từ chỉ hướng
Để tạo nên các bản đồ tri nhận về không gian của người Việt thì không chỉ là không gian vật lý mà cả không gian xã hội. Nơi đô thị là vùng trung tâm của một đơn vị hành chính, quốc gia, tỉnh,v.v… và vùng nông thôn là các vùng ngoại vi tạo nên điều kiện lựa chọn các từ chỉ hướng.
Hà Nội là thủ đô của Việt Nam từ năm 1946 đến hiện nay, là thành phố đứng đầu Việt Nam về diện tích, đồng thời cũng là địa phương đứng thứ nhì về dân số với 6.699.600 người (2011). Hiện nay, thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt củaViệt Nam. Hà Nội nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Hà Nội hiện nay gồm 10 quận nội thành, 1 thị xã và 18 huyện ngoại thành nằm ở cả hai bên bờ sông Hồng, nhưng tập trung chủ yếu bên hữu ngạn. Chính những đặc điểm
này đã quy định cách lựa chọn từ chỉ hướng khi chỉ sự di chuyển từ vùng không gian trung tâm thành phố đến các vùng không gian nông thôn, ngoại thành và ngược lại.
Từ ra được sử dụng với tỷ lệ cao hơn so với các từ chỉ hướng khác khi di chuyển từ vùng trung tâm đến vùng ngoại vi. Ví dụ: ra Sân bay Nội Bài, vì Sân bay Nội Bài ở vùng ngoại vi. Ra sân vận động quốc gia Mỹ Đình ở Huyện Từ Liêm.
Di chuyển từ các Quận thuộc khu vực trung tâm (Nội Thành) đến các Huyện ở Ngoại Thành thì bên cạnh từ ra thì từ xuống/về cũng được sử dụng với tỷ lệ cao. Ví dụ: từ Quận Cầu Giấy ra Huyện Từ Liêm (23%), Quận Cầu
Giấy xuống Huyện Từ Liêm (36%), Quận Thanh Xuân ra Huyện Thanh Trì (20%). Quận Thanh Xuân xuống Huyện Thanh Trì (35%).
Di chuyển từ vùng ngoại vi (Ngoại thành) đến vùng trung tâm (Nội thành) thì tỷ lệ sử dụng từ lên/vào cao hơn những từ khác. Ví dụ: Những nhân chứng ở khu vực Ngoại thành thành phố Hà Nội đều sử dụng từ lên hoặc
vào khi di chuyển đến các vùng ở trung tâm thành phố: lên Chùa Trấn Quốc
(35%), vào (12%), lên Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh (41%), vào (18%), lên Hồ Tây (24%), lên Văn Miếu Quốc Tử Giám (29%),vào (18%), lên Chợ Đồng Xuân (47%), lên Cầu Thăng Long (41%), lên Hồ Hoàn Kiếm (35%). Hay di chuyển từ các Huyện Ngoại Thành đến các Quận Nội Thành thì từ lên/vào vẫn được sử dụng nhiều hơn cả: Huyện Gia Lâm vào Quận Ba Đình (40%),
lên (18%), Huyện Đông Anh lên Quận Tây Hồ (36%) , vào (19%), Huyện Từ
Liêm lên Quận Đống Đa (41%), vào (15%)
Hà Nội tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ ở cả bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc và cách thành phố cảng Hải Phòng 120 km về phía biển. Ngoài những đặc điểm không gian trội do vị trí địa lý như đã trình bày ở
trên quy định các cặp từ chỉ hướng như lên vùng không gian cao hơn, núi,
về/xuống vùng không gian thấp hơn, đồng bằng, hoặc về biển, thì Hà Nội còn
là thủ đô của Việt Nam, là không gian vùng trung tâm, là nơi phồn hoa, phát triển hơn về dân số cũng như diện tích, kinh tế…so với những vùng không gian tiếp giáp với Hà Nội. Thế nên cặp từ chỉ hướng dường như trái ngược nhau hoàn toàn lên/về lại được sử dụng với tỷ lệ gần như nhau để chỉ sự di chuyển về/lên vùng trung tâm. Ví dụ: Hưng Yên lên Hà Nội (44%), xuống/về (38%), Hưng Yên ở phía Đông của Hà Nội nhưng từ lên/xuống/về được sử
dụng với tỷ lệ cao như vậy để chỉ sự di chuyển đến vùng trung tâm. Hoặc: Bắc Giang lên Hà Nội (21%) , xuống/về (63%). Hà Nam lên Hà Nội (59%),
về (16%). Hay từ Hải Phòng – thành phố cảng ở vùng không gian biển lại
dùng từ về Hà Nội – nơi đồng bằng với tỷ lệ: 23%.
Ở thành phố Huế thì địa hình rõ ràng, ngay trong thành phố đã có sự phân chia cao/thấp, thành phố còn có không gian của kinh thành tạo nên bản đồ tri nhận về không gian không chỉ là không gian vật lý mà cả không gian xã hội. Thế nên hầu như người dân đều sử dụng cặp từ vô/ra cho sự di chuyển từ vùng Ngoại Thành Nội đến vùng Nội Thành Nội và ngược lại. Ví dụ: Từ Chợ Đông Ba vô Đàn Xã Tắc, từ Đàn Xã Tắc ra Chợ Đông Ba. Hay chỉ đơn giản là vô trong Thành Nội, ra ngoài Thành Nội. Đối với hướng di chuyển từ các cửa của Kinh thành, cách lựa chọn từ chỉ hướng phức tạp hơn, đặc biệt những cửa nằm phía sau kinh thành như cửa An Hòa, cửa Hậu, thường dùng từ vô,
hoặc qua. Việc di chuyển bên trong nội thành thường được định hướng bằng cặp từ vô / ra hoặc qua /về tùy theo vị trí gần hoặc xa Tử Cấm Thành.
Mối quan hệ có tính chất trung tâm của thành phố Huế với các vùng chung quanh (các huyện) qui định sự lựa chọn cặp từ lên /về. Đối với hướng di chuyển từ thành phố Huế, sự lựa chọn không hướng về đặc điểm địa lí mà về đặc điểm xã hội. Huế là thành phố trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế cho
nên cách lựa chọn thống nhất lên Huế. Ví dụ: Cầu Hai/Lăng Cô lên Huế (62%), và về một huyện, một xã nào đó, trừ trường hợp các huyện miền núi như A Lưới, Bình Điền, Bình Thành đều chọn cặp lên / về thì từ ra được dùng với tỷ lệ cao khi di chuyển từ Huế đến các vùng ngoại vi thành phố. Ví dụ: Huế ra Cầu Hai/Lăng Cô, Huế ra Văn Xá (78%), Huế ra Sịa (66%), về (29%), Huế ra Mỹ Chánh (85%). A Lưới xuống/về Huế (94%), Bình Điền
xuống/về Huế (81%)
Gió thổi pho pho đưa đò lên Huế Trăng non đoài vội xế về Vinh
Em đây vốn thiệt một mình,
Có ai vô gầy duyên dựng nợ, gá nghĩa chung tình cho vui (Hò đối đáp TTH)
Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn, 1832), vua Minh Mạng đổi tên thành Gia Định ra thành Phiên An, năm trấn chia thành sáu tỉnh Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Như vậy tên Nam Kỳ Lục tỉnh đã có từ năm 1832. Hai năm sau (Giáp Ngọ, 1834), Nam Kỳ Lục tỉnh được gọi chung là Nam Kỳ. Năm 1835, tỉnh Phiên An đổi tên là tỉnh Gia Định và sau này là Sài Gòn. Sài Gòn đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 2/7/1976, cách đây đã hơn 30 năm. Nguyên địa danh Sài Gòn, theo Vương Hồng Sển thì đã là một mớ bòng bong. Xuất xứ của địa danh Sài Gòn cho đến nay vẫn là một bí ẩn chưa được giải mã một cách rành mạch. Nhưng dù sao cũng khẳng định được Sài Gòn là một địa danh gốc Việt, quá trình hình thành, lịch sử thành văn ghi chép khá rõ: Cướp xong ba tỉnh miền Tây, thực dân Pháp đơn phương tuyên bố sáu tỉnh Nam kỳ là lãnh địa của Pháp, cho Nam kỳ hưởng quy chế thuộc địa với chính quyền thực dân đứng đầu là một thống đốc người Pháp. [18]
Thành phố Hồ Chí Minh ngày hôm nay rất năng động, từng tạo nên những giá trị tiền đề cho công cuộc đổi mới đất nước, không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của các tỉnh lân cận mà còn là vùng trung tâm quan trọng của cả nước. Chính những điều này đã chi phối rất lớn đến cách lựa chọn từ chỉ hướng khi di chuyển từ các tỉnh lân cận đến thành phố Hồ Chí Minh – nơi trung tâm, phát triển, nơi đô hội, vị trí xuất phát có thể không thấp hơn thành phố nhưng từ lên vẫn được sử dụng với tỉ lệ cao bên cạnh những từ chỉ hướng khác. Ví dụ: Từ Tây Ninh lên thành phố Hồ Chí Minh (43%), Đồng Nai lên Thành phố Hồ Chí Minh (33%), vào (19%), Long An lên Thành phố Hồ Chí Minh (50%), An Giang lên thành phố Hồ Chí
Minh (50%), Cà Mau lên thành phố Hồ Chí Minh (57%). Hay để chỉ sự di chuyển ngược lại, từ vùng trung tâm đến các vùng khác cũng đã quy định cách lựa chọn cặp từ chỉ hướng xuống/về: Từ thành phố Hồ Chí Minh
xuống/về Bình Dương (46%), xuống/về Bà Rịa – Vũng Tàu (62%), xuống/về
Cần Thơ (77%), xuống/về Tiền Giang (83%).
Ngay trong thành phố thì các Quận 1, 3, 5 là những Quận trung tâm khu vực nội thành nên khi di chuyển từ vị trí khác đến các vị trí thuộc những Quận này thì từ lên vẫn được lựa chọn nhiều hơn những từ chỉ hướng khác:
lên Chợ Bến Thành (Quận 1), lên Dinh Thống Nhất (Quận 1), Quận Gò Vấp
lên Quận 1, Quận 8 lên Quận 1, Quận 9 lên Quận 3. Hay ngược lại, từ các Quận trung tâm di chuyển đến các Quận khác thì thống nhất lựa chọn từ
xuống/về: Quận 1 xuống/về Quận 7, Quận 3 xuống/về Quận Thủ Đức.
Những nhân chứng cư trú ở những Quận ven ngoại ô thành phố (Quận Thủ Đức, Quận Gò Vấp, Quận 7…) thì đều thống nhất trong cách lựa chọn từ
lên khi chỉ sự di chuyển đến những vị trí thuộc các Quận trung tâm: lên Chùa
Vĩnh Nghiêm (Quận 3), lên Chợ Bến Thành, lên Dinh Thống Nhất, lên nhà thờ Đức Bà (Quận 1)
Thành phố có khu vực không gian “khép kín” thì hướng di chuyển đối với thành phố là vào. Ví dụ như khu vực Chợ Lớn của thành phố Hồ Chí Minh, nơi sinh sống tập trung và khép kín của người Hoa lâu đời, hay khu vực Hoàng thành ở Hà Nội, khu vực Thành Nội của thành phố Huế, người dân có cách chọn lựa từ vào cho những khu vực này: vô/vào Chợ Lớn, vào/vô Thành Nội.