Tài nguyên đất
Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Kiên Giang là 634.627 ha, chiếm 15,63% diện tích tự nhiên toàn vùng ĐBSCL. Tài nguyên đất thích hợp cho phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, trong đó nhóm đất nông nghiệp là 573.240 ha, chiếm 90,33% tổng diện tích tự nhiên (riêng đất lúa 354.011,93ha, chiếm 61,49% đất nông nghiệp); nhóm đất phi nông nghiệp 53.238,38ha, chiếm 8,39% diện tích đất tự nhiên (Sở Tài Nguyên & Môi trường Kiên Giang, 2009).
Tài nguyên nước
- Nguồn nước mặt chủ yếu ở Kiên Giang là do nước mưa và nước của sông Hậu
cung cấp, thông qua các kênh Rạch Giá; Kênh Vĩnh Tế, Kênh Cái Sắn, kênh xáng Thốt Nốt, Chưng Bầu, Thác Lác - Ô Môn, KH3, KH6, KH7, KH8, KH9,... Qua khảo sát đo đạc cho thấy nguồn nước sông Hậu tương đối dồi dào và có chất lượng tốt. Lưu lượng ở đầu nguồn tại Châu Đốc vào mùa lũ là 5.400 m3/s; vào mùa kiệt là 300 m3/s. Lưu lượng ở cuối nguồn tại Cần Thơ trung bình là 835 m3/s tháng lớn nhất là 13.680 m3/s (Sở Tài Nguyên & Môi trường Kiên Giang, 2009).
- Nguồn nước ngầm ở Kiên Giang có nhiều loại, có thể phân ra loại chất lượng
tốt, không tốt, bị mặn và nhiễm mặn.
+ Khu vực nước ngầm có chất lượng và trữ lượng tốt: Hàm lượng clo khoảng
400 mg/l, độ sâu khai thác 80 - 430 m gồm các huyện An Biên, Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao; một phần của huyện Giồng Riềng giáp với Châu Thành và một phần nhỏ ở huyện Tân Hiệp.
+ Vùng nước ngầm có chất lượng không tốt: Hàm lượng clo từ 400 - 1.000 mg/l.
Độ sâu khai thác từ 40 - 60 m thuộc khu vực Hòn Đất, dọc Kiên Lương; theo kinh T3 Hà Tiên. Khu vực Rạch Giá; một phần An Minh dọc khu vực từ kênh ấp Năm Tỷ giáp Cà Mau chạy tới Rạch thứ 8 Biển và một phần nhỏ ở phía Tây của An Biên. Độ sâu khai thác từ 80 - 110 m.
+ Vùng nước ngầm bị mặn: Có hàm lượng clo trên 1.000 mg/l tập trung chủ yếu
ở các xã Hòa Điền, Phú Mỹ, Tân Khánh Hòa, Mỹ Đức thị xã Hà Tiên; phía Nam lộ 80 từ kênh Luỳnh Huỳnh tới kênh Ba Hòn thuộc huyện Kiên Lương, thị xã Hà Tiên, khu vực kênh Tám Ngàn của huyện Hòn Đất, một phần xã Nam Thái của huyện An Biên và khu vực kênh Chín Rưỡi Biển trở xuống giáp với Vân Khánh thuộc huyện An Minh.
+ Vùng khoan sâu quá 60 m bị nhiễm mặn: Tập trung ở khu vực Giồng Riềng và
một phần của huyện Tân Hiệp.
Tài nguyên rừng
Kiên Giang là một trong 2 tỉnh có diện tích rừng lớn nhất ở vùng ĐBSCL. Diện tích rừng ở Kiên Giang bị giảm đi đáng kể. Tổng diện tích đất lâm nghiệp năm 2010 là 98.056 ha, chiếm 15,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, rừng sản xuất: 26.309 ha, chiếm 26,8%; rừng phòng hộ: 32.225 ha, chiếm 32,9% và rừng đặc dụng 39.522 ha, chiếm 40,3%.
Rừng ở Kiên Giang có ý nghĩa rất quan trọng giữ nguồn nước và bảo vệ sinh học và cân bằng sinh thái; các khu rừng nguyên sinh còn lại đặc trưng cho rừng cây họ dầu ẩm nhiệt đới có giá trị lớn về mặt nghiên cứu thảm thực vật, bảo vệ hệ sinh thái và có giá trị trong việc lập các khu bảo tồn và khu du lịch. Rừng còn tồn tại trên 140 loại động vật rừng quý hiếm, có giá trị bảo tồn và tham quan du lịch,… (Sở Tài Nguyên & Môi trường Kiên Giang, 2009).
Tài nguyên biển
Vùng biển Kiên Giang có đường bờ biển dài 200 km được xác định là ngư trường trọng điểm giàu tiềm năng của cả nước, là tỉnh có ngư trường đánh bắt rộng: 63.290 km2; trong đó diện tích ngư trường ở độ sâu dưới 20 m là 15.440 km2; ở độ sâu 20 - 50 m là 33.960 km2; ở độ sâu > 50 m là 13.880 km2.
Vùng biển Kiên Giang có nguồn thủy sản đa dạng và phong phú, với trữ lượng khoảng 464.600 tấn; chiếm tới 29,0% trữ lượng hải sản vùng Nam Bộ, khả năng khai thác cho phép khoảng 208.400 tấn, chiếm 44,0% trữ lượng (Bộ Thủy sản, 2005).
Trữ lượng cá nổi chiếm khoảng 51,0% tổng trữ lượng; khả năng khai thác cho phép khoảng 40% trữ lượng cá nổi. Trữ lượng cá đáy chiếm 49,0% tổng trữ lượng; khả năng khai thác cho phép khoảng 50,0% trữ lượng cá đáy. Một số loại cá có trữ lượng cao như: Cá liệt chiếm khoảng 32,0%; họ cá nục chiếm khoảng 18,7%; họ cá trích, cá thu, cá ngừ mỗi họ chiếm khoảng 7,0%.
Khả năng cho phép khai thác tôm khoảng 19.000 tấn/năm. Ngoài ra, vùng biển Kiên Giang còn có nhiều đặc sản quý như đồi mồi, hải sâm, sò huyết, rau câu…
Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản ở Kiên Giang không phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, những tài nguyên khoáng sản hiện hữu ở Kiên Giang có giá trị kinh tế cao, như nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng, gạch ngói,...
- Đá xây dựng: Phân bố dọc theo bờ biển từ Bắc thị xã Hà Tiên đến huyện Hòn Đất với tổng trữ lượng khoảng 120 triệu tấn.
- Đá vôi: Kiên Giang là nơi duy nhất ở ĐBSCL có nguồn đá vôi có trữ lượng lớn, xấp xỉ 420 -500 triệu m3, hàm lượng vôi từ 51 – 56,0 %, là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng.
- Đất sét: Tổng trữ lượng 42 triệu tấn, cấu tạo thành 2 tầng: tầng mặt đất có trữ lượng 12 triệu tấn, độ sâu khoảng 3,5 m; ít sử dụng cho sản xuất vật liệu xây dựng vì có nhiều tạp chất. Tầng ở độ sâu > 3,5 m - 10 m có trữ lượng khoảng 30 triệu tấn. Hiện tại đang được sử dụng cho sản xuất xi măng. Ngoài ra, nguồn sét làm gạch ngói phân bố dọc theo lộ Rạch Giá - ngã ba Lộ Tẻ, thành phố Rạch Giá - Hà Tiên, Hàm Ninh (Phú Quốc), với trữ lượng có thể xây dựng các nhà máy gạch ngói có công suất từ 7 - 21 triệu viên/năm.
- Cát vàng ở Hà Tiên, Hòn Heo thành phần hạt chủ yếu là thạch anh vừa làm vật liệu xây dựng vừa làm gạch không nung.
- Than bùn: phân bố ở huyện U Minh Thượng, huyện An Minh, Vĩnh Thuận, ở Lung Lớn, lung Kiên Lương, lung Mốp Văn Tây, lung Mốp Căn Đông, lung Bảy Núi, lung Phượng Hòa và thị xã Hà Tiên,… Tổng trữ lượng ước tính khoảng 150 triệu tấn. Chất lượng than bùn đảm bảo yêu cầu làm phân bón, điều chế a xít humíc,…phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tài nguyên du lịch
- Kiên Giang có đường bờ biển dài 200 km, trữ lượng hải sản dồi dào và đa dạng, có nhiều hòn đảo thơ mộng và mang vẻ hoang sơ như Kiên Hải, Phú Quốc và Thổ Chu, có nhiều bãi tắm đẹp; danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như: Hòn Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, Chùa Hang, Núi Moso, Mũi Nai, Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, Đông Hồ ở Hà Tiên, Bãi Dương, Dinh Cậu ở Phú Quốc,…Theo quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam, Kiên Giang thuộc vùng du lịch IV với với tiềm năng du lịch đặc trưng là phong cảnh biển đẹp và sông nước hữu tình; sinh thái rừng
ngập U minh Thượng; sinh thái sông nước vùng ĐBSCL,… có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng.
- Kiên Giang cũng là nơi có tiềm năng để phát triển du lịch lịch sử, vùng căn cứ U Minh, Hà Tiên lịch sử,… với những anh hùng qua các thời đại: Nguyễn Trung Trực, Chị Sứ,… trong các cuộc chiến tranh giữ nước và xây dựng đất nước.
- Kiên Giang cũng là nơi có tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, lễ hội truyền thống của các dân tộc, tâm linh của cộng đồng các dân tộc.
Tài nguyên nhân văn
Nhân dân Kiên Giang có truyền thống đấu tranh xây dựng đất nước, cần cù lao động, sáng tạo, có khả năng tiếp thu nhanh chóng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Kiên Giang có truyền thống lịch sử bất khuất kiên cường trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những dấu ấn còn ghi lại như: Căn cứ chống Pháp của Nguyễn Trung Trực, nhà lao Cây Dừa do Pháp xây dựng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp (năm 1953 – 1954). Ở thời kỳ chống Mỹ: vườn quốc gia U Minh Thượng là căn cứ cách mạng của khu Tây Nam Bộ, Xứ Ủy Nam Bộ, Trung ương cục miền Tây Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Vườn quốc gia U Minh Thượng là nơi hoạt động cách mạng của nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong kháng chiến hai thời kỳ.
Kiên Giang có một nền văn hóa Óc Eo của người Việt cổ và nền văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer và người Hoa đã tạo cho nét văn hóa Việt-Khmer- Hoa đặc trưng ở vùng phía Tây Nam của Tổ quốc.