CHƯƠNG 3 HIỆN TRẠNG TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG HUYỆN TÂN UYÊN
5.3.2. Vấn đề khai thác khoáng sản
Khoáng sản huyện Tân Uyên rất đa dạng như: Cao lanh, Đất sét, Than bùn, Đá cuội, Cát vàng … phân bố nhiều nơi Tân Mỹ, Vĩnh Tân, Khánh Bình, Tân Phước Khánh, Tân Hiệp, Tân Ba, Thường Tân, sông Đồng Nai. Bên cạnh những đóng góp vào sự phát triển kinh tế của huyện thì các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản cũng gây ra những hậu quả không tốt tới môi trường.
* Ô nhiễm không khí, nguồn nước
Phương pháp khai thác tại các mỏ hiện nay chủ yếu là khai thác lộ thiên bằng cơ giới hoặc thủ công. Yếu tố chính gây tác động đến môi trường là tại các mỏ và trên đường vận chuyển nguyên liệu, bãi thải làm phát sinh ô nhiễm không khí: tiếng ồn, bụi. Nồng độ bụi và tiếng ồn ở tại các mỏ khai thác vượt quá tiêu chuẩn cho phép như: Mỏ đá tại Hóa An xã Thường Tân, DNTN TMDV và XD Thạnh Phước, Mỏ đá công ty cổ phần đá hoa Tân An xã Lạc An, Bãi khai thác cát. Bên cạnh đó sau khi thai thác không thực hiện việc hoàn thổ, khôi phục hiện trạng môi trường tự nhiên. Để lại những hố trũng lớn, lâu ngày nước đọng lại làm ảnh hường đến môi trường sống của sinh vật cũng như tăng khả năng gây tác hại đến môi trường nước ngầm của các tác nhân khác. * Ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác
Hoạt động khai thác khoáng sản là một trong những nguyên nhân làm giảm độ che phủ. Nguyên nhân do lớp phủ thực vật bị suy giảm, đất đai bị thoái hoá, dẫn đến tiềm ẩn nhiều tai biến địa chất. Trong mùa mưa, phần đất đá không kết dính chắc thường bị trôi lấp, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, giảm khả năng canh tác đất nông nghiệp. Quá trình rửa trôi làm thay đổi dòng chảy gây ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường nước (gồm nước ngầm, nước mặt); bề mặt đất đai, thổ nhưỡng bị biến dạng; lớp đất phủ bị phá huỷ, diện tích đất canh tác bị thu hẹp.
Nhiều khu vực mỏ đã kết thúc khai thác, nhưng việc hoàn thổ chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình. Việc dự trữ lớp đất mặt (lớp đất phủ là đất trồng trọt trong khu vực khai thác mỏ không được phục hồi mà bóc đổ đi cùng đất, đá thải theo trình tự bóc đất) đã dẫn đến suy thoái đất; gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng, làm cho mùa màng bị suy giảm năng suất cũng như công việc phục hồi đất sau này gặp rất nhiều khó khăn và chi phí tốn kém. Hoạt động khai thác khoáng sản cũng làm cho động vật, thực vật bị giảm số lượng do các điều
kiện sống thay đổi theo hướng không có lợi. Nguồn lợi thuỷ sản và lâm sản bị giảm sút đáng kể.
Các hoạt động khai thác cát, sỏi ở lòng sông trái phép, tại các tuyến sông trên địa bàn huyện đã gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đó là việc gây sạt lở đất canh tác của nhân dân, mất trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; sạt lở các hệ thống kè đá và đe doạ sự an toàn của các tuyến đê; lượng cát chất thải quá cao tại các bãi chứa gây cản trở dòng chảy trong mùa mưa lũ và gây ô nhiễm môi trường sinh thái ...
* Ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động và cộng đồng dân cư
Các hoạt động khai thác khoáng sản đã làm cho không khí bị ô nhiễm do khí thải và bụi từ các hoạt động khoan nổ mìn, xúc bốc, vận tải và chế biến gây ra. Kết quả kiểm tra tại một số mỏ cho thấy, tại tất cả các khâu của dây chuyền công nghệ khai thác và chế biến đều gây ra hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép.
Hoạt động khai thác khoáng sản như trên đã ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người lao động và cuộc sống của cộng đồng dân cư xung quanh. Để các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản giảm đến mức thấp nhất sự tác động đến môi trường, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản trên các phương tiện thông tin đại chúng cho mọi người dân nói chung và các tổ chức tham gia hoạt động khoáng sản nói riêng.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản. Nhất là việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. - Củng cố và tăng cường đội ngũ thanh tra khoáng sản, thanh tra môi trường
có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm và nhiệt tình để làm công tác thanh tra, kiểm tra.
- Bổ sung quyền hạn cho thanh tra viên, tăng mức phạt cho mỗi hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
- Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra. - Chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra để kịp thời ngăn
chặn, giải toả các khu vực khai thác khoáng sản trái phép.
- Cần có sự phối hợp thường xuyên giữa cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và cơ quan quản lý môi trường cũng như với chính quyền các địa phương nơi có các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản
trong công tác bảo vệ môi trường đối với các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
- Cơ quan quản lý tài nguyên khoáng sản và các ngành có liên quan cần lập quy hoạch các khu vực được phép khai thác cát, sỏi lòng sông và đất phù sa bãi bồi dùng để sản xuất gạch, từng bước đưa hoạt động này vào nề nếp. - Các tổ chức và cá nhân được cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản
phải thường xuyên tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, nghiên cứu các công nghệ mới để đưa vào khai thác, chế biến khoáng sản nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc khai thác, chế biến khoáng sản tới môi trường.
- Yêu cầu tất cả các tổ chức và cá nhân có các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phải thực hiện việc ký quỹ để phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo Thông tư liên tịch số 126/1999/TTLT - BTC - BCN - BKHCNMT, ngày 22/10/1999 của Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (hay là Bộ Tài nguyên và Môi trường).
- Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường gây tác động xấu tới môi trường sống của nhân dân. Nếu tổ chức, cá nhân nào cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản thì phải thu hồi giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản, nếu vi phạm nghiêm trọng phải đưa ra truy tố trước pháp luật.
- Hàng năm, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường cân có tổng kết, đánh giá công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản để rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương và khen thưởng đối với những tổ chức và cá nhân có thành tích bảo vệ môi trường.
Bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoán sản. Thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các hoạt động khai thác khoáng sản. Các mỏ khoáng sản phải thực hiện việc hoàn thổ, khôi phục hiện trạng môi trường tự nhiên sau khi kết thúc quá trình khai thác.
Tình hình sạt lở trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn Tân Uyên vẫn đang diễn biến phức tạp, chủ yếu tập trung tại các xã có tình trạng khai thác cát lậu như Thạnh Phước, Thạnh Hội... làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái dưới nước.