Giải quyết nhanh chóng thành phẩm tồn kho, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Trang 138 - 142)

- Đối với lĩnh vực Công nghiệp Xây dựng

4. Phương pháp nghiên cứu của luận văn

4.2.1.6. Giải quyết nhanh chóng thành phẩm tồn kho, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ

hồi nợ của các doanh nghiệp

* Cơ sở của giải pháp

Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn lưu động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Điện Biên không cao là việc thu hồi các khoản phải thu và hàng tồn kho lớn. Nếu không giải quyết nhanh tình trạng này rất có thể nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng phá sản vì doanh thu và lợi nhuận vẫn cao trong khi toàn là doanh thu, lợi nhuận bán chịu như vậy doanh nghiệp sẽ không có tiền để thanh toán những khoản nợ đến hạn. Như vậy không những hiệu quả sử dụng vốn không cao mà rất có khả năng dẫn tới phá sản.

* Nội dung của giải pháp

Để công tác dự trữ hàng tồn kho hợp lý điều quan trọng là các doanh nghiệp phải thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, phân tích và tính toán những biến động về giá cả trên thị trường. Cụ thể, các doanh nghiệp nên giao cho bộ phận kế hoạch lập kế hoạch dự trữ phải chi tiết, cụ thể, đảm bảo sát với thực tế để hạn chế tới mức thấp nhất số vốn dự trữ, đồng thời xác định thời điểm dự trữ hàng tốt nhất. Đồng thời bộ phận tài chính có kế hoạch tìm nguồn tài trợ tương ứng.

Cần có các ràng buộc chặt chẽ khi ký kết các hợp đồng mua bán: Cần quy định rõ ràng thời gian và phương thức thanh toán đồng thời luôn giám sát chặt chẽ việc khách hàng thực hiện những điều kiện trong hợp đồng. Bên cạnh đó cũng cần đề ra những hình thức xử phạt nếu hợp đồng bị vi phạm để nâng cao trách nhiệm của các bên khi tham gia hợp đồng, phải gắn trách nhiệm của khách hàng thông qua các hợp đồng, thông qua các điều kiện ràng buộc trong hợp đồng, các điều kiện giao nhận, điều kiện thanh toán. Bên cạnh đó cần có những ràng buộc bán chậm trả để lành mạnh hoá các khoản nợ như: yêu cầu ký quỹ, bảo lãnh của bên thứ ba, ... đồng thời thường xuyên thu thập các thông tin về khách hàng thông qua nhiều kênh cung cấp để có chính sách bán hàng phù hợp, hiệu quả.

Trong công tác thu hồi nợ: hàng tháng, các doanh nghiệp nên tiến hành theo dõi chi tiết các khoản phải thu, lập bảng phân tích các khoản phải thu để nắm rõ về quy mô, thời hạn thanh toán của từng khoản nợ cũng như có những biện pháp khuyến khích khách hàng thanh toán trước thời hạn bằng hình thức chiết khấu thanh toán cũng là một biện pháp tích cực để thu hồi các khoản nợ. Cần phân loại các khoản nợ và thường xuyên đánh giá khả năng thu hồi của các khoản nợ đó.

Đối với những khoản nợ quá hạn, nợ đọng: Các doanh nghiệp cần phân loại để tìm nguyên nhân chủ quan và khách quan của từng khoản nợ, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế để có biện pháp xử lý phù hợp như gia hạn nợ, thoả ước xử lý nợ, giảm nợ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp. Đồng thời cũng cần có chính sách linh hoạt, mềm dẻo đối với các khoản nợ quá hạn và đến hạn. Đối với những khách hàng uy tín, truyền thống, trong trường hợp họ tạm thời có khó khăn về tài chính có thể áp dụng biện pháp gia hạn nợ. Còn đối với những khách hàng cố ý không thanh toán hoặc chậm trễ trong việc thanh toán thì công ty cần có những biện pháp dứt khoát, thậm chí có thể nhờ đến sự can thiệp của các toà kinh tế để giải quyết các khoản nợ.

* Điều kiện để giải pháp thực hiện

Các doanh nghiệp cũng cần phải tiến hành kiểm kê, đối chiếu tình hình nhập tồn hàng hóa định kỳ nhằm làm cơ sở cho việc xác định mức dự trữ cần thiết cho kỳ tiếp theo.

Thường xuyên làm tốt công tác theo dõi, rà soát, đối chiếu thanh toán công nợ để tránh bị chiếm dụng vốn, đồng thời đảm bảo khả năng thanh toán, có như vậy mới góp phần đẩy nhanh vòng quay vốn, tăng hiệu quả sử dụng vốn lưu động.

* Kết quả giải pháp đạt được nếu được thực hiện

Khi thực hiện giải pháp này các doanh nghiệp sẽ tránh được tình trạng ứ đọng hàng tồn kho gây ra việc lãng phí vốn, giảm chi phí lưu kho, ngoài ra việc tăng cường các khoản phải thu sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kinh doanh. Hai hoạt động này làm tốt sẽ giúp cho hiệu quả sử dụng tổng vốn nói chung và hiệu quả sử dụng vốn lưu động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh Điện Biên sẽ được nâng cao.

4.2.1.7. Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước

* Cơ sở của giải pháp

Trong phần thực trạng luận văn đã trình bày có rất nhiều doanh nghiệp có tài sản cố định đã khấu hao hết, lạc hậu mấy trục năm so với thế giới trong khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc công nghệ hiện đại nhưng không sử dụng gây lãng phí. Có nhiều doanh nghiệp cơ cấu vốn lại có sự chênh lệch lớn giữa vốn cố định và vốn lưu động. Vẫn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh kém năng động, không chủ động tìm kiếm thị trường cứ thoi thóp tồn tại, những doanh nghiệp đó phần lớn tại Điện Biên là các doanh nghiệp Nhà nước. Để các doanh nghiệp này kinh doanh chủ động hơn, thực sự bám sát thị trường, quản lý thu chi chặt chẽ một giải pháp có tính hệ thống là đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp.

* Nội dung của giải pháp

Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc cổ phần hoá: Tỉnh Điện Biên nên thành lập Ban chuyên trách về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước do Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh làm Chủ tịch, hai phó giám đốc Sở Tài Chính và Sở Nội Vụ làm phó chủ tịch, các cơ quan chủ quản tại các doanh nghiệp làm uỷ viên. Trong đó Sở Tài Chính đảm nhiệm về đánh giá giá trị doanh nghiệp, về quy chế tài chính sau chuyển đổi, Sở Nội Vụ chịu trách nhiệm thẩm định mô hình tổ

chức hoạt động, điều lệ hoạt động...các cơ quan chủ quản của doanh nghiệp chủ trì về phương án sản xuất kinh doanh sau khi cổ phần hoá.

Ban chuyên trách về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh được giao quyền giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp việc thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước tại các doanh nghiệp trong tỉnh.

Giảm thiểu những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để tránh gây phiền hà, hay làm lỡ thời cơ kinh doanh của các doanh nghiệp.

Để cho quá trình cổ phần hoá được chuyên nghiệp, tỉnh Điện Biên nên cho phép các doanh nghiệp Nhà nước thuê công ty tài chính tư vấn trong từng khâu như: xác định giá trị doanh nghiệp hay tư vấn chọn gói toàn bộ quá trình cổ phần hoá, toàn bộ chi phí tư vấn sẽ do tỉnh Điện Biên chi trả.

Tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức về công tác cổ phần hoá DNNN tại tỉnh Điện Biên

Tỉnh Điện Biên cần đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động cho công tác cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước từ đó làm cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người lao động nhận thức sâu sắc về cổ phần hoá như một xu thế tất yếu, vì nó sẽ là giải pháp cơ bản để tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, góp phần tích cực vào cải cách hành chính và đấu tranh chống tham nhũng đem lại lợi ích lâu dài cho cả tỉnh, doanh nghiệp và cá nhân.

Phê phán và khắc phục triệt để tư tưởng ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước, trước kia, các doanh nghiệp Nhà nước được hình thành một cách ồ ạt không quan tâm đến việc có hoạt động hiệu quả hay không. Chính công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, không đi sâu, đi sát tình hình tạo ra một bộ máy cồng kềnh, ỳ ạch chuyên dựa vào bao cấp của ngân sách.

* Điều kiện để giải pháp thực hiện

Đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương sớm ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước để địa

phương có căn cứ thực hiện, nhất là việc bổ sung ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan đến việc giải quyết lao động dư thừa cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Tăng cường mở các lớp đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các cấp, các ngành các doanh nghiệp về những vấn đề có liên quan đến việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Đồng thời, với việc thực hiện chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, tỉnh Điện Biên cần có các chương trình vồi dưỡng kiến thức quản lý công ty cổ phần cho tất cả các cán bộ quản lý doanh nghiệp nằm trong diện cổ phần trong tỉnh.

Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý các công ty cổ phần hoá cho tất cả các cán bộ quản lý các doanh nghiệp đã cổ phần hoá. Về kinh phí cho các lớp bồi dưỡng này cần có sự hỗ trợ nhất định của tỉnh Điện Biên, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng.

* Kết quả giải pháp đạt được nếu được thực hiện

Khi giải pháp này được thực hiện triệt để thì các doanh nghiệp sẽ hoạt động chủ động và nhạy bén với thị trường hơn, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để giảm chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận để tồn tại, lúc này sẽ ít còn trường hợp mua bán tài sản không hợp lý, gây lãng phí, cơ cấu vốn chắc chắn sẽ được thiết kế hợp lý hơn để đảm bảo đáp ứng điều kiện kinh doanh. Đây cũng là giải pháp mang tính chiến lược về lâu dài nó sẽ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn tỉnh có hiệu quả sử dụng vốn cao hơn góp phần pháp triển kinh tế của tỉnh và cũng góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Trang 138 - 142)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(152 trang)
w