CHƯƠNG 6: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu nghiên cứu xây dựng quy hoạch môi trường huyện tân uyên tỉnh bình dương đến năm 2020 (Trang 99 - 100)

Thông qua kết quả nghiên cứu “Kế hoạch bảo vệ môi trường huyện Tân Uyên đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

Về chất lượng môi trường đất: về các chỉ tiêu kim loại nặng, môi trường đất trên địa bàn huyện Tân Uyên được đánh giá là tương đối tốt. Tất cả các chỉ tiêu về kim loại nặng trong các mẫu đất phân tích đều cho thấy không có sự ô nhiễm bởi kim loại nặng, chúng chỉ đóng vai trò là vi lượng trong đất. Ngoài ra, các hoạt động xây dựng, sản xuất công nghiệp, quá trình đô thị hóa, … của huyện cũng đã góp phần vào quá trình ảnh hưởng xấu đến môi trường đất.

Về chất lượng môi trường nước: trên địa bàn huyện Tân Uyên, nguồn nước mặt đang có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ nhẹ. Tình trạng ô nhiễm xảy ra chủ yếu ở những khu vực đông dân cư và quá trình phát triển công nghiệp diễn ra mạnh mẽ (tại các cống thoát nước của khu đô thị), các khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, … Đối với nước ngầm, qua những kết quả phân tích của các mẫu nước ngầm thu được trên địa bàn huyện, chúng tôi nhận thấy thông số pH trong nước ngầm thấp, dưới mức quy định của giới hạn và có dấu hiệu ô nhiễm nitrat. Các thông số khác cho kết quả phân tích tương đối tốt. Ngoài ra, trữ lượng nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt do tốc độ khai thác cao cho các mục đích sinh hoạt và kinh doanh dẫn đến hiện tượng thông tầng và ô nhiễm nguồn nước trong tương lai. Vấn đề cần quan tâm của môi trường nước ngầm trên địa bàn huyện Tân Uyên là phải có các biện pháp để ngăn ngừa sự tác động của nước thải từ các quá trình sản xuất và cần phải có kế hoạch khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn nước ngầm để phục vụ cho mục đích sử dụng lâu dài.

Đối với môi trường không khí: môi trường không khí xung quanh trên địa bàn huyện có một số vấn đề cần quan tâm như: chỉ tiêu bụi và tiếng ồn tại các khu vực khai thác đá, cát, các trục lộ giao thông chính và các vị trí tập trung cư dân, gần chợ; khói bụi từ các cơ sở sản xuất gạch thủ công, hiện trên địa bàn huyện có 160 lò gạch sản xuất thủ công, không có hệ thống thu gom và xử lý khí thải. Bụi và tiếng ồn là những tác nhân mà khi chúng xuất hiện sẽ phát tán vào không khí rất nhanh, không thể xử lí được và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người. Đây là những tác động trực tiếp đến con người mà mỗi chúng ta đều rất khó có thể tránh được khi sống trong môi trường ô nhiễm. Trước hiện trạng đó, chúng ta cần phải có các biện pháp để giảm thiểu tối đa sự phát tán của chúng vào môi trường không khí như trồng các dải cây xanh, nâng cấp các cơ sở sản xuất gạch gói bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất cũng như có quy hoạch cụ thể việc phát triển hoạt động sản xuất gạch này.

Trước diễn biến về chất lượng môi trường đất, nước, không khí của huyện như hiện nay. Nếu không có các giải pháp hỗ trợ kịp thời thì môi trường huyện đến năm 2015 và 2020 sẽ được dự báo chịu ảnh hưởng mạnh từ lượng chất thải rắn, nước thải, khí thải phát sinh trong các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt ngày hàng ngày. Vấn đề càng ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát. Cần có một chiến lược, một kế hoạch cụ thể để vừa có thể phát triển kinh tế, xã hội vừa bảo vệ được môi trường, tạo nên sự phát triển bền vững. Nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững, việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường là cần thiết và cấp bách nhất hiện nay, cần tiến hành thực hiện quy hoạch môi trường huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương nhằm bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững về mọi phương diện.

Một phần của tài liệu nghiên cứu xây dựng quy hoạch môi trường huyện tân uyên tỉnh bình dương đến năm 2020 (Trang 99 - 100)