III. Cốt truyện fantasy
2. Một số kiểu cốt truyện fantasy tiêu biểu
2.1. Kiểu truyện du hành– cốt truyện phiêu lưu mạo hiểm
2.1.1. Kiểu truyện du hành trong mối quan hệ với thể loại tiểu thuyết phiêu lưu
Kiểu truyện du hành, du hí là sự kế thừa, kết hợp của thể loại tiểu thuyết phiêu lưu (adventure novel) rất phổ biến ở phương Tây thế kỉ XVIII, XIX. Tiểu
thuyết phiêu lưu “là loại tiểu thuyết kể về những chuyện phiêu lưu, những cuộc tìm kiếm, khám phá li kì mạo hiểm...Tiểu thuyết phiêu lưu đòi hỏi các nhà văn phải học cách viết sao cho lôi cuốn, hấp dẫn. Bởi vì đặc điểm nổi bật nhất trong thi pháp trần thuật của thể văn này là liên tiếp tạo ra những sự kiện li kì, hấp dẫn, những tình huống hồi hộp bất ngờ. Nhưng sức hấp dẫn của tiểu thuyết phiêu lưu không giới hạn trong cái phiêu lưu, mạo hiểm mà còn ở chiều sâu của sự khám phá con người...Những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu hấp dẫn thường là những cuốn miêu tả được nhiều tình huống giàu kịch tính, khắc họa được nhiều tính cách nhân vật mạnh mẽ. Nó vẫy gọi con người đến với những miền đất lạ và niềm đam mê lập chiến công. Cho nên, chất lãng mạn cũng là nhân tố tạo nên sức quyến rũ của tiểu thuyết phiêu lưu” [42;336-338]. Mặt khác: “Tiểu thuyết phiêu lưu thường có sự trùng hợp với các thể loại khác, trong đó đáng kể nhất là tiểu thuyết chiến tranh, tiểu thuyết hình sự, tiểu thuyết mang motif Robinson, khoa học viễn tưởng, fantasy và các truyện cao bồi miền Tây” [84]. Tóm lại, fantasy kế thừa đậm nét kết cấu, giọng điệu, văn phong của thể loại tiểu thuyết phiêu lưu.
2.1.2. Đặc trưng của cốt truyện phiêu lưu mạo hiểm
Tất cả các truyện fantasy đều chứa đựng cốt truyện phiêu lưu, chinh phục thử thách, li kì hấp dẫn: “đặc trưng của văn học phiêu lưu là tính linh hoạt, năng động, là sự gay cấn của một cốt truyện đầy những bí ẩn, những tình huống đặc biệt, những bước ngoặt bất ngờ” [42;412]. Hơn nữa, cốt truyện fantasy dựa trên những tình tiết fantasy hoang đường kì ảo, là sản phẩm của trí tưởng tượng, kết hợp với những tình tiết li kì gay cấn, nên nó cho người đọc những trải nghiệm phong phú hơn, hấp dẫn hơn, mới lạ hơn. Sự đan xen thể loại tiểu thuyết phiêu lưu vào cái fantasy cho thấy sức phát triển của cả hai thể loại này, đồng thời phản ánh tâm thế của con người hiện đại. Đó là những người bị cầm tù bởi máy móc thời đại kĩ trị, những cao ốc văn phòng và những luật định xã hội hà khắc...Họ luôn khao khát được thoát ra, được tự do, được giải phóng tâm hồn, tìm đến những vùng đất mới. Tuy nhiên, con người gần như đã khám phá trọn vẹn trái đất và thấy nó ngày càng nhỏ hẹp, không còn những vùng đất mới lạ
người đến những thế giới khác, huyền ảo hơn, hoang sơ và tự do hơn. Thế giới fantasy đáp ứng được tất cả các nhu cầu tinh thần này của con người hiện đại.
2.1.3. Đặc trưng của ngôi kể trong fantasy
Các tiểu thuyết phiêu lưu thường được kể bởi người kể chuyện ngôi thứ nhất không xưng “tôi” (ngôi thứ ba giấu mình). Các truyện fantasy cũng sử dụng người kể chuyện loại này, bởi vì “ngôi thứ ba cho phép người kể có thể kể tất cả những gì có ở trên đời, kể cả những bí mật trong tâm hồn kẻ khác, những thế giới xa lạ chưa có dấu chân người, hoặc những miền mà về nguyên tắc, người kể không thể biết. Đây là ngôi kể tự do nhất. Còn ngôi thứ nhất chỉ kể được những gì mà khả năng của một người cụ thể có thể biết được, như vậy mới tạo được cảm giác chân thực” [67;103]. Mục đích chính của tiểu thuyết phiêu lưu là làm cho độc giả bị lôi cuốn, bị “hút” vào sự li kì, gay cấn của cốt truyện, nên việc sử dụng ngôi kể này là hợp lí. Fantasy không chỉ lôi cuốn, thu hút độc giả vào sự bất ngờ, hấp dẫn, gay cấn của cốt truyện mà còn quan tâm đến “vấn đề lòng tin của độc giả”: “Chẳng phải ngẫu nhiên mà các truyện thần tiên hiếm khi sử dụng ngôi thứ nhất, chúng không cần đến cái đó, thế giới thần diệu ấy không nên gợi nghi ngờ” [72;102]. Người kể chuyện ngôi thứ ba tạo cho người đọc cảm giác chấp nhận cái siêu nhiên, khiến họ ngưng lại mọi nỗi hoài nghi.