Nhân sự hiện làm việc tại VFC còn cồng kềnh về số lượng, thiếu hụt về chất lượng, không đồng đều & phù hợp trong phân bổ, có nơi thừa thãi nhân sự, có vị trí lại không có người có thể đảm nhận được nhiệm vụ. Trong khi đó, nhân sự là yếu tố cốt yếu quyết định chất lượng hiệu quả công việc đặc biệt là trong hoạt động vô cùng phức tạp như xử lý nợ. Để tăng cường chất lượng công việc, VFC cần có những chính sách quản trị nhân sự phù hợp với thực tế và định hướng phát triển của công ty. Các giải pháp cần thiết bao gồm:
Thứ nhất, VFC cần tiến hành tinh giảm, chọn lọc nhân sự phù hợp
Ý nghĩa, yêu cầu đặt ra: Cần cắt giảm nhân sự để tránh sự thừa thãi, giúp bộ
máy bớt cồng kềnh, phân công nhiệm vụ đúng người đúng việc giúp nâng cao hiệu quả sử dụng lao động. Việc thường xuyên thanh lọc cán bộ sẽ giúp người lao động có trách nhiệm hơn trong công việc.
Hạn chế, khó khăn: Phương thức rà soát lao động không phù hợp sẽ phát
sinh những hình thức chống chế của người lao động.
Thứ hai, nâng cao chất lượng tuyển dụng
Ý nghĩa, yêu cầu đặt ra: Đây là khâu quan trọng, cần phải xây dựng và công
khai các tiêu chuẩn cơ bản để tuyển chọn cán bộ tín dụng, quản trị rủi ro, pháp chế và đặc biệt là xử lý nợ. Nguồn nhân lực đầu vào này có đủ điều kiện về năng lực, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đặc thù công tác xử lý nợ, khâu tuyển chọn nên ưu tiên tuyển dụng những cán bộ đã có kinh nghiệm và là nam giới trong công tác tín dụng và xử lý nợ.
Hạn chế, khó khăn: Thương hiệu Công nghiệp tàu thủy đã giảm dần giá trị,
với chế độ lương thưởng và đãi ngộ hạn chế, môi trường làm việc mang nhiều tính chất “nhà nước” như chậm chạp, lề mề, thiếu chuyên nghiệp rất khó thu hút được lao động có chất lượng.
Thứ ba, đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự
Ý nghĩa, yêu cầu đặt ra: Không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các
cán bộ trong Công ty đặc biệt là cán bộ tín dụng, xử lý nợ và các bộ phận hỗ trợ. Các khóa đào tạo cần tổ chức thường xuyên với nội dung kiến thức pháp luật và tín dụng, kiểm toán nội bộ, nghiệp vụ xử lý nợ kết hợp với hội thảo để cán bộ có điều kiện trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau, mời các chuyên gia giỏi về tín dụng, quản trị RRTD và nhiều kinh nghiệm trong công tác xử lý nợ về giảng dạy cho cán bộ…Nâng cao chất lượng nhân sự không chỉ dừng lại ở trình độ nghiệp vụ mà còn ở cách thức phối hợp làm việc tạo sự nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các đơn vị.
Khó khăn, hạn chế: Tìm kiếm, xây dựng các khóa đào tạo thực sự chất lượng
trong mối quan hệ mâu thuẫn giữa điều kiện hạn hẹp về tài chính và mặt bằng trình độ thấp & nhu cầu đào tạo cao.
Thứ tư, có chế độ đãi ngộ phù hợp
Công tác thưởng phạt phải rõ ràng, có tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc cụ thể, gắn kết hiệu quả công việc với thu nhập. Đối với cán bộ có thành tích tốt,
cần biểu dương, khen thưởng tương xứng với kết quả họ mang lại; đối với cán bộ có sai phạm, phải có hình thức xử lý kỷ luật.
Trong điều kiện Công ty còn khó khăn, lợi nhuận âm triền miên thì việc cắt giảm lương nhằm tiết kiệm chi phí là hợp lý. Tuy nhiên, cần có những chính sách đãi ngộ thích hợp đối với những cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nhiều khó khăn, phức tạp như xử lý nợ.
Như đã đề cập, trong thời gian gần đây, tại VFC phát hiện được nhiều biểu hiện sai phạm gây ra những hậu quả, thiệt hại trong hoạt động tín dụng của công ty. Với việc phát sinh nợ xấu do nguyên nhân chủ quan từ phía cán bộ tín dụng thì lãnh đạo VFC cần xem xét ngoài những hình thức kỷ luật, quy kết trách nhiệm, cần thiết phải có những hỗ trợ cũng như động thái khích lệ tinh thần để những cán bộ mắc sai phạm tích cực triển khai thu hồi nợ, giải quyết các vấn đề.
Thứ năm, xây dựng môi trường văn hóa Công ty hiện đại
VFC cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho chính mình với những tiêu chí, chuẩn mực cụ thể. Tư tưởng làm ăn kiểu “nhà nước”, điểm danh đếm công cần phải xóa bỏ bởi nếu nó còn tiếp tục tồn tại thì mọi hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động xử lý nợ nói riêng sẽ bị đình trệ, chậm chạp, thiếu hiệu quả. VFC cần những con người có trách nhiệm, nhiệt tình, phong cách làm việc hiện đại hơn và trên hết là tinh thần đoàn kết cùng chung tay thực hiện tái cơ cấu, xử lý các vấn đề tồn đọng khó giải quyết từ giai đoạn trước. Văn hóa doanh nghiệp hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tiễn sẽ giúp tạo động lực làm việc cho cán bộ nhân viên VFC, gắn kết các thành viên trong công ty, tăng hiệu quả công việc.
Thứ sáu, có động thái bình ổn tâm lý của cán bộ trong công ty
Với những biến động liên tiếp trong cơ cấu tổ chức và định hướng chung của Tổng công ty trong tiến trình tái cơ cấu ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần làm việc, thái độ công tác của cán bộ nhân viên Tổng công ty nói chung và VFC nói riêng. Vấn đề này ảnh hưởng trước nhất là đến hiệu quả công việc của chính cán bộ công tác, ngoài ra còn gây thiếu hụt nhân sự do các cán bộ có năng lực tốt liên tiếp xin
nghỉ việc. Do vậy, lãnh đạo Tổng công ty cũng như VFC cần có những động thái giúp ổn định tinh thần làm việc của cán bộ công ty, kêu gọi tinh thần đoàn kết nội bộ công ty cùng vượt qua giai đoạn khó khăn của thời kỳ tái cơ cấu, có chính sách cụ thể đối với những cán bộ đi cùng VFC đến hết thời kỳ tái cơ cấu khi VFC không thuộc diện giữ lại trong Tổng công ty sau tái cấu trúc.