Phát triển các tổ chức định giá, đánh giá chuyên nghiệp

Một phần của tài liệu áp dụng các phương pháp tiên tiến trong xác định giá trị doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 121 - 124)

Bên cạnh các công ty kiểm toán và tư vấn tài chính là những công ty có chức năng định giá doanh nghiệp, các công ty chứng khoán, các ngân hàng đầu tư và các tổ chức chuyên môn định giá bất động sản hay thiết bị kỹ thuật khác cũng cần được phát triển để giúp cho quá trình định giá doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp hơn, chính xác hơn. Hiện nay nhờ có sự tham gia của các công ty chứng khoán qua các dịch vụ tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành cổ phiếu nhằm làm cho việc xác định giá cổ phiếu cũng như phân phối cổ phiếu khách quan hơn, đại chúng hơn, tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước ở nước ta được đẩy nhanh hơn. Công ty chứng khoán có thể tư vấn giúp doanh nghiệp xác định phương án cổ phần hoá từ việc xác định giá tài sản, xác định cơ cấu vốn, xác định thời điểm và lịch trình rút vốn của Nhà nước, đưa ra phương thức xử lý nợ tồn đọng, xây dựng điều lệ, thiết lập dự án đầu tư… Đến giai đoạn phát hành cổ phiếu, công ty chứng khoán có thể giúp doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chưa được công chúng quan tâm, bán cổ phiếu ra công chúng dưới hình thức đại lý phát hành hoặc bảo lãnh

phát hành. Do đó, cần coi trọng việc xây dựng một cách hoàn chỉnh và đồng bộ mạng lưới các công ty chứng khoán theo hướng kinh doanh đa năng như các ngân hàng đầu tư.

Hiện nay, ở nước ta đã có 55 công ty chứng khoán được thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần nghiên cứu để hoàn thiện như các vấn đề về mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, về quy trình nghiệp vụ, về chế tài cụ thể trong hoạt động kinh doanh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của các công ty chứng khoán mặc dù tiếp cận nhanh với công việc, năng động trong cơ chế thị trường song còn thiếu kinh nghiệm vì chưa được đào tạo có hệ thống và thiếu thực tế thị trường. Để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên nhanh chóng trên thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán phải có kế hoạch chủ động nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi hoạt động, chuẩn bị về cơ sở vật chất, về đội ngũ nhân viên cũng như về tổ chức hoạt động và quản lý của công ty mình.

Đồng thời, chính phủ nên cho phép các công ty chứng khoán nước ngoài hoạt động bảo lãnh phát hành tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với chủ trương thu hút vốn nước ngoài và tranh thủ sự chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xác định giá trị doanh nghiệp và phát hành chứng khoán. Sự tham gia của các công ty chứng khoán nước ngoài sẽ bổ sung thêm kinh nghiệm cho các công ty chứng khoán trong nước cũng như giúp chúng ta tận dụng được uy tín và mạng lưới khách hàng đầu tư nước ngoài của họ. Sự tham gia của các công ty chứng khoán nước ngoài còn góp phần hình thành nên các tổ chức tài chính mang tính chất của các ngân hàng đầu tư ở Việt Nam.

Bên cạnh các công ty chứng khoán hoạt động theo giấy phép của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, chính phủ đã cho phép các ngân hàng thương mại hoạt động theo hướng đa năng. Với ưu thế về vốn và mạng lưới chi nhánh rộng khắp, các ngân hàng là các định chế tài chính có khả năng cung cấp các

dịch vụ đặc biệt ngoài phạm vi bình thường của một ngân hàng thương mại, trong số các dịch vụ đặc biệt đó có dịch vụ tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành. Ngân hàng đầu tư có thể đóng vai trò chuyên gia cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính công ty, cung cấp cho doanh nghiệp những kiến thức chuyên môn về tài chính, từ việc huy động vốn, tổ chức lại công ty đến tư vấn về các dự án thâu tóm hay sát nhập với các công ty khác. Ngân hàng đầu tư còn rất có ưu thế đối với việc hướng dẫn doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạch định và kiểm soát tài chính như lập ngân sách, tính chi phí, định giá, dự báo nguồn thu nhập và quản lý tài sản… Tuy nhiên, đối với ngân hàng thương mại hoạt động đa năng trong lĩnh vực chứng khoán, có nhiều nguy cơ rủi ro từ lĩnh vực chứng khoán bị lan truyền sang lĩnh vực hoạt động ngân hàng thường mại, đe doạ vốn tiền gửi của công chúng. Vì vậy, chỉ có thể cho phép các ngân hàng thương mại hoạt động chứng khoán trong mô hình đa năng khi các ngân hàng thương mại này đã được củng cố vững chắc, có hệ thống kiểm soát nội bộ tốt và có sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Cuối cùng, cần phát triển các tổ chức định mức tín nhiệm. Tổ chức định mức tín nhiệm đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy công khai thông tin về doanh nghiệp. Thông qua việc đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp, xác định vị thế hiện tại của doanh nghiệp, tổ chức định mức tín nhiệm giúp các bên liên quan đưa ra dự báo về triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai, thấy được bức tranh tài chính của doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta chưa có một tổ chức định mức tín nhiệm nào. Do vậy, trong những năm tới Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cần phối hợp với các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài Chính thành lập một số tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam, hoặc liên doanh với nước ngoài để có thể vừa học được kinh nghiệm quốc tế và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, vừa có thể kiểm soát được hoạt động của các tổ chức này.

Để chuẩn bị môi trường hoạt động cho các tổ chức định mức tín nhiệm, chúng ta cần phải có một hệ thống chế độ kế toán, kiểm toán và chế độ công bố thông tin chuẩn mực. Sự hình thành và phát triển của các tổ chức này đang cần có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng trên cơ sở tháo gỡ những rào cản đối với các loại thị trường tài sản. Ngoài ra, phải xây dựng các tiêu chuẩn xếp hạng doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ chuyên gia đánh giá độ tín nhiệm để đảm bảo mức độ tin cậy của các đánh giá. Trên cơ sở đó, cần có quy định sử dụng định mức tín nhiệm trong việc đánh giá, phân loại doanh nghiệp, đặc biệt là khi phát hành trái phiếu ra công chúng.

Một phần của tài liệu áp dụng các phương pháp tiên tiến trong xác định giá trị doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 121 - 124)