0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (100 trang)

Hiện trạng chất lượng nước ngầm

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG QUY HOẠCH MÔI TRƯỜNG HUYỆN TÂN UYÊN TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020 (Trang 45 -50 )

CHƯƠNG 3 HIỆN TRẠNG TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG HUYỆN TÂN UYÊN

3.2.2.2. Hiện trạng chất lượng nước ngầm

Đối với mẫu nước ngầm, nhóm nghiên cứu chúng tôi cũng đã tiến hành thu thập 32 mẫu nước từ các hộ gia đình cũng như tại một số UBND và phân tích các chỉ tiêu pH, độ cứng, độ đục, sắt tổng, clorua, nitrat, amoniac, Asen, Thủy ngân, E.coli. Kết quả phân tích được so sánh với QCVN 09:2008/BTNMT để đánh giá chất lượng nước ngầm trên địa bàn huyện

Đối với các chỉ tiêu phân tích, một số chỉ tiêu về chất lượng nước ngầm tại một số mẫu vượt giới hạn trong QCVN 09:2008/BTNMT cần phải quan tâm như: thông số pH, Nitrat, độ cứng. Các chỉ tiêu còn lại đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn.

Về thông số pH

Hình 3.15: Giá trị pH trong mẫu nước ngầm đợt 2

Đợt lấy mẫu 1, có tới 9/17 mẫu có giá trị pH nằm ngoài giới hạn cho phép của quy chuẩn (5.5 – 8.5) và nghiêng về môi trường acid. Mẫu có giá trị pH thấp nhất là 4.1(ấp Cây Đa, Thạnh Phước)

Đợt lấy mẫu 2, trong tổng số 15 mẫu có 9 mẫu có giá trị pH thấp hơn giới hạn của quy chuẩn. Mẫu có giá trị pH nhỏ nhất là 3.7 tại ấp 3A, xã Khánh Bình.

Nhìn chung về chỉ tiêu pH, đa phần các mẫu có môi trường nghiêng về acid. Các mẫu có giá trị dưới 4.5 tập trung ở các xã Bình Chánh, Bình Mỹ, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa và xã Thạnh Phước. Điều này cho thấy ở các khu vực này, nước ngầm cần quan tâm và tìm hiểu nguyên nhân đặc biệt là về cấu tạo địa chất khu vực, các nguồn ô nhiễm hữu cơ có khả năng thấm qua đất vào tầng nước nông.

Như vậy để sử dụng cho mục đích sinh hoạt cũng như các mục đích khác của con người, cần phải có biện pháp xử lý đạt yêu cầu trước khi sử dụng.

Về giá trị Nitrat

Giá trị Nitrat thể hiện sự ô nhiễm hữu cơ trong nước ngầm. Đối với 32 mẫu thu được trên địa bàn huyện có tới 23 mẫu cho giá trị nitrat vượt quy chuẩn từ 2 đến 5.5 lần. Trong đó có sự khác biệt rõ giữa hai đợt lấy mẫu. Đợt lấy mẫu thứ 2 vào đầu mùa mưa, hàm lượng nitrat có xu hướng tăng hơn so với đợt 1.

Hình 3.16: Giá trị Nitrat trong mẫu nước ngầm đợt 1

Đợt lấy mẫu 1, có 10/17 mẫu có hàm lượng nitrat cao hơn từ 1 đến 4 lần so với quy chuẩn. Mẫu có giá trị nitrat cao nhất là mẫu lấy tại số nhà 728 Tổ 23, ấp 5, xã Thường Tân (57.16mg/l). Mẫu có giá trị nitrat nhỏ nhất là mẫu thu được tại UBND xã Hiếu Liêm (3.27 mg/l)

Hình 3.17: Giá trị Nitrat trong mẫu nước ngầm đợt 2

Đợt lấy mẫu 2, trong tổng số 15 mẫu thu được có tới 13 mẫu có giá trị nitrat cao hơn quy chuẩn và gấp từ hơn 1 đến 5.5 lần. Mẫu cho giá trị cao nhất là mẫu thu được tại ấp 3A, xã Khánh Bình (82.80mg/l). Đa số các mẫu đều có giá trị nitrat trong khoảng từ 38mg/l đến 80mg/l)

Đây là nguồn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và được khuyến cáo tóm tắt như sau:

Sử dụng nguồn nước bị nhiễm nitrat là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, đặc biệt là trẻ em dưới sáu tháng tuổi tạo nên Hội Chứng Trẻ Xanh (Blue Baby Syndrome) có tên khoa học là methemoglobin huyết (Methe moglobinemia). Nitrate khi xâm nhập vào cơ thể trẻ em được các vi khuẩn trong cơ quan tiêu hóa hoán chuyển thành Nitrite và chất sau nầy hợp với Huyết Cầu Tố (Hemoglobin) trong máu tạo thành Methemoglobin, do đó giảm thiểu lượng Huyết Cầu Tố và khả năng chuyên chở Oxygen của chất nầy trong cơ thể. Do sự thiếu Oxygen trong cơ thể, da đổi màu xanh do đó có tên là Hội Chứng Trẻ Xanh. Số tử vong do hội chứng này tương đối hiếm, nhưng các di hại lâu dài cho đến hôm nay vẩn còn trong vòng nghiên cứu. Tuy nhiên một số trường hợp ung thư đường tiêu hóa đã được chứng minh là do sự tiêm nhiễm Nitrate trong thời gian dài (Kross B.C. - Am. J. Public Health 83:270-272-1993). (Theo khuyến cáo của UNICEF Liên Hiệp Quốc)

Cơ quan Bảo Vệ Môi Trường (USEPA) cũng đã khuyến cáo dân chúng biết là hai nguồn nguy hại căn bản trong nước sinh hoạt hàng ngày là Vi Khuẩn và Nitrate. Khi phụ nữ mang thai dùng nước chứa nhiều Nitrate, thai nhi sẽ bị ảnh hưởng. Một số phát hiện đã được kiểm chứng như sau: hệ thống thần kinh của trẻ sơ sinh bị đảo lộn, mầm ung thư có từ trong bào thai, tim bị tổn thương, sinh thiếu tháng và không đủ cân lượng.

Như vậy, đánh giá chất lượng nước ngầm thông qua thông số nitrat thì nước ngầm trên địa bàn huyện đã bị ô nhiễm hữu cơ tương đối nghiêm trọng. Để sử dụng những giếng nước này cần phải có các biện pháp để xử lý đạt quy chuẩn cho phép (15mg/l).

Amoniac, E.Coli

Về thông số Amoniac: Trong tổng số 17 mẫu lấy đợt 1, không thấy có bất kì một mẫu nào có sự hiện diện của thông số gây ô nhiễm này. Tuy nhiên, ở 15 mẫu lấy đợt 2 đã thấy sự hiện diện của thông số này trong nước ngầm. Tuy hàm lượng rất nhỏ (0.0017mg/L đến 0.0460mg/L) trong khi giới hạn của quy chuẩn là 0.1mg/L nhưng đây cũng là thông số cho thấy nước ngầm trên địa bàn có dấu hiệu của sự ô nhiễm hữu cơ.

Về thông số E.Coli: Đây là thông số đặc trưng cho sự nhiễm phân trong nước. 100% số mẫu đều cho kết quả phân tích chỉ tiêu này bằng 0MPN/100mL. Như vậy chỉ tiêu này trong nước ngầm đạt chuẩn sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Độ cứng

Giá trị độ cứng trong nước ngầm được QCVN 09:2008/BTNMT quy định là 500 mgCaCO3/l.

Hình 3.18: Giá trị Độ cứng trong mẫu nước ngầm đợt 1

Hình 3.19: Giá trị Độ cứng trong mẫu nước ngầm đợt 2

Về thông số này, nhìn chung chất lượng nước ngầm trên địa bàn huyện tương đối tốt. Trong tổng số 32 mẫu nước ngầm được lấy trong 2 đợt, duy chỉ có mẫu tại UBND xã Hiếu Liêm (đợt 1) và ở khu 1, Thị trấn Uyên Hưng (đợt 2) có hàm lượng tổng độ cứng cao hơn quy chuẩn.

Về Kim loại nặng

Về các thông số kim loại nặng trong nước ngầm, chúng tôi tiến hành phân tích hàm lượng của sắt, thủy ngân và asen.

Đối với thông số ô nhiễm sắt: trong tổng số 32 mẫu lấy vào cả 2 đợt, chỉ có 3 mẫu lấy ở đợt 1 có xuất hiện sắt nhưng nồng độ rất nhỏ. Cụ thể: Tổ 1, ấp Bình Hưng, xã

Bạch Đằng (0.25m/l); 6 tổ 7, ấp 4, Tân Thành (0.50mg/l) và UBND xã Hiếu Liêm (0.22mg/L). trong khi đó giới hạn cho phép của quy chuẩn là 5mg/l.

Đối với thông số ô nhiễm thủy ngân: trong tổng số 32 mẫu thu nhận trên địa bàn xã, không có mẫu nào có sự hiện của thủy ngân. Đây là nguyên tố độc hại hàng đầu với hệ thần kinh, não bộ của con người.

Đối với thông số ô nhiễm asen: hầu hết các mẫu đều có sự hiện diện của asen. Tuy nhiên hàm lượng Asen trong các mẫu rất nhỏ, từ 0.001mg/L đến 0.008mg/L. Trong khi đó giới hạn của quy chuẩn là 0.05mg/L.

Như vậy, đánh giá chất lượng nước ngầm qua thông số kim loại nặng ta thấy nước ngầm trên địa bàn huyện tương đối tốt.

*) Nhận xét chung về chất lượng nước ngầm

Như vậy chất lượng nước ngầm của Tân Uyên được đánh giá khá tốt, hầu hết các thông số đều nằm trong giá trị cho phép, mức độ vượt tiêu chuẩn ở các thông số ô nhiễm không cao. Đặc biệt các giá trị về E.Coli, thủy ngân, Asen, amonia, sắt (không phát hiện hoặc rất ít) và độ cứng (thấp) cho thấy chất lượng nước đáp ứng nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên giá trị về pH, nitrat còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tự nhiên (cấu tạo địa chất) hoặc nhân tạo (rò rỉ chất thải vào tầng nước ngầm) làm giảm giá trị pH. Như vậy để sử dụng nước ngầm hiệu quả và không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng phải có biện pháp điều chỉnh pH phù hợp với quy chuẩn (pH= 5,5-8,5)

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG QUY HOẠCH MÔI TRƯỜNG HUYỆN TÂN UYÊN TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020 (Trang 45 -50 )

×