Mô hình tri nhận không gian tâm linh

Một phần của tài liệu sự tri nhận không gian qua từ chỉ hướng trong tiếng việt (Trang 40 - 44)

Khi di chuyển đến những nơi thờ tự thiêng liêng như chùa, nhà thờ, đền, miếu… thì người nói phải xác định được vị trí điểm xuất phát của hành động di chuyển trong sự đối lập với vị trí của điểm đến, những nơi này phải ở vị trí cao hơn so với điểm xuất phát của người nói thì mới dùng từ lên. Và

trong thực tế thì những nơi này thường ở những vị trí cao trong một vùng. Tuy nhiên, không phải lúc nào những nơi này cũng ở vị trí cao hơn so với nơi xuất phát của người nói về mặt vị trí địa lý, nhưng người Việt thường dùng từ

lên để chỉ sự di chuyển đến những nơi này. Vì trong tư duy của người Việt thì

những nơi thờ tự thiêng liêng này là những nơi thiêng liêng, mang tính chất tâm linh, được tôn kính, và luôn được đặt ở vị trí cao trong tư duy của họ.

Quan hệ cao thấp giữa hai không gian được sắp xếp như: thiên đường > trần thế > địa ngục.

Ví dụ: Người Việt hay nói lên thiên đường, trên thiên đường, lên cõi niết bàn nhưng phải nói xuống địa ngục, dưới âm ty…Đây là vấn đề của không gian tâm linh, không gian tín ngưỡng. Người Việt xem tổ chức thế giới

vũ trụ tâm linh gồm 3 tầng, con người sống ở tầng giữa, phía trên là tầng trời, tầng Phật, nói chung là thế giới thần linh, phía dưới là địa ngực, là thế giới âm ti địa phủ.

Nhóm từ chỉ hướng vận động mà đề tài tập trung nghiên cứu như đã nêu ở trên không những không đồng nhất, mà hơn thế, chúng là những hạt nhân chi phối nhiều kết cấu khác nhau rất phong phú về mặt ý nghĩa, làm giàu thêm sắc thái biểu thị sự vận động không gian với quá trình phát triển tiếng Việt. Kết cấu vận động không gian có từ chỉ hướng vận động làm hạt nhân là những kết hợp phản ánh sự đối ứng về địa hình không gian trong vận động ở cấp độ ngữ nghĩa. Đặc trưng của loại kết cấu này – từ một góc nhìn nào đó – quá trình vừa hình thức hóa mà cũng vừa hiện thực hóa đặc điểm vốn có bên trong đang ở dạng tiềm năng của loại từ chỉ hướng vận động (lên, vào…) với nghĩa tố đã được hình thành. Chúng ta cần quan niệm rằng, nghĩa tố của từ nói chung, và của từ chỉ hướng vận động nói riêng, không phải là nhân tố “sẵn có” một cách siêu hình.

Theo Nguyễn Tài Cẩn thì khi nói đến đặc điểm về sự hình thành nghĩa tố của từ chỉ hướng vận động, chúng ta đã không tách rời với quá trình tác động của văn cảnh. Nhân tố văn cảnh ở đây là hiện thực khách quan được con người nhận thức theo một lô gich nhất định và theo quá trình nào đó chuyển hóa nó vào ngôn ngữ. Do vậy, khi nói đến nhân tố văn cảnh trong mối tương quan với sự hình thành nghĩa tố của từ chỉ hướng vận động trong tiếng Việt, chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng đó không phải là vấn đề đơn thuần hình thức. Trái lại, đó là vấn đề hiện thực của con người, xã hội, thiên nhiên, lịch sử, truyền thống và bao nhiêu nhân tố khác hòa vào trong môi trường giao tiếp, thông qua nhận thức chủ quan của con người Việt Nam. Ví dụ: Lên có nghĩa tố gốc đầu tiên là vận động từ thấp đến cao. Trong quá trình vận dụng, lên được sản sinh thêm nghĩa tố vận động từ biển đến núi và từ Đông đến Tây. Cũng như thế, vào có nghĩa tố gốc đầu tiên là vận động từ rộng đến hẹp.

Trong quá trình vận dụng, vào được sản sinh thêm nghĩa tố vận động từ Bắc đến Nam (trên địa hình Việt Nam).

1.5. TIỂU KẾT

Trên đây chúng tôi đã trình bày một cách khái quát một số khái niệm cơ bản làm cơ sở để khảo sát, phân tích cách sử dụng từ chỉ hướng vận động của người Việt. Trong chương tiếp theo, khi khảo sát những từ chỉ hướng từ bình diện ngữ nghĩa ngữ dụng, chúng tôi sẽ vận dụng những khái niệm đã đề cập ở trên. Chúng tôi lựa chọn nhóm động từ chỉ hướng như lên, xuống, vào, ra, qua, về làm đối tượng nghiên cứu. Những động từ này được xem xét dưới

góc độ tri nhận không gian và như vậy làm tiền đề cho những nội dung nghiên cứu trong chương 2. Một số khái niệm về không gian ngôn ngữ, sự tri nhận không gian, các bản đồ tri nhận không gian, từ chỉ hướng…và những nguyên lý trong tri nhận không gian được đưa ra một cách sơ lược.

Qua một số điều trình bày ở trên, chúng tôi đi đến một số nhận xét rằng: Trong tiếng Việt, nhóm từ chỉ hướng vận động có khả năng biểu thị hai nét nghĩa gốc. Đó là nét nghĩa xuất phát và tiếp cận. Chính nhờ vào những nét nghĩa trên mà chúng tạo ra được tính đối ứng rất chặt chẽ cho những kết cấu vận động không gian với những sắc thái riêng của tiếng Việt. Và người Việt ưa dùng từ chỉ hướng vận động để chỉ sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác hơn là dùng những từ có tính trung lập kiểu như đi, đến, tới...

CHƯƠNG 2

THỐNG KÊ PHÂN LOẠI TỪ CHỈ HƯỚNG TRONG TỪ ĐIỂN VÀ TRONG SỬ DỤNG

Nội dung của chương này được triển khai trên cơ sở nguồn ngữ liệu được thu thập từ từ điển, từ tác phẩm văn học và từ việc điều tra thực tế sử dụng từ chỉ hướng trong hoạt động giao tiếp của cư dân ở ba thành phố Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tư liệu từ từ điển giúp người nghiên cứu có thể nắm bắt hệ thống từ chỉ hướng trong tiếng Việt và đặc điểm ngữ nghĩa của các từ này như những tín hiệu ngôn ngữ cung cấp cho người Việt một phương tiện sử dụng trong những điều kiện giao tiếp cụ thể.

Tư liệu thu thập được từ tác phẩm văn học cung cấp nguồn ngữ liệu từ thực tế sử dụng trong văn bản văn chương của những nhà thơ nhà văn, người được coi là những đại diện tiêu biểu cho năng lực sử dụng ngôn ngữ ưu tú của một cộng đồng.

Nguồn ngữ liệu điều tra thực tế sử dụng của cư dân cung cấp cho người nghiên cứu một ngữ liệu tự nhiên nhất của chính thực tế sử dụng ngôn ngữ của những người dân bình thường trong giao tiếp, là nguồn ngữ liệu quan trọng minh chứng cho quá trình tri nhận không gian của người Việt qua việc sử dụng từ chỉ hướng. Kết quả điều tra được xử lí trên các bảng thống kê. Người viết cố gắng lựa chọn những tiêu chí không gian phù hợp với địa hình của mỗi vùng đất, phù hợp với đặc trưng xã hội của mỗi địa phương và phù hợp với những vấn đề thuộc tâm lí, tâm linh của cư dân ở mỗi vùng được khảo sát.

Một phần của tài liệu sự tri nhận không gian qua từ chỉ hướng trong tiếng việt (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w