TÌNH TRẠNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH – NÔNG THÔN 1 Tiềm năng liên kết phát triển nông nghiệp và du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu những giải pháp phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch quy mô hộ gia đình trên địa bàn tỉnh An Giang (Trang 58 - 61)

- Zeolit: Zeolit là loại vật liệu có khả năng hấp phụ các ion kim loại,

3.3 TÌNH TRẠNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH – NÔNG THÔN 1 Tiềm năng liên kết phát triển nông nghiệp và du lịch

Thứ nhất, so với các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long An Giang có ưu thế hơn hẳn về địa hình, đã góp phần tạo nên những dãy núi kỳ vĩ nằm chắn ở phía Tây, và dòng Mê Kông phóng khoáng ở hướng đông mang nguồn nước mát từ thượng nguồn Campuchia đổ xuôi ra biển. Chen ở giữa là một vùng tứ giác rộng lớn được khai thác cho nông nghiệp, du lịch với những nét đặc trưng rất riêng biệt. Mùa nước nổi, sông càng mênh mông. Mưa già làm cho núi rừng trở nên xanh thẳm. Vùng tứ giác hiền hòa cũng bắt đầu trỗi lên những giai điệu ngất ngây mang âm hưởng của hương đồng, cỏ nội. Đó là những bản hợp tấu về sắc màu, từ màu bông điên điển vàng, đến những đám rau thủy sinh non xanh như ngọc bích, hay đám sen, súng ửng hồng mặt nước… Tất cả đã hợp thành một bức tranh tổng thể đầy hấp dẫn về mùa nước nổi để ngành Du lịch khai thác ở nhiều góc độ và đem lại cho du khách bao điều thú vị.

Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của người dân thành thị muốn tận hưởng cuộc sống của người miền quê trong không gian đặc trưng của mùa nước nổi, Công ty Du lịch Lữ hành An Giang đã tập trung xây dựng các tour du lịch mùa nước nổi với các chuyến đi khám phá miền sông nước rất được đông đảo du khách ưa chuộng. Khách theo tour có thể ngồi thuyền dong ruỗi trên đồng với áo phao cẩn thận, để hướng dẫn viên hướng dẫn cách câu cá, hái bông điên điển, nhổ bông súng đồng v.v… Một trong những điểm tham quan chính là đến với rừng tràm Trà Sư ở xã An Hảo huyện Tịnh Biên. Đây là một trong những cánh rừng ngập nước đẹp nhất của khu vực Tây Nam Bộ. Đặc biệt là với những mùa nước lớn như năm nay, rừng càng bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn. Những cánh bèo cám bé li ti sinh sôi nhanh chóng trên mặt nước đã nối kết nhau lại thành một tấm thảm màu xanh ngọc bích làm cho cả khu rừng mênh mông như bừng sáng một sắc màu huyền ảo. Đẹp nhất là cảnh mặt trời lặn lúc chiều tà, để vương lại những ánh nắng lẻ loi xuyên qua cành lá như dát

vàng lên mặt nước. Bấy giờ chim cò cũng nháo nhác về tổ. Hàng ngàn âm thanh vui tai của tiếng đàn chim nhỏ gọi bầy, xen lẫn tiếng vỗ cánh, chao liệng trên mặt nước của những cánh chim to lớn và dạn dĩ, làm cho không gian chợt trở nên sống động lạ thường. Sau một vòng tham quan, du khách còn có thể lên đài quan sát ở độ cao 120 bậc thang để có thể nhìn toàn cảnh khu rừng. Qua một viễn vọng kính có độ phóng đại 40 lần, khách có thể quan sát được đàn chim cò hàng chục vạn con liên tục bay lên đáp xuống trong khúc luân vũ của buổi hoàng hôn ở cánh rừng tràm … Vẻ đẹp hoang dã ấy có sức cuốn hút mãnh liệt, khiến du khách vẫn còn cảm thấy nhiều tiếc nuối khi phải rời khu rừng.

Thứ hai, bên cạnh những danh lam thắng cảnh đẹp, toàn tỉnh An Giang hiện có 26 di tích xếp hạng di tích quốc gia và 35 di tích xếp hạng cấp tỉnh: Khu lưu niệm Tôn Đức Thắng (Long Xuyên), Miếu Bà chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An (thị xã Châu Đốc), Đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc (Tri Tôn), khu di chỉ Óc Eo (huyện Thoại Sơn)…

Thứ ba, An Giang có ưu thế về văn hóa, với những nét đẹp đan xen trong cộng đồng bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khơ-me. Tour du lịch mùa nước nổi tại An Giang cũng thường kết hợp đưa du khách đến với cộng đồng Chăm ở các địa phương như Châu Giang, Khánh Hòa, Phú Hiệp… Ở đó, ngoài việc được mua sắm các loại thổ cẩm, du khách còn được chiêm ngưỡng những ngôi thánh đường Hồi giáo đẹp như huyền thoại, những thiếu nữ Chăm cần mẫn ngồi dệt lụa bên khung cửi với tiếng thoi đưa lách cách, hoặc nghe những giai điệu bập bùng, sôi động của tiếng trống pa-ra-nưng hòa nhịp cùng những lời ca tiếng hát trong vắt, ngọt ngào của những đoàn ca nhạc dân tộc …

Thứ tư, một khi du khách đã chọn các khu du lịch biển làm điểm đến thì khả năng muốn được thưởng thức hải sản tươi sống ngay tại nơi nuôi trồng là một điều hầu như chắc chắn. Đến An Giang du khách có thể khám phá những

món ẩm thực mùa nước nổi vốn rất ngon và đặc sắc từ đồng nước. Món ăn thường được nhắc đến trong các nhà hàng sang trọng lẫn ngoài dân gian là cá linh và bông điên điển. Đây là hai sản vật được thiên nhiên ưu ái dành riêng cho vùng đất An Giang, với hương vị vô cùng đặc trưng. Cá linh khi còn non có thể kho lạt với tương hột, ăn với bông súng, bông điên điển bóp xổi, hoặc lớn hơn thì nấu canh chua với bông súng đồng. Món ăn từ cá linh mềm và cho vị ngọt thanh tao. Còn bông điển điển hái khi búp non vừa hé nụ, đem xào với tép đồng, vị ngọt rất đậm đà. Nhiều người ăn một lần rồi nghiện, cứ đến mùa phải tìm cho được món ăn dân dã nhưng độc đáo này.

Thứ năm, tiềm năng khai thác du lịch nông nghiệp là rất lớn. Mặc dù hiện tại thị phần du lịch cộng đồng chưa cao là do tỉnh An Giang mới triển khai du lịch cộng đồng trong vài năm gần đây. Nhưng số địa phương làm du lịch cộng đồng ngày càng gia tăng. Đây chính là cơ hội cho dịch vụ, du lịch nông nghiệp của dự án, để gia tăng thị phần trong những năm tới. Hơn thế nữa các nghiên cứu của ngành, cho thấy xu hướng du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái ngày càng thu hút khách hàng trên thế giới và tại Việt Nam. Tỉnh cũng đã quan tâm phát triển nhiều mô hinh du lịch để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như An Giang có nhiều mô hình du lịch độc đáo như du lịch cộng đồng-nghỉ qua đêm; du lịch làng nghề; du lịch leo núi; tham quan-mua sắm nơi biên giới. Hiện nay, có một điểm đến thật hấp dẫn và khá mới lạ cho những ai thích chiêm ngưỡng cảnh sông nước hữu tình; thưởng thức những món ăn dân dã tuyệt vời; nghe những bài ca vọng cổ mùi mẫn đến ngây ngất cõi lòng, đó là: Búng Bình Thiên, một điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu những giải pháp phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch quy mô hộ gia đình trên địa bàn tỉnh An Giang (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w