Pháp luật về cổ phần hoá

Một phần của tài liệu áp dụng các phương pháp tiên tiến trong xác định giá trị doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 101 - 103)

Trong chương 2, luận văn đã nêu lên những tồn tại trong các văn bản pháp quy về cổ phần hoá ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định giá trị doanh nghiệp. Để khắc phục những tồn tại đó, Nhà nước cần có những biện pháp, sửa đổi chính sách cho phù hợp với thực tế mới thực sự đẩy nhanh được quá trình cổ phần hoá đồng thời tăng cung hàng hoá cho thị trường chứng khoán phát triển. Luận văn xin đề xuất một số sửa đổi, bổ sung trong pháp luật về cổ phần hoá như sau:

- Chính phủ cần ban hành và hoàn thiện các văn bản pháp quy (thông tư, chỉ thị…) hướng dẫn chi tiết thi hành luật doanh nghiệp và các luật liên quan như luật đầu tư, luật đất đai…, đồng thời rà soát lại các lĩnh vực Nhà nước cần giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối để có cơ sở xác định các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục thực hiện cổ phần hoá theo tinh thần nghị quyết đại hội Đảng X.

- Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước như mở rộng đối tượng cổ phần hoá, đẩy mạnh thực hiện cổ phần hoá các tổng công ty và công ty nhà nước qui mô lớn, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tài chính nhà nước, qui định chi tiết các phương thức và biện pháp liên quan đến việc cổ phần hoá các công ty nhà nước lớn và các tổng công ty, cần mở rộng hình thức định giá thông qua các tổ chức thẩm định giá, kiểm toán, tư vấn tài chính, vận dụng nguyên tắc thị trường trong cơ chế thực hiện cổ phần

hoá. Những quy định này sẽ là một biện pháp để tăng cung cho thị trường chứng khoán, để các công ty đại diện cho sức mạnh của nền kinh tế được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

- Chính phủ cần nghiên cứu và sửa đổi nghị định 187/2004/NĐ-CP theo hướng thị trường và hội nhập, tạo cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước được tham gia không hạn chế vào cổ phần hoá theo cơ chế đấu giá bình đẳng, đơn giản hoá các thủ tục. Cụ thể là:

+ Giảm tỷ lệ vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, giảm bớt tỷ lệ công cổ phần mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Mở rộng hơn nữa tỷ lệ cho phép nắm giữ cổ phần đối với các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài để thu hút nguồn vốn, công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại.

+ Bỏ quy định dành 20% cổ phiếu bán cho người lao động trong doanh nghiệp với giá ưu đãi, thay vào đó người lao động sẽ được hưởng một khoản lợi ích theo năm công tác khi thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp, không nên ép người lao động trở thành cổ đông bất đắc dĩ, hạn chế hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hoá.

+ Bổ sung thêm các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp cho phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp, trong nghị định 187/2004/NĐ-CP của chính phủ chỉ quy định hai phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu ((DCF)), tuy nhiên phương pháp dòng tiền chiết khấu được hướng dẫn trong nghị định là phương pháp chiết khấu dòng cổ tức (DDM) nên cần sửa lại nội dung của phương pháp và không hạn chế ngành nghề kinh doanh áp dụng phương pháp này.

+ Chính phủ cần nghiên cứu lại quy định về tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để không làm thất thoát vốn nhà nước vì theo quy định hiện nay nếu doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê đất thì giá trị quyền sử dụng đất không tính vào giá trị doanh nghiệp.

- Căn cứ vào kết quả phân loại doanh nghiệp Nhà nước theo Quyết định 58/2002 ngày 26/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Nhà nước cần có quyền yêu cầu các ngành và địa phương xác định kế hoạch cổ phần hoá hoặc chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn. Trong kế hoạch cần xác định rõ những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn phải thực hiện cổ phần hoá gắn với việc niêm yết trên Trung tâm giao dịch chứng khoán. Việc thực hiện kế hoạch phải có tính pháp định. Doanh nghiệp nào không thực hiện đúng kế hoạch thì phải giải thể và Nhà nước cần chấm dứt mọi sự ưu đãi hoặc hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đó.

- Để cho giá bán cổ phiếu phản ánh chính xác hơn giá trị cổ phần và nhằm thúc đẩy sự phân tán sở hữu rộng rãi ra công chúng, ngoài số cổ phần ưu đãi bán cho người lao động và người cung cấp nguyên liệu, cần thực hiện bán toàn bộ số cổ phần còn lại qua tổ chức trung gian tài chính theo phương thức đấu giá hoặc bảo lãnh phát hành dù đối tượng mua cổ phiếu là ở trong hay ngoài doanh nghiệp. Phương án triệt để hơn là trước hết cần cho phép các chuyên gia của các tổ chức định giá chuyên nghiệp áp dụng các phương pháp thích hợp để định ra giá (khung giá) tham chiếu, sau đó tổ chức đấu giá toàn bộ cổ phần của công ty để xác định giá thị trường, trên cơ sở đó mới tính giảm giá 30% cho các đối tượng cần ưu đãi. Thực hiện theo phương án này các đối tượng ưu đãi không bị cấm bán cổ phiếu trong 3 năm đầu đồng thời lại tránh được việc thu mua cổ phiếu bất hợp pháp để thâu tóm ngầm công ty.

Một phần của tài liệu áp dụng các phương pháp tiên tiến trong xác định giá trị doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 101 - 103)