế thì mỗi sự biến
động của các nước bên ngoài đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tình hình phát triển ở trong nước với những mức độ và chiều hướng khác nhau. Những vấn đề cơ bản của nhân tố này cần được phân tích kỹ trong quá trình hoạch định kinh doanh đó là:
+ Mối quan hệ giữa các Chính phủ. Khi mối quan hệ trở nên thù địch, thì sự mâu thuẫn giữa hai chính phủ có thể hoàn toàn phá hủy các mối quan hệ kinh doanh giữa hai nước. Nếu mối quan hệ chính trị song phương được cải thiện sẽ thúc đẩy thương mại phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh.
+ Hoạt động của các tổ chức quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và vận dụng các chính sách biểu lộ nguyện vọng chính trị của các quốc gia thành viên. Như chính sách của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới chịu tác động bởi quan điểm của các nước công nghiệp phát triển, những nước có vai trò tài trợ chính cho các tổ chức này.
+ Hệ thống luật pháp quốc tế, những hiệp định và thoả thuận được một loạt các quốc gia tuân thủ có ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh doanh quốc tế. Mặc dù, có thể chúng không ảnh hưởng trực tiếp tới từng doanh nghiệp riêng lẻ, nhưng
chúng ảnh hưởng gián tiếp thông qua việc tạo ra môi trường kinh doanh quốc tế ổn định và thuận lợi.
+ Xu hướng phát triển và hội nhập kinh tế. Xu hướng hội nhập kinh tế vùng, khu vực và thế giới có ảnh hưởng quan trọng đối với các công ty đang hoạt động trong các thị trường khu vực. Hội nhập kinh tế diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau, nhưng đặc biệt tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế, được thiết lập để mang lại sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau nhiều hơn giữa các quốc gia, như khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA); Liên minh châu Âu (EU), và hội nhập đầy đủ nhất đối với một quốc gia là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hầu hết các hình thức hội nhập kinh tế thường nhằm đưa ra sự thoả thuận và thống nhất để giảm bớt các hàng rào thương mại giữa các nước thành viên tham gia. Hội nhập giúp quá trình lưu thông hàng hóa giữa các nước ngày càng phát triển, vì những trở ngại như thuế quan, thủ tục xuất nhập khẩu, các hạn chế mậu dịch,... được cố gắng giảm thiểu; thành tựu khoa học kỹ thuật được sử dụng tối ưu và có hiệu quả hơn; quá trình toàn cầu hóa kinh tế diễn ra nhanh hơn lại tác động trở lại vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hội nhập còn đặt ra những thách thức đối với doanh nghiệp của các nước đó là phải chấp nhận chạy đua trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hơn để hàng hóa chiếm vị trí thống lĩnh. Các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các hạn chế thương mại khác nhau như những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh, đo lường, an toàn lao động, bao bì đóng gói, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường sinh thái đối với máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ,... Ví dụ như Trung Quốc, Mỹ, EU,... hiện đang xúc tiến 2 loại “hàng rào mậu dịch xanh” nhằm mục đích kiểm soát và hạn chế lượng hàng nhập khẩu; một loại, do Chính phủ chỉ đạo lập nên với các tiêu chuẩn khắt khe và căn cứ vào đó lập các trạm kiểm tra, kiểm nghiệm đối với sản phẩm của các nước và các khu vực nhập khẩu nhằm hạn chế nhập khẩu; và một loại “hàng rào xanh” phi chính phủ chủ yếu dựa vào ảnh hưởng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
+ Các nhân tố quốc tế khác như: Chính sách kinh tế, tình hình chính trị xã hội, tôn giáo… của các nước cũng góp phần quan trọng gây ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Như vậy, vô hình chung các yếu tố đó đã tạo ra một môi trường cạnh tranh bất lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, những khó khăn do quá trình
thâm nhập có thể lại được bù đắp bằng doanh số và lợi nhuận vì một thị trường tổng thể lớn hơn và thuần nhất hơn được xác lập sẽ kéo theo sự tăng trưởng kinh tế và mức tiêu dùng các sản phẩm nhập ngoại của khách hàng nước ngoài.