Ngoài việc đánh giá các quá trình tự nhiên, các nhà CQH còn đánh giá giá trị kinh tế của tài nguyên, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư như mô hình đánh giá của B.M. Rabinovich (1997) [132]. Các nhà NCCQ đặc biệt chú trọng xu hướng phát triển của CQ hiện đại dưới tác động kĩ thuật của con người [130], [131]. Nhiều công trình đánh giá mức độ tác động của con người đến CQTN, đánh giá ĐKTN phục vụ nhu cầu phát triển của con người: mô hình đánh giá của L.I. Mukhina (1970) [131]; của A.M. Marinhich (1970); Đánh giá kinh tế TNTN của A.A. Minx (1980) [130]; mô hình đánh giá thiết kế lãnh thổ Cộng hòa Ucraina của Sisenko P.G (1983) và nhiều công trình khác [25]...
Có nhiều cách đánh giá CQ. Nhìn chung, các công trình thường đánh giá mức độ thích hợp (hay thuận lợi) của CQ (hay ĐKTN) đối với hoạt động sản xuất.
Phương pháp đánh giá bằng thang điểm tổng hợp. Cách tính điểm phổ biến là tính điểm theo công thức trung bình cộng (hoặc tổng điểm của các yếu tố thành phần) và trung bình nhân (hoặc tính tích điểm của các yếu tố thành phần). Mỗi cách tính đều có ưu nhược điểm nhất định.
Cách tính điểm theo công thức trung bình nhân có lợi thế là cho kết quả đánh giá có sự phân hóa rõ ràng giữa các CQ; giá trị trung bình nhân ổn định hơn trung bình cộng. Tuy nhiên, tích các điểm thành phần cho ra con số quá lớn, hoặc số lẻ (tính trung bình nhân) rất khó tính. Hơn nữa, nếu CQ chứa đựng yếu tố giới hạn, có một điểm thành phần bằng 0, thì tích các điểm thành phần của CQ đó cũng bằng 0, CQ đó bị xếp vào mức độ không thích hợp, mặc dù các yếu tố khác ở mức độ rất thích hợp. Vì vậy, không thể tính đến phương án cải tạo, khắc phục bất lợi của một hoặc một số yếu tố trong CQ đó như khi sử dụng công thức tính trung bình cộng.
Để đơn giản cho quá trình đánh giá, trước khi tiến hành, người đánh giá sẽ xác định yếu tố giới hạn của từng CQ đối với loại hình sử dụng và xếp vào mức không thích hợp, sau đó đánh giá cho các CQ còn lại. Mỗi đơn vị CQ (hay địa tổng thể) không phải là thuận lợi hoặc bất lợi một cách chung chung, mà chúng có mức độ khác nhau đối với một loại hình cụ thể. Vì vậy, khi ĐGCQ cần chỉ ra giá trị của chúng cho loại hình sản xuất nào. Vận dụng công thức trung bình cộng hay trung bình nhân còn tùy thuộc vào đối tượng đánh giá và chủ quan của người đánh giá.