Ngày nay, việc tiến vào nền văn minh tri thức sẽ đặt ra những thách thức mới, câu hỏi mới về người đại diện của nền văn minh mới đó là ai, phải chăng là con người có giáo dục? Một thuật ngữ của Peter F. Drucker, tác giả của những công trình nghiên cứu nổi tiếng thế giới về kinh tế và xã hội mà chúng ta có thể tham khảo. Theo P. Drucker: Sự thay đổi vĩ đại nhất sẽ là sự thay đổi về tri thức, về hình thức và nội dung, về ý nghĩa của tri thức, về những trách nhiệm của tri thức và về những đặc điểm của con người có giáo dục. Con người đó là một “nguyên mẫu xã hội”, theo cách nói của các nhà xã hội học, “Con người có giáo dục sẽ quyết định khả năng hoạt động của xã hội. Con người này cũng là hiện thân của các giá trị, niềm tin và trách nhiệm của xã hội” [ 71, tr.240-250].
Dồn sức cho giáo dục - đào tạo, liệu có phải là quá sớm khi đặt vấn đề nói trên khi chúng ta đang đối diện với tầng tầng lớp lớp những khó khăn về kinh tế và xã hội trước thách thức của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế? Chẳng những không sớm mà còn là quá muộn khi chúng ta đang phải bức xúc về chất lượng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta. Nếu không nhanh chóng bứt lên khỏi thực trạng yếu kém và lạc hậu của hệ thống giáo dục và đào tạo hiện tồn thì khó mà nói đến sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.
Chúng ta đang ngày ngày phải trả giá cho sự không tương thích giữa nguồn nhân lực chưa được đào tạo có bài bản, có chất lượng với những đòi hỏi ngày càng cao của công việc phải đảm đương và sẽ đảm đương. Chúng ta đang thiếu và quá
thiếu những con người thành thạo về chuyên môn và nghiệp vụ ở trình độ cao. Đây không là chuyện ngày một ngày hai, mà là hậu quả của cả một thời đoạn của những sai lầm, hạn hẹp của cách phê phán một chiều cái gọi là “chuyên môn thuần túy” và đề cao một cách cực đoan quan điểm “chính trị là thống soái”, mà quên rằng khi bàn về chính sách kinh tế mới, Lênin đã từng đòi đổi hàng tá những anh chính trị suông chỉ biết làm hỏng việc để lấy những “chuyên gia tư sản” thành thạo nghiệp vụ. Khi đi vào thời đại của những bước tiến như vũ bão của khoa học và công nghệ thì vấn đề giáo dục và đào tạo lại càng trở nên bức xúc, chỉ khi xã hội cảm nhận được sâu sắc sự bức xúc ấy thì vấn đề “con người có giáo dục” mà trước hết là giáo dục ĐĐ, hiện thân của giá trị, niềm tin và trách nhiệm của xã hội mới có thể hình thành và phát triển. Có lẽ đó chính là vấn đề của mọi vấn đề cho giai đoạn lịch sử mới.
Ở thời đại nào, dưới chế độ nào, việc giáo dục ĐĐ cho thế hệ đang lớn cũng là trung tâm chú ý của mọi thành viên trong xã hội. Trước đây nhiều người vẫn cho rằng khi kinh tế phát triển, con người giàu có thì ĐĐ, quan hệ giữa người và người sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng có lẽ thật thiếu sót khi cho rằng như vậy, bởi một khi con người chưa tự ý thức bản thân mình, chưa có trách nhiệm với bản thân mình, gia đình, cộng đồng và xã hội thì vấn đề giáo dục ĐĐ vẫn là quan trọng và rất cần thiết ở bất kỳ thời đại nào.
Giáo dục ĐĐ là một nội dung quan trọng trong giáo dục nhân cách con người phát triển toàn diện. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mọi người phải có đức, có tài mới đóng góp được nhiều lợi ích cho xã hội. Mỗi giai đoạn lịch sử phát triển xã hội có mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục cụ thể nhằm xây dựng nhân cách toàn diện cho thế hệ trẻ, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi phát triển của xã hội.
Ngày nay, xã hội đã giàu lên rất nhiều, nhưng đâu đâu cũng báo hiệu về sự suy thoái ĐĐ thể hiện dưới những hình thức khác nhau, đang làm vẩn đục cuộc sống yên lành của xã hội loài người. Ở nước ta, từ ngày chuyển sang nền kinh tế thị trường, đời sống nhân dân tăng lên, nhiều người đã trở thành giàu có, nhân cách con
người đã có những biến đổi, nhưng bên cạnh mặt tích cực, đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực. Vì vậy, nghiên cứu giáo dục ĐĐ đang đựơc đặt ra trong những điều kiện mới. Để có được những nghiên cứu cụ thể chúng ta phải nêu được thực trạng, đặc điểm, yêu cầu và phương pháp giải quyết vấn đề giáo dục ĐĐ nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quan trọng này.