gần đây
Giai đoạn 2010 – 2013, kinh tế Thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp. Những biến động về chính trị, xã hội ở một số nước Trung Đông và Châu Phi tác động làm tăng mạnh giá dầu thô, giá vàng, lương thực và một số loại nguyên liệu cơ bản. Thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là khu vực đồng Euro có nhiều bất ổn. Lạm phát bắt đầu tăng cao ở một số nước trong khu vực vốn là thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.
Những năm qua, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng kinh tế chung của Thế giới với tốc độ tăng trưởng thấp, lạm phát 2 con số. Chính phủ Việt Nam đã tập trung kiềm chế lạm phát với những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; bảo đảm an ninh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Về thị trường tài chính – tiền tệ cũng có nhiều biến động, đặc biệt năm 2011 chứng kiến sự thay đổi lớn trong hoạt động ngân hàng Việt Nam. 3 ngân hàng đầu tiên ở TP. HCM tiến hành hợp nhất, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước khởi động từ tháng 9/2011 và đang tích cực triển khai. Đây cũng là một trong ba nội dung chính trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, gồm tái cấu trúc phân bổ vốn đầu tư, DNNN và ngân hàng - nhằm tiến tới một hệ thống ngân hàng minh bạch, vững mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đó, với đặc thù phần lớn các đơn đặt hàng phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, hầu hết các cơ sở đóng tàu không có đủ việc làm. Nhiều cơ sở đóng tàu nhỏ ra đời ồ ạt trong giai đoạn 2007 – 2009 sau năm 2010 đã phải ngừng hoạt động, giải thể. Đa số các dự án đóng mới tàu đều bị chậm tiến độ, nhiều dự án bị hủy bỏ, một số chiếc đang đóng mới đã phát triển sang
cắt phá để thu hồi phế liệu. Các tàu đang khai thác cũng gặp nhiều khó khăn, phần lớn các chủ tàu đều bị thua lỗ, phá sản. Khoảng 20% tàu nhỏ và trung bình phải tạm ngừng hoạt động.
Tổng Công ty SBIC lúc trước là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Tháng 11/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2108/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam với mục đích sớm ổn định sản xuất kinh doanh, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, xây dựng Tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp đóng & sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.