CHƯƠNG 3 HIỆN TRẠNG TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG HUYỆN TÂN UYÊN
3.2.1.2. Hiện trạn gô nhiễm tài nguyên nước mặt
Nước mặt huyện Tân Uyên đóng vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt cũng như các hoạt động sản xuất của con người trên địa bàn huyện. Để đánh giá chất lượng nước mặt, nhóm nghiên cứu chúng tôi tiến hành lấy 32 mẫu nước mặt (2 đợt) và phân tích một số thông số như: pH, độ đục, clorua, sắt tổng, COD, nitrat, amoniac, coliform tổng. Các kết quả phân tích được nhận xét, đánh giá dựa trên quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2008/BTNMT với giá trị lựa chọn là cột A1 (sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt và các mục đích khác). Và được nhận xét cụ thể như sau:
Về giá trị pH
Hình 3.3: Giá trị pH trong mẫu nước mặt đợt 2
Nhìn vào đồ thị thể hiện pH của 32 mẫu nước mặt ta thấy: vào đợt lấy mẫu thứ nhất (mùa mưa) có 2/17 mẫu, đợt 2 có 2/15 mẫu có giá trị pH nằm ngoài giới hạn cho phép của QCVN 08:2008/BTNMT loại A1 (pH = 6 ÷ 8.5). Hai giá trị nằm ngoài giới hạn của quy chuẩn này đều ở cùng các vị trí lấy mẫu ở cả hai đợt (Cầu Bình Cơ, ấp3, xã Hội Nghĩa pH = 5.9 ở cả 2 đợt và Cầu Trại Cưa, xã Vĩnh Tân pH =5.7(đợt 1) và 5.6 (đợt 2)). Số lượng mẫu còn lại đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn, các mẫu đều có gí trị pH nằm trong khoảng 6.0 đến 7.0. Như vậy nếu tính riêng chỉ tiêu về thông số pH thì nguồn nước mặt của huyện được đánh giá tương đối tốt.
Về giá trị COD
Hình 3.4: Giá trị COD trong mẫu nước mặt đợt 1
Như vậy, về giá trị COD của các mẫu nước mặt chúng ta thấy, 100% các mẫu đều có giá trị COD vượt QCVN 08:2008/BTNMT cột A1(10mg/l) từ hơn 1.5 đến hơn 9.5 lần. Cụ thể đối với mỗi đợt lấy mẫu như sau:
- Đợt lấy mẫu 1, hầu hết các mẫu đều có giá trị COD trong khoảng từ 16 mg/l đến 48mg/l, vượt QCVN 08:2008/BTNMT cột A1(10mg/l) từ hơn 1.5 đến gần 5 lần. Cá biệt tại vị trí lấy mẫu Cầu Bến Sắn, xã Tân Hiệp có giá trị COD tới 84mg/L vượt gần 8.5 lần cột A1 của quy chuẩn.
- Đợt lấy mẫu 2, đa số các mẫu phân tích đều có giá trị COD trong khoảng từ 16mg/l đến 32mg/l, vượt QCVN 08:2008/BTNMT cột A1(10mg/l) từ hơn 1.5 đến hơn 3 lần. Đặc biệt tại vị trí Cầu Trại Cưa, xã Vĩnh Tân, giá trị COD lên tới 96mg/L vượt hơn 9.5 lần cột A1 của quy chuẩn.
Về giá trị Clorua
Nhìn chung hàm lượng clorua có trong các mẫu nước mặt thu được rất thấp, ở cả 2 đợt lấy mẫu, hàm lượng clorua dao động từ 2.13mg/l đến 31.24mg/l, nhỏ hơn giới hạn cho phép của QCVN 08:2008/BTNMT (cột A1)(250mg/l) rất nhiều lần.
Về giá trị Nitrat
Hình 3.7: Giá trị Nitrat trong mẫu nước mặt đợt 2
Giá trị nitrat là thông số dùng để đánh giá mức độ ô nhiễm hữu cơ của nguồn nước. 100% các mẫu phân tích đều cho giá trị nitrat vượt QCVN 08:2008/BTNMT (cột A1, 2mg/l) từ 2 đến 18 lần. Giá trị này có sự khác nhau giữa 2 đợt lấy mẫu. Đợt 2 (đầu mùa mưa), giá trị pH ở các mẫu phân tích cao hơn mùa khô. Cụ thể như sau:
- Đợt 1, hàm lượng nitrat dao động từ 5.4mg/l đến 21.6mg/l, vượt QCVN 08:2008/BTNMT (cột A1) xấp xỉ 3 đến 11 lần. Cao nhất tại cầu Khánh Vân, xã Khánh Bình, thấp nhất là mẫu thu được tại Suối Con, ấp Tân Bình xã Tân Hiệp.
- Đợt 2, hàm lượng nitrat dao động trong khoảng từ 4.1mg/l đến 35.2mg/l, vượt QCVN 08:2008/BTNMT (cột A1) xấp xỉ 2 đến 18 lần. Cao nhất là mẫu thu được tại Cầu Bến Sắn xã Tân Hiệp với nồng độ NO3- phân tích lên tới 35,2 mg/l và thấp nhất là 4,1 mg/l ở 2 điểm Hồ Đá Bàn, xã Đất Cuốc và Bến đò Lạc An, Xã Lạc An
Về hàm lượng Sắt tổng
Đa số các mẫu nước mặt phân tích đều cho kết quả hàm lượng sắt tổng trong khoảng từ 0mg/L đến 0.78 1mg/L. Riêng mẫu tại vị trí Suối Khánh Vân, xã Khánh Bình có hàm lượng sắt tổng cao đột biến (1088 mg/L) trong khi giá trị cho phép A1 của QCVN 08:2008/BTNMT. Cụ thể hàm lượng sắt tổng ở các mẫu vào 2 đợt lấy mẫu như sau:
Hình 3.8: Giá trị Sắt tổng trong mẫu nước mặt đợt 1
Hình 3.9: Giá trị Sắt tổng trong mẫu nước mặt đợt 2
Nhìn vào đồ thị trên ta thấy, hàm lượng sắt tổng có sự khác biệt giữa 2 đợt lấy mẫu. Đợt 1, giá trị sắt tổng trong các mẫu cao hơn so với đợt 2 và có tới 6/17 mẫu vượt quy chuẩn trong khi đó ở lần lấy mẫu 2, chỉ có 2/15 mẫu cho giá trị bằng và cao hơn không đáng kể quy chuẩn. Hàm lượng sắt tổng tại 8 vị trí lấy mẫu có giá trị cao hơn quy chuẩn. Điều này cũng phù hợp với điều kiện địa chất, địa hình của huyện. Riêng tại mẫu lấy ở cầu Suối Khánh Vân, xã Khánh Bình (đợt 1), hàm lượng sắt tổng cao đột biến, cần phải được điều tra, khảo sát cụ thể mới có thể kết luận được chính xác nguyên nhân của sự đột biến này.
Độ đục
Tuy trong quy chuẩn không đề cập tới thông số độ đục nhưng với 32 mẫu thu thập được trên địa bàn huyện, chúng tôi nhận thấy độ đục của hơn 1/2 số mẫu cao hơn 50NTU, lớn nhất đạt 300.8 NTU (Cầu Bến Sắn, xã Tân Hiệp).
Hình 3.10: Giá trị Độ đục trong mẫu nước mặt đợt 1
Hình 3.11: Giá trị Độ đục trong mẫu nước mặt đợt 2
Các mẫu nước mặt cho giá trị độ đục cao cho chúng ta thấy quá trình lưu thông nước mặt của huyện xảy ra thường xuyên, tốc độ dòng chảy không nhỏ nên đã kéo theo lượng phù sa, làm giảm độ trong của nước.
Do trong quy chuẩn không đề cập tới thông số này nên việc đánh giá chất lượng của nước mặt của chúng tôi thông qua thông số này chưa được thực hiện.
Hóa chất bảo vệ thực vật
Trong tổng số 32 mẫu nước mặt phân tích, mặc dù các thông số về hóa chất bảo vệ thực vật: Hợp chất PCB, Thuốc trừ sâu Clo hữu cơ, Thuốc trừ sâu lân hữu cơ không thấy phát hiện trong các mẫu nước mặt nhưng đây là khu vực có hoạt động sản xuất nông nghiệp nên vấn đề này cần được quan tâm lâu dài. Bởi chỉ với lượng rất nhỏ hóa chất loại này cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, gây hại cho con người và các loài động vật
Coliform
Đây là thông số đặc trưng về ô nhiễm vi sinh, QCVN 08:2008/BTNMT (cột A1) quy định giá trị này không được vượt mức 2500 MPN/100mL.
Trong tổng số 32 mẫu lấy tại 2 đợt, chỉ có 3/17 mẫu lấy đợt 1 có hàm lượng Coliform bằng và cao hơn tới gần 2 lần quy chuẩn. Cao nhất là giá trị Coliform đo được ở cầu Khánh Vân, xã Khánh Bình (4550MPN/100mL)
Hình 3.12: Giá trị Coliform trong mẫu nước mặt đợt 1
Hình 3.13: Giá trị Coliform trong mẫu nước mặt đợt 2
Vào đợt lấy mẫu 2, 100% các mẫu đều có hàm lượng coliform rất nhỏ, nhỏ hơn nhiều so với quy chuẩn.
Về thông số ô nhiễm vi sinh, nguồn nước mặt được đánh giá là tương đối tốt, có thể sử dụng cho các hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt của con người sau khi được xử lý sơ bộ.
*Nhận xét chung về chất lượng nước mặt
Nguồn nước mặt của huyện Tân Uyên có vai trò rất quan trọng trong sản xuất và đời sống của người dân. Hiện tại, các nguồn nước mặt ở huyện Tân Uyên là nơi tiếp nhận nước thải từ các cụm và khu công nghiệp cũng như các cơ sở xí nghiệp sản xuất chưa có hệ thống thu gom và xử lý hoàn chỉnh. Bên cạnh đó việc sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, sự gia tăng của một lượng lớn nhà trọ cho công nhân trong khu vực huyện dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm hữu cơ, vi sinh. Tuy nhiên kết quả phân tích chất lượng nước mặt tại một số vị trí nêu trên cho thấy:
- Mức độ ô nhiễm của các mẫu nước chưa đến mức báo động nghiêm trọng. - Nước ô nhiễm về các thông số liên quan đến hữu cơ.
- Vi sinh trong nước không quá cao. - pH đạt tiêu chuẩn cho phép.
Như vậy qua các kết quả trên, chúng tôi có thể nhận định nước mặt ở huyện Tân Uyên còn khá tốt, tuy có dấu hiệu ô nhiễm về một vài thông số cũng như một số mẫu cho kết quả vượt quy chuẩn ở nhiều chỉ tiêu nhưng xét về tổng thể mức độ ô nhiễm chưa nghiêm trọng và diện ô nhiễm chưa lan rộng. Để sử dụng trực tiếp cho sinh hoạt của người dân thì nguồn nước mặt phải được xử lí bằng các biện pháp đạt tiêu chuẩn.
Tuy nhiên với hiện trạng sử dụng và bảo vệ nguồn nước mặt như hiện nay, việc thực hiện các biện pháp hạn chế, ngăn ngừa ô nhiễm cũng như những kế hoạch bảo vệ dài hơi co nguồn nước này là việc nên làm và không thể chậm trễ.