Môi trường pháp lý

Một phần của tài liệu áp dụng các phương pháp tiên tiến trong xác định giá trị doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 43 - 44)

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chỉ có thể ổn định và phát triển trong một môi trường có sự ổn định về chính trị, pháp lý. Môi trường pháp lý ổn định sẽ tạo ra được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định làm cho doanh nghiệp yên tâm tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình trong một thời gian dài, việc này sẽ giúp dự báo về luồng tiền thu nhập của doanh nghiệp trong tương lai. Các yếu tố của môi trường pháp lý có sự gắn bó chặt chẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: - Tính đầy đủ, đồng bộ rõ ràng và chi tiết của hệ thống pháp luật.

- Quan điểm tư tưởng của nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh được thể hiện thông qua hệ thống các văn bản pháp quy như: quan điểm bảo vệ sản xuất, bảo vệ các nhà đầu tư, quan điểm khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài…

- Năng lực hành pháp của chính phủ, ý thức chấp hành luật pháp của các công dân và các tổ chức pháp luật. Nếu pháp luật đã được ban hành nhưng không trở thành hiện thực, tình trạng buôn lậu, trốn thuế, hàng giả, hàng nhái tràn lan sẽ gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Xu hướng, quan điểm trong quan hệ ngoại giao và hợp tác của chính phủ với các quốc gia khác trong tiến trình toàn cầu hoá.

Môi trường pháp lý cũng tác động đến việc lựa chọn các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp. Bởi vì một môi trường pháp lý ổn định với đầy đủ các luật, các quy định cụ thể về việc xác định giá trị doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng lựa chọn được phương pháp nào hiệu quả nhất cho doanh nghiệp mình.

Chính phủ cần ban hành một số chuẩn mực chung để căn cứ vào đó các tổ chức làm nhiệm vụ ước tính giá trị doanh nghiệp có cơ sở thực hiện, đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước có một thước đo chung trong đánh giá một doanh nghiệp. Ví dụ như quy định về một báo cáo thẩm định giá doanh nghiệp, những tiêu chí để đánh giá chung về doanh nghiệp, các tiêu chí để đánh giá các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp (dựa vào các chỉ tiêu bình quân trong từng ngành nghề sản xuất kinh doanh)…

Một phần của tài liệu áp dụng các phương pháp tiên tiến trong xác định giá trị doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 43 - 44)