Môi trường pháp lí bao gồm các bộ luật và các văn bản dưới luật. Mọi quy định về kinh doanh đều tác động trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Môi
trường pháp lý tạo ra sân chơi để các doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động kinh doanh, vừa cạnh tranh vừa hợp tác lẫn nhau. Mọi định hướng, mục tiêu của doanh nghiệp khi đưa ra đều dựa trên cơ sở các luật định của Nhà nước. Trong mỗi thời kỳ, nhà nước sẽ định hướng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào một số ngành nghề, lĩnh vực có lợi cho kinh tế đất nước, kèm theo đó sẽ là những ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên xem xét đầu tư vào những ngành nghề phù hợp với chính sách kinh tế của nhà nước để hưởng những ưu đãi đặc biệt đó. Do vậy, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong mỗi thời kì đều xem xét và dựa trên quy định của các văn bản pháp luật, tuỳ theo định hướng phát triển kinh tế của đất nước để đề ra phương hướng cho đầu tư của doanh nghiệp mình (Robert Eisner, 1978; Yan Huahong, 2009).
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản là rất lớn, do vậy Nhà nước cũng có nhiều những chính sách, những văn bản pháp luật tạo môi trường pháp lý thông thoáng hoặc ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, chính môi trường pháp lý đôi khi vẫn còn có những hiện tượng quan liêu, chồng chéo, các thủ tục hành chính rườm rà. Đây chính là những điều kiện bất lợi mà môi trường pháp lý có thể gây ra cho các nhà đầu tư.