7. Kết cấu của luận văn
3.7.1. Đối với giáo viên
Bản đồ tư duy là kỹ thuật dạy học trong quan điểm và các phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm. Nhưng bản đồ tư duy mới được xây dựng cơ bản về mặt lý thuyết trong lĩnh vực giáo dục, về phần ứng dụng đã được triển khai song thực sự chưa sâu rộng, chưa phổ biến, và đặc biệt trong dạy học đọc hiểu văn bản Ngữ văn thì việc ứng dụng là khó hơn so với các môn KHXH khác. Vì thế khi ứng dụng, đòi hỏi người giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian công sức. Giáo viên không những phải nắm chắc nội dung bài đọc hiểu như thường lệ mà cũng cần phải dành nhiều tâm huyết để tìm hiểu thêm về lý thuyết bản đồ tư duy, tìm hiểu về đặc điểm, bản chất, cơ chế hoạt động và các trường hợp có thể ứng dụng của nó.
Sau khi đã được chúng tôi giới thiệu về đề tài nghiên cứu này, giáo viên từ chỗ còn tương đối e ngại vận dụng thì sau khi làm thực nghiệm đều nảy sinh hứng thú, có ý muốn tự nghiên cứu thêm các tài liệu hỗ trợ, kết quả thu được đáng ghi nhận đầu tiên là giáo viên bắt đầu nắm chắc kỹ thuật bản đồ tư duy và ứng dụng công cụ này vào các trường hợp đọc hiểu văn bản cụ thể. Mặc dù bản đồ tư duy được các giáo viên tạo lập vẫn còn tương đối đơn giản, song qua trao đổi thường xuyên giữa hai bên cũng giúp giáo viên ngày càng hoàn thiện hơn những kỹ năng, thao tác cần thiết để làm cho bản đồ tư duy phong phú hơn.
Trước khi vào tiết thực nghiệm chính thức, các giáo viên tham gia đều dành thời lượng nhất định để triển khai tới học sinh các ứng dụng bản đồ tư duy trong đọc hiểu văn bản theo nội dung đề tài này. Nhưng vì đây là công cụ mới trong lĩnh vực đọc hiểu văn bản nói riêng nên giáo viên không tránh khỏi những lúng túng bước đầu, nhất là việc phát triển các ý tưởng ở mức độ sâu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thì giáo viên đã ứng dụng bản đồ tư duy thành thạo hơn, đưa ra được các tình huống vận dụng hợp lý, chặt chẽ, phù hợp với logic của bài đọc hiểu văn bản ở các kiểu bài khác nhau.
Qua quan sát và lấy ý kiến đánh giá của giáo viên sau tiết dạy thực nghiệm, có thể nhận thấy việc ứng dụng bản đồ tư duy vào dạy học đọc hiểu văn bản sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực sau đây:
- Nội dung kiến thức được trình bày một cách ngắn gọn, khoa học, rõ ràng, dễ đọc, dễ nhớ.
- So với các hình thức các phương pháp và kỹ thuật dạy học khác thì bản đồ tư duy có thể kết hợp với hoạt động nhóm, hoạt động dạy học nêu vấn đề, dạy học vấn đáp, các kỹ thuật công não, lắng nghe và phản hồi tích cực,… một cách thuận lợi hơn.
- Phát huy được vai trò chủ đạo của giáo viên và vai trò chủ động của học sinh trong việc xây dựng ý tưởng, mở rộng phát triển ý, không mang tính áp đặt.
- Giáo viên có thể dễ dàng kiểm tra được mức độ sáng tạo, tư duy logic cũng như sự nhanh, chậm trong phản xạ của học sinh. Từ đó có thể điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp với các đối tượng.
- Dạy học bằng bản đồ tư duy trong đọc hiểu văn bản giúp giáo viên lấy lại được sự chú ý, hứng thú của học sinh trong giờ học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tạo ra một giờ đọc hiểu văn bản sinh động hơn.