Nhà trường là cơ quan giáo dục chuyên biệt thực hiện chức năng giáo dục và đào tạo. Quản lý nhà trường thực chất là quá trình quản lý lao động sư phạm của thầy, hoạt động học tập của trò , diễn ra trong quá trình dạy học , giáo dục.
Theo GS.TS Phạm Minh Hạc “Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, được nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục- với thế hệ trẻ- với trường học”.
Trường THPT là cơ quan giáo dục của nhà nước. Hiệu trưởng quản lý nhà trường, quản lý giáo dục theo chế độ thủ trưởng. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý toàn diện hoạt động giáo dục của nhà trường, trong đó có giáo dục đạo đức.
Quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh trước hết thể hiện ở các chức năng quản lý giáo dục: kế hoạch hoá, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra đánh giá.
* Xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức:
Giáo dục đạo đức là một quá trình trong đó khâu đầu tiên là xây dựng kế hoạch. Kế họach hoá là chức năng quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý. Vì thiếu tính kế hoạch, giáo dục khó đạt được kết quả cao.Muốn có kế hoạch khả thi và hiệu quả cần phải đầu tư suy nghĩ để hoạch định từ những vấn đề chung nhất đến vấn đề cụ thể. Từ những vấn đề mang tính chiến lược đến những vấn đề mang tính chiến thuật trong mỗi giai đoạn. Khi xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức cho học sinh, người Hiệu trưởng cần dựa trên những cơ sở sau:
- Phân tích thực trạng giáo dục đạo đức trong năm học. Thực trạng này thể hiện rõ trong bảng tổng kết năm học. Qua đó thấy được ưu và nhược điểm của công tác giáo dục đạo đức, những vấn đề còn tồn tại, từ đó xếp ưu tiên từng vấn đề cần giải quyết.
Phân tích kế hoạch chung của ngành, của trường, từ đó xây đựng kế hoạch giáo dục đạo đức. Kế hoạch này là kế hoạch cụ thể về một mặt giáo dục quan trọng của nhà trường, trong đó, thể hiện sự thống nhất giáo dục đạo đức với các mặt giáo dục khác, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường. Tìm hiểu đặc điểm kinh tế, văn hoá ,xã hội của địa phương. Vì quá trình giáo dục đạo đức thống nhất biện chứng với quá trình xã hội, với môi trường sống.Tìm hiểu các chuẩn mực, giá trị đạo đức trong xã hội của chúng ta hiện nay và xu thế giá trị đạo đức trên thế giới để xây dựng nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh. Xác định điều kiện giáo dục như cơ sở vật chất, tài chính, quỹ thời gian, sự phối hợp với lực lượng giáo dục trong trường và ngoài trường.
- Những yêu cầu khi xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức:
+ Kế hoạch phải được thể hiện tính khoa học, kế thừa, toàn diện, cụ thể và trọng tâm trong từng thời kì.
+ Kế hoạch thể hiện được phân cấp quản lý của Hiệu trưởng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và cụ thể.
+ Kế hoạch phản ánh được mối quan hệ giữa mục đích, mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, thời gian, hình thức tổ chức, biện pháp, kiểm tra, đánh giá.
Do đó, việc xây dựng kế hoạch giáo dục nói chung và đặc biệt là kế hoach giáo dục đạo đức thì hiệu trưởng cần quan tâm nhiều đến hiệu quả xã hội và động lực mục tiêu của nhà trường, đưa ra tầm nhìn mới và tuyên truyền để làm biến đổi nhận thức và hành động của các thành viên trong nhà trường.
* Tổ chức thực hiện kế hoạch:
Là xếp đặt một cách khoa học những yếu tố, những lượng người, những dạng hoạt động của tập thể người lao động thành một hệ toàn vẹn, bảo đảm cho chúng tương tác với nhau một cách tối ưu, đưa hệ tới mục tiêu.Tổ chức chính là sinh thành ra hệ toàn vẹn, tạo ra hiệu ứng tổ chức. Lê Nin nói: “Một trăm người sẽ mạnh hơn một ngàn người khi một trăm người này biết tổ chức lại thì nó sẽ nhân sức mạnh lên mười lần”.
Tổ chức thực hiện giáo dục đạo đức cho học sinh phải xuất phát từ quan điểm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Học sinh là chủ thể của hoạt động nhận thức và rèn luyện phẩm chất đạo đức dưới sự tổ chức và hướng dẫn của giáo viên. Có như vậy thì những chuẩn mực giá trị đạo đức của xã hội sẽ trở thành những phẩm chất riêng trong nhân cách của học sinh.
Tổ chức thực hiện giáo dục đạo đức cho học sinh THPT có liên quan mật thiết đến việc tổ chức hoạt động học tập văn hoá trong nhà trường.
Quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch bao gồm:
- Giải thích mục tiêu, yêu cầu của kế hoạch giáo dục đạo đức. - Thảo luận biện pháp thực hiện kế hoạch.
- Sắp xếp bố trí nhân sự, phân công trách nhiệm quản lý, huy động cơ sở vật chất, kinh tế. Khi sắp xếp bố trí nhân sự, Hiệu trưởng phải biết được phẩm
chất và năng lực từng người, mặt mạnh, mặt yếu, nếu cần có thể phân công theo từng “êkíp” để công việc được tiến hành thuận lợi và có hiệu quả.
- Định rõ tiến trình, tiến độ thực hiện. Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc. Trong việc tổ chức thực hiện, Hiệu trưởng cần tạo điều kiện cho người tham gia phát huy tinh thần tự giác, tích cực, phối hợp cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
* Chỉ đạo thực hiện kế hoạch:
Chỉ đạo là hướng dẫn cụ thể theo một đường lối chủ trương nhất định .Chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông là chỉ huy , ra lệnh các bộ phận trong nhà trường thực hiện những nhiệm vụ để đảm bảo việc giáo dục đạo đức diễn ra đúng hướng, có kế hoạch, tập hợp và phối hợp các lực lượng giáo dục sao cho hiệu quả.
Trong quá trình chỉ đạo, Hiệu trưởng cần kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch bằng cách thu thập thông tin chính xác, phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin để đưa ra những quyết định đúng đắn. Có thể đó là những quyết định điều chỉnh, sửa sai để hoạt động giáo dục diễn ra theo đúng kế hoạch.
Việc chỉ đạo giáo dục đạo đức sẽ đạt hiệu quả cao nếu trong quá trình chỉ đạo hiệu trưởng biết kết hợp sử dụng uy quyền và thuyết phục, động viên khuyến khích, tôn trọng, tạo điều kiện cho người dưới quyền phát huy năng lực và sáng tạo của họ.
* Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch:
Kiểm tra là công việc rất cần thiết trong quản lý, giúp nhà quản lý biết được tiến độ thực hiện kế hoạch, đối tượng được phân công thực hiện kế hoạch, từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời và có hướng bồi dưỡng sử dụng cán bộ tốt hơn.
Kiểm tra thường đi liền với đánh giá, đó là những phán đoán nhận định về kết quả của công việc dựa trên mục tiêu đề ra.Kiểm tra đánh giá là một chức năng của quản lý, nếu thiếu chức năng này người quản lý sẽ rơi vào tình
Việc kiểm tra đánh giá phải khách quan, toàn diện, hệ thống, công khai.Sau kiểm tra có nhận xét, kết luận, phải động viên khen thưởng, nhắc nhở kịp thời những sai trái thì mới có tác dụng. Hiệu trưởng có thể kiểm tra định kì, thường xuyên, đột xuất, trực tiếp hoặc gián tiếp, cần xây dựng chuẩn đánh giá phù hợp với đặc điểm của nhà trường thì việc kiểm tra, đánh giá mới khách quan công bằng, rõ ràng, chính xác.