Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ quản lý giáo dục, giáo

Một phần của tài liệu biện pháp quản lý xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của phòng giáo dục và đào tạo huyện cam lâm, tỉnh khánh hòa (Trang 67 - 71)

8. Cấu trúc luận văn

3.2.1.Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ quản lý giáo dục, giáo

giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh về sự cần thiết xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

Ý nghĩa của biện pháp

Tư tưởng, lập trường chính trị là yếu tố quan trọng quyết định hành vi của con người, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển. Nếu tư tưởng chưa thông suốt, tư tưởng còn lệch lạc thì con người làm việc sẽ không có mục đích, không có hiệu quả, mất phương hướng và dễ rơi vào tình trạng tiêu cực. Vì vậy, các cấp lãnh đạo, quản lý cần phải luôn luôn quan tâm nhằm quán triệt tư tưởng, nhận thức cho mọi người, giúp họ có niềm tin trong công việc, từ đó phát huy tinh thần tự giác và sáng tạo. Nhận thức được xem là khâu đầu tiên và không kém phần quan trọng của quá trình hoạt động nói chung và trong hoạt động quản lý giáo dục nói riêng, nhận thức có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại của hoạt động, bởi vậy, muốn có hành động đúng và quyết tâm thực hiện đến cùng để đạt kết quả thì phải có nhận thức đúng, phải hiểu sâu sắc ý nghĩa của hành động đó.

Nhận thức quản lý xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, điều quan trọng đầu tiên là các cấp quản lý giáo dục và hiệu trưởng trường mầm non, mẫu giáo phải nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc về vấn đề này, từ đó mới tham mưu, tuyên truyền cho các cấp lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể, cha mẹ trẻ và giáo viên nhận thức được mục đích ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia sẽ mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài như thế nào cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương.

Nội dung của biện pháp

Nắm vững Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 của Chính phủ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Làm cho các cấp chính quyền và cán bộ quản lý giáo dục nhận thức đúng tầm quan trọng của việc xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là tạo ra điều kiện và môi trường tốt nhất để trẻ được chăm sóc, giáo dục tốt hơn, góp phần từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trong nhà trường, đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.

Muốn xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, phải tích cực làm cho các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương nắm được nội dung cụ thể 5 tiêu chuẩn xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền, của các đoàn thể và nhân dân địa phương, tranh thủ các diễn đàn của địa phương để tuyên truyền về sự cần thiết, nhu cầu của việc xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, bởi vì một trường mầm non, mẫu giáo đạt chuẩn như thế là

rất phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hợp với lòng dân; đồng thời, làm cho mỗi một cán bộ quản lý, giáo viên có sự hiểu biết sâu sắc về tổ chức và hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, của nhà trường mầm non, mẫu giáo nói riêng, đây là một trong những nội dung có trong chương trình bồi dưỡng hè cho cán bộ quản lý, giáo viên hàng năm. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng cần làm cho cán bộ, giáo viên hiểu rõ, nắm được đầy đủ các quy định một cách chi tiết 5 tiêu chuẩn của trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (Nhà trường cần cung cấp đầy đủ các văn bản như: Luật Giáo dục, Điều lệ trường mầm non, Quyết định, Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia). Sau khi đã nắm được những nội dung, nhận thức chung về trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, các cán bộ, giáo viên sẽ có cơ sở, có niềm tin để có sự hiểu biết và nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa, nội dung của trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Cách thực hiện biện pháp

Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường mầm non, mẫu giáo tích cực tham mưu với các cấp chính quyền địa phương, nâng cao nhận thức cán bộ quản lý giáo dục về xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Đối với các cấp chính quyền

- Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền với các ngành, các cấp chính quyền địa phương về đường lối đổi mới công tác giáo dục của Đảng, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong tình hình mới của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của huyện nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong tình hình mới.

- Tích cực chủ động tham mưu cho Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện quán triệt các Kế hoạch, Nghị quyết về xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đến cán bộ chủ chốt ở các địa phương, ban ngành đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thành lập Ban chỉ đạo quản lý xây dựng trường mầm non đạt chuẩn ở các cấp, đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với chính quyền địa phương, đối với các ban ngành đoàn thể, đối với phòng Giáo dục và Đào tạo, đối với Hiệu trưởng các trường mầm non, mẫu giáo và trách nhiệm của cha mẹ trẻ trong việc đóng góp xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

- Tích cực đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt đề án xây dựng mạng lưới trường lớp giáo dục mầm non đến năm 2020, mở rộng diện tích đất, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho các trường để đủ điều kiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Đối với cán bộ quản lý giáo dục

- Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức học tập đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của ngành và của địa phương về công tác giáo dục và đào tạo; tổ chức hội nghị bàn sâu và triển khai thực hiện 5 tiêu chuẩn xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của Bộ giáo dục và đào tạo cho cán bộ quản lý các trường mầm non, mẫu giáo.

- Đề cử cán bộ quản lý đương chức và giáo viên trong diện quy hoạch của các trường tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý giáo dục, trình độ chính trị.

- Chỉ đạo cán bộ quản lý các trường chủ động tham mưu, phối hợp với các địa phương nhằm tăng cường công tác phát triển Đảng trong trường học, xây dựng củng cố các tổ chức đoàn thể trong trường hoạt động có hiệu quả.

Đối với giáo viên

- Phòng Giáo dục và Đào tạo quy định ngoài nhiệm vụ giảng dạy, mỗi giáo viên có trách nhiệm tham gia cùng với nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền về xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia để cho phụ huynh học sinh nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như những lợi ích của việc xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, từ đó tích cực đóng góp ý kiến xây dựng cùng với nhà trường.

- Tạo điều kiện cho giáo viên tham gia học tập đầy đủ các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hội thảo chuyên đề do phòng Giáo dục và Đào tạo, trường tổ chức nhằm thực hiện tốt đổi mới nội dung chương trình giáo dục mầm non, phương pháp tổ chức các hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng cao.

Đối với phụ huynh học sinh

- Phòng Giáo dục và Đào tạo giao cho Hiệu trưởng các trường mầm non, mẫu giáo có trách nhiệm tuyên truyền rộng khắp đến các bậc phụ huynh học sinh để cùng với nhà trường tích cực tham gia vận động đóng góp xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

- Thường xuyên chỉ đạo để cán bộ quản lý các trường tích cực vận động phụ huynh học sinh đóng góp nhân lực, vật lực để cùng với nhà trường tham gia xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại địa phương.

- Giao cho cán bộ quản lý các trường thường xuyên thông báo kết quả tham gia hoạt động của trẻ để cha mẹ trẻ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, chỉ bảo trẻ..

Một phần của tài liệu biện pháp quản lý xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của phòng giáo dục và đào tạo huyện cam lâm, tỉnh khánh hòa (Trang 67 - 71)