Nguồn vốn bên ngoài doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Trang 46 - 48)

- Đối với lĩnh vực Công nghiệp Xây dựng

4. Phương pháp nghiên cứu của luận văn

2.2.2.2. Nguồn vốn bên ngoài doanh nghiệp

* Tín dụng ngân hàng

Là hình thức doanh nghiệp vay vốn dưới các hình thức cụ thể như: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các ngân hàng thương mại. Đây là mối quan hệ tín dụng giữa một bên đi vay và một bên cho vay.

Với hình thức này doanh nghiệp có thể huy động được một lượng vốn lớn, đúng hạn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng vốn doanh nghiệp phải tính toán trả nợ ngân hàng theo đúng tiến độ, kế hoạch, phải có tài sản thế chấp và chịu sử kiểm soát của ngân hàng.

* Tín dụng thương mại

Đây là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa, trả góp, trả chậm, …

Tín dụng thương mại được cấp giữa các doanh nghiệp quen biết, dựa vào uy tín nên có lợi thế là thủ tục nhanh gọn. Ngoài ra, đây là loại tín dụng không có tài sản đảm bảo nên đỡ tạo áp lực đối với doanh nghiệp

Tuy nhiên, tín dụng thương mại là hình thức tín dụng của các nhà cung cấp, vì vậy quy mô của vốn tín dụng thương mại chỉ giới hạn trong quy mô hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp sẽ mua.

* Gọi hùn vốn qua phát hành cổ phiếu

Gọi hùn vốn qua phát hành cổ phiếu là hình thức doanh nghiệp được cung ứng vốn trực tiếp từ thị trường chứng khoán. Hình thức cung ứng vốn này có đặc trưng cơ bản là tăng vốn mà không làm tăng nợ bởi những người sở hữu cổ phiếu trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể gọi vốn từ việc phát hành 2 loại cổ phiếu là: cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi

Cổ phiếu thường có đặc điểm là cổ tức không cố định phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người nắm giữ cổ phiếu thường được quyền biểu quyết bầu ra hội đồng quản trị, được yêu cầu trình báo cáo kết quả kinh doanh nhưng khi doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể người nắm giữ cổ phiếu thường được thanh toán sau cùng.

Cổ phiếu ưu đãi có đặc điểm là cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi không được biểu quyết bầu ra hội đồng quản trị, được ưu tiên thanh toán trước cổ phiếu thường trong trường hợp công ty phá sản hoặc giải thể.

Để được phát hành cổ phiếu thì doanh nghiệp phải là công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa.

Hình thức huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu có ưu điểm là huy động được nguồn vốn lớn ban đầu và dễ dàng tăng vốn trong quá trình kinh doanh, quyền sở hữu tách rời quyền sử dụng vốn nên bộ máy quản trị doanh nghiệp được chủ động sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Tuy nhiên, hình thức hùn vốn bằng phát hành cổ phiếu cũng có hạn chế là khi thừa vốn doanh nghiệp không thể hoàn trả lại được nên phải rất thận trọng tính toán và cân nhắc.

* Vay vốn bằng phát hành trái phiếu

Hình thức vay vốn bằng phát hành trái phiếu là hình thức cung ứng vốn trực tiếp từ công chúng: doanh nghiệp phát hành lượng vốn cần thiết với hình thức trái phiếu với kỳ hạn xác định và bán cho công chúng.

Hình thức huy động vốn từ phát hành trái phiếu mang đặc trưng rất cơ bản là tăng vốn gắn với tăng nợ của doanh nghiệp.

Chỉ có công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mới được phép phát hành trái phiếu. Hình thức huy động này có ưu điểm chủ yếu là: Có thể huy động được một lượng vốn lớn cần thiết, chi phí kinh doanh sử dụng vốn không cao hơn vay ngân hàng, không bị người cung ứng vốn kiểm soát và doanh nghiệp có thể lựa chọn loại trái phiếu thích hợp. Tuy nhiên, hình thức này cũng có hạn chế là đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm chắc các kỹ thuật tài chính để tránh áp lực nợ đến hạn mà vẫn có lợi nhuận đặc biệt là khi kinh tế suy thoái, lạm phát cao.

Ngoài các nguồn huy động chủ yếu trên doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn từ các nguồn khác như: nguồn vốn ODA, nguồn vốn FDI, quỹ hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, liên doanh, liên kết, thuê mua, …

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(152 trang)
w