* Khái niệm quản lý giáo dục đạo đức
Quản lý đối tượng GDĐĐ là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đưa hoạt động GDĐĐ đạt kết quả mong muốn bằng cách hiệu quả nhất.
Về bản chất, quản lý hoạt động GDĐĐ là quá trình tác động có định hướng của chủ thể quản lý lên các thành tố tham gia vào quá trình hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu GDĐĐ (nhằm hình thành niềm tin, lý tưởng, động cơ thái độ, tình cảm, hành vi, và thói quen. Đó là những nét tính cách của nhân cách, ứng xử đúng đắn trong XH )
* Mục tiêu quản lý giáo dục đạo đức trong nhà trường THPT
Quản lý giáo dục đạo đứctrong nhà trường THPT hướng đến một mục đích chung là phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Thông qua các hoạt động giáo dục, bằng các hoạt động dạy học trên lớp và các hoạt động ngoài giờ lên lớp làm cho quá trình giáo dục đạo đức tiến hành có hiệu quả hơn.
Mục tiêu của quản lý giáo dục đạo đức bao gồm:
- Về nhận thức: Giúp cho mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác quản lý giáo dục đạo đức, nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề phát triển toàn diện con người.
- Về thái độ tình cảm: Giúp mọi người có hiểu biết và ủng hộ những việc làm đúng, đấu tranh với những việc làm sai trái, có thái độ đúng đắn với hành vi của bản thân trong công tác quản lý giáo dục đạo đức học sinh.
- Về hành vi: Tích cực tham gia quản lý và tổ chức việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức cho học sinh theo chuẩn mực chung của xã hội.
* Chức năng quản lý giáo dục đạo đức học sinh
Để thực hiện công tác quản lý GDĐĐ học sinh, người hiệu trưởng nhà trường phải thực hiện các chức năng quản lý:
- Xây dựng kế hoạch quản lý giáo dục đạo đức: Khi xây dựng kế hoạch quản lý giáo dục đạo đức, người hiệu trưởng cần dựa trên những cơ sở:
+ Phân tích thực trạng giáo dục đạo đức trong năm học, qua đó thấy được ưu điểm và hạn chế của công tác giáo dục đạo đứchọc sinh. Trên cơ sở đó để xây dựng biện pháp khắc phục.
+ Phân tích kế hoạch giáo dục của ngành, địa phương, của trường để làm cơ sỏ xây dựng kế hoạch. Cần thống nhất giữa giáo dục đạo đức với các mặt giáo dục khác trong nhà trường để xây dựng mục tiêu giáo dục đạo đức.
+ Tìm hiểu đặc điểm kinh tế- xã hội, văn hóa- giáo dục của địa phương bởi vì giáo dục đạo đức luôn thống nhất với quá trình phát triển xã hội và môi trường sống của học sinh.
+ Tìm hiểu các chuẩn mực, giá trị đạo đức trong xã hội chúng ta hiện nay và các giá trị đạo đức trên thế giới để xây dựng nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh.
+ Xác định điều kiện cho công tác giáo dục đạo đứchọc sinh như: cơ sở vật chất, tài chính, sự phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường.
- Tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức: Tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức cho học sinh THPT là quá trình thực hiện phân công lao động, điều phối các nguồn lực một cách thích hợp để đạt mục tiêu đề ra.
- Chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức: Chỉ đạo là việc xác lập quyền chỉ huy và sự can thiệp của người lãnh đạo trong quá trình quản lý. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức để đảm bảo cho việc giáo dục đạo đứcdiễn ra trong trật tự, kỷ cương, đúng hướng và đúng kế hoạch.
Việc chỉ đạo sẽ đạt hiệu quả cao nếu Hiệu trưởng biết kết hợp giữa sử dụng uy quyền và thuyết phục, giữa pháp lý- đạo lý- công lý, động viên khích lệ để phát huy hết tiềm năng của bộ máy thực hiện.
- Kiểm tra đánh giá giáo dục đạo đức: Kiểm tra đánh giá giáo dục đạo đứccó ý nghĩa không những đối với người quản lý mà còn có ý nghĩa với chính học sinh. Thông qua kết quả kiểm tra đánh giá của các thầy cô giáo mà học sinh hiểu biết rõ hơn về quá trình rèn luyện tu dưỡng đạo đức của bản thân, đồng thời các em sẽ tự điều chỉnh các hành vi đạo đức của bản thân phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Qua kiểm tra đánh giá, người quản lý sẽ xác định được mức độ đạt mục tiêu đã đề ra và khẳng định được chất lượng sản phẩm mà mình giáo dục.