Kinh nghiệm quản lý rủi ro của Hải quan Trung Quốc

Một phần của tài liệu hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu tại cục hải quan hà tĩnh (Trang 41 - 45)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.3.Kinh nghiệm quản lý rủi ro của Hải quan Trung Quốc

Là cơ quan trực thuộc Chính phủ, Hải quan Trung Quốc thực hiện cải cách, hiện đại hóa từ năm 1998, thử nghiệm khai báo Hải quan điện tử từ năm 2000 (chương trình H2000) và bắt đầu triển khai hệ thống thủ tục Hải quan điện tử mới từ năm 2010. Hải quan Trung Quốc đã sử dụng công cụ quản lý rủi ro làm cốt lõi trong công tác quản lý với sự hỗ trợ tích cực của các chương trình quản lý tự động hóa trên nguyên tắc: quản lý theo đối tượng doanh nghiệp, theo loại hình thủ tục Hải quan và theo ngành hàng [51, 37].

Cơ sở pháp lý

Công tác quản lý rủi ro của Hải quan Trung Quốc được quy định trong Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn dưới luật do Chính phủ Trung Quốc và Tổng cục Hải quan ban hành.

Các văn bản quy định về quản lý rủi ro đều thống nhất một nguyên tắc quản lý tập trung theo hai cấp: Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan vùng. Theo đó, toàn bộ hoạt động nghiên cứu, phân tích, triển khai, xây dựng tiêu chí rủi ro, xác định trọng

điểm rủi ro và quyết định hình thức - mức độ kiểm tra đều do hệ thống tự động thực hiện dưới sự quản trị và quản lý của bộ phận quản lý rủi ro cấp Trung ương và cấp vùng.

Các tiêu chí rủi ro cấp Tổng cục có hiệu lực trên toàn quốc, các tiêu chí rủi ro cấp Cục có hiệu lực trong vùng quản lý Hải quan thuộc thẩm quyền của Cục Hải quan. Công chức Hải quan tại các địa điểm làm thủ tục Hải quan có trách nhiệm thực hiện theo các yêu cầu của hệ thống và phản hồi, báo cáo kết quả vào hệ thống. Lãnh đạo đơn vị làm thủ tục Hải quan (Chi cục Hải quan và Điểm thông quan) không tham gia quyết định hình thức - mức độ kiểm tra mà có trách nhiệm giám sát quá trình thực thi của công chức Hải quan.

Cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động

Tổng cục Hải quan Trung Quốc có một bộ phận chức năng chuyên trách quản lý rủi ro là Phòng Quản lý rủi ro thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan. Đồng thời, tại các Hải quan vùng, Hải quan Trung Quốc đã thành lập bộ phận quản lý rủi ro hoạt động độc lập với các bộ phận nghiệp vụ khác. Bộ phận này chịu trách nhiệm toàn bộ trong các hoạt động quản lý rủi ro, gồm: thu thập thông tin rủi ro từ hệ thống thủ tục Hải quan điện tử; thu thập thông tin từ các nguồn khác; phân tích - đánh giá rủi ro; xây dựng tiêu chí rủi ro; xây dựng các chỉ dẫn rủi ro; phân tích thông tin phản hồi; định kỳ rà soát - điều chỉnh - bổ sung - loại bỏ các tiêu chí rủi ro.

Mặc dù được trang bị hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nhưng do mức độ quan trọng của công tác quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý Hải quan, Hải quan Trung Quốc vẫn duy trì một số lượng đáng kể hoạt động trong lĩnh vực này (ví dụ tại Hải quan Thượng Hải, bộ phận quản lý rủi ro hiện có 7 Phòng, với tổng số cán bộ công chức là 65 người).

Hệ thống quản lý rủi ro của Hải quan Trung Quốc được áp dụng theo nguyên tắc và hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới, tiến hành thu thập và phân tích thông tin về doanh nghiệp, về hàng hóa để đưa ra các cảnh báo, hướng dẫn nghiệp vụ cho từng giai đoạn thủ tục Hải quan.

Một nguyên tắc chung được đưa ra và bắt buộc mọi công chức Hải quan phải tuân thủ là: thực hiện hoàn toàn theo các chỉ dẫn, hướng dẫn nghiệp vụ của hệ thống quản lý rủi ro. Nhiều kỹ thuật kiểm tra nghiệp vụ của Hải quan Trung Quốc đã được xây dựng chương trình và tự động hóa ngay trong quá trình hệ thống xử lý thông tin tờ

khai Hải quan của doanh nghiệp. Do vậy, sự tác động của công chức lên quá trình xử lý tờ khai hải quan và kiểm tra Hải quan được giảm bớt, từ đó áp lực công việc đối với công chức Hải quan giảm đi, làm tăng tốc độ thông quan hàng hóa nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý Hải quan.

Quy trình của quản lý rủi ro

Công tác QLRR của Hải quan Trung Quốc được thực hiện theo hệ thống khép kín, gồm các bước: thu thập thông tin rủi ro - phân tích rủi ro - kiểm soát rủi ro - đánh giá rủi ro - quyết định xử lý nghiệp vụ.

Thông tin rủi ro là những thông tin thu thập vào hệ thống QLRR từ các nguồn khác nhau trong quá trình thực thi các quy trình và quản lý Hải quan, từ đó cho thấy những nguy cơ đối với hoạt động quản lý Hải quan, như thông tin từ kiểm tra thực tế hàng hóa, thông tin về xu hướng gian lận, thông tin từ các báo cáo nghiệp vụ…

Việc thu thập thông tin rủi ro được hỗ trợ bằng một hệ thống phần mềm chức năng mà tất cả các công chức Hải quan ở các vị trí khác nhau đều được phân quyền và có nhiệm vụ cập nhật thông tin tại chỗ. Do vậy, thông tin rủi ro trên hệ thống quản lý rủi ro của Hải quan Trung Quốc có tính toàn diện và kịp thời, giúp nâng cao hiệu quả phân tích rủi ro và có những hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ định kiểm tra tập trung, chính xác cao (năm 2010, Hải quan Thượng Hải đã thực hiện kiểm tra toàn diện với 27% hàng nhập khẩu, 16,9% hàng xuất khẩu; kiểm tra hồ sơ đối với 35,3% hàng nhập khẩu, 14% hàng xuất khẩu và thông quan nhanh cho 37,1% hàng nhập khẩu, 69,1% hàng xuất khẩu. Trong số đó, tỷ lệ phát hiện gian lận theo chỉ dẫn rủi ro là 40%).

Việc phân tích rủi ro của Hải quan Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các đối tượng hàng hóa có thuế (phân loại, giá, xuất xứ) và hàng không thuế (chính sách thương mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) nhằm trả lời 3 câu hỏi: Kiểm tra cái gì? Ai kiểm tra? Kiểm tra như thế nào?

Hệ thống QLRR được thiết kế để xác định và phân tích các điểm rủi ro ở cả ba giai đoạn thông quan, trong từng quy trình thủ tục Hải quan, trong các thông tin hồ sơ Hải quan của hàng hóa. Đồng thời, việc phân tích rủi ro cũng được thực hiện theo từng cấp, với từng phạm vi thông tin phù hợp là cấp Tổng cục, cấp vùng và cấp cửa khẩu. Hải quan Trung Quốc sử dụng các phương pháp phân tích khác nhau, cùng với sự hỗ trợ tối đa của các công cụ công nghệ thông tin, để đưa ra các kết quả có tính trọng điểm và đạt hiệu quả cao.

Kiểm soát rủi ro cũng là một mắt xích quan trọng trong quản lý rủi ro của Hải quan Trung Quốc. Bằng nghiệp vụ kiểm soát rủi ro, Hải quan sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa hoặc kiểm soát các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện các thủ tục Hải quan.

Nguyên tắc của kiểm soát rủi ro là: phân lớp để kiểm soát, tối thiểu hóa sự can thiệp từ bên ngoài, phù hợp với thực tế, và ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, Hải quan áp dụng các phương pháp kiểm soát phù hợp với từng đối tượng và từng loại rủi ro, như: loại bỏ rủi ro, chuyển giao rủi ro, ngăn ngừa rủi ro…

Thông qua kiểm soát rủi ro, Hải quan Trung Quốc xây dựng các tiêu chí rủi ro để đưa vào hệ thống thông quan điện tử (trong năm 2010, Hải quan Thượng Hải đã có 83 lần xem xét và đánh giá lại các tiêu chí rủi ro; điều chỉnh 102 nghìn tiêu chí; bổ sung 61 nghìn tiêu chí; và loại bỏ 41 nghìn tiêu chí. Trên hệ thống thủ tục Hải quan, thường xuyên duy trì 22 nghìn tiêu chí rủi ro trực tuyến).

Bằng cách áp dụng các tiêu chí rủi ro trên hệ thống thông quan điện tử, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành tự động hóa nhiều nội dung kiểm tra và xây dựng các chỉ dẫn nghiệp vụ cho công chức Hải quan thực hiện trong khi làm thủ tục Hải quan cho doanh nghiệp. Dựa trên các chỉ dẫn, tùy trường hợp cụ thể, công chức Hải quan sẽ buộc phải thực thi theo đúng quy trình đã định (nếu là chỉ dẫn bắt buộc) hoặc tự quyết định biện pháp nghiệp vụ phù hợp (nếu là chỉ dẫn định hướng).

Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc quản lý trọng điểm trước hết theo đối tượng doanh nghiệp. Mỗi đối tượng doanh nghiệp được phân loại và có quy định về chế độ thủ tục Hải quan hay hình thức – mức độ kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hệ thống QLRR của Hải quan Trung Quốc thực hiện thu thập thông tin về doanh nghiệp trên mọi mặt hoạt động: thời gian và lịch sử hoạt động, lĩnh vực đầu tư, ngành hàng kinh doanh xuất nhập khẩu, địa điểm và khu vực hoạt động, quy mô đầu tư, nhân thân người sở hữu và các nhà quản lý… Từ phân tích thông tin doanh nghiệp, Hải quan Trung Quốc phân chia các doanh nghiệp thành 5 loại: Doanh nghiệp AA, doanh nghiệp A, doanh nghiệp B, doanh nghiệp C và doanh nghiệp D

Về cơ bản, các doanh nghiệp loại AA và A đều là những doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn, có lịch sử hoạt động tốt, kinh doanh xuất nhập khẩu các loại hàng hóa không đánh thuế, có cam kết và bảo đảm bằng tiền (ký quỹ hoặc bảo lãnh của ngân hàng) với Hải quan về tuân thủ pháp luật.

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cũng là đối tượng được phân tích, đánh giá trong quản lý rủi ro theo nhiều tiêu thức phân loại:

- Phân loại theo chính sách thuế bao gồm: hàng hóa có thuế, hàng miễn thuế, hàng có ân hạn thuế, hàng tạm miễn thuế, hàng không có thuế và hàng hóa có chính sách thuế đặc biệt.

- Phân loại theo chính sách thương mại bao gồm: hàng thông thường, hàng có chế độ đặc thù; hàng hóa là nguyên liệu sản xuất sản phẩm xuất khẩu, hàng tạm quản, hàng quá cảnh và hàng hóa xuất nhập khẩu theo chính sách đặc biệt.

- Phân loại theo quy trình thủ tục Hải quan bao gồm: thủ tục thông thường; thủ tục thông quan nhanh - khai trước và kiểm tra sau thông quan trong thời hạn nhất định; thủ tục Hải quan nhanh và thanh lý (thanh khoản) sau khi kết thúc giai đoạn quản lý; thủ tục Hải quan nhanh trên cơ sở có bảo đảm và thanh lý sau khi tái xuất - tái nhập hàng hóa; thủ tục Hải quan trên cơ sở thủ tục đối với phương tiện vận tải; và thủ tục Hải quan đặc biệt.

Nhìn chung, hệ thống quản lý rủi ro của Hải quan Trung Quốc được xây dựng khá toàn diện dựa trên một hệ thống phương pháp hiện đại. Tính hiệu quả của hệ thống được bảo đảm bằng một nền pháp lý đầy đủ và đặc biệt là sự phối hợp tích cực của tất cả các bộ phận quản lý Hải quan.

Với hệ thống QLRR như trên, Hải quan Trung Quốc đã và đang triển khai rất hiệu quả các mặt hoạt động quản lý Hải quan. Các bộ phận nghiệp vụ và từng công chức Hải quan được xác định rất rõ phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình và cùng hợp tác chặt chẽ với nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động chung của ngành. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu tại cục hải quan hà tĩnh (Trang 41 - 45)