Phương pháp khấu hao nhanh

Một phần của tài liệu giáo trình Tài chính doanh nghiệp 1 (Trang 32 - 36)

Để khắc phục những nhược điểm của phương pháp khấu hao đường thẳng và thúc đẩy việc thu hồi nhanh hơn vốn cố định người ta sử dụng phương pháp khấu hao nhanh. Hai phương pháp khấu hao nhanh thường được đề cập là: Phương pháp

khấu hao theo số dư giảm dần và phương pháp khấu hao theo tổng số thứ tự năm sử dụng gọi tắt là phương pháp khấu hao theo tổng số.

+ Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần

Theo phương pháp này số khấu hao hàng năm của tài sản cố định được xác định bằng cách lấy giá trị còn lại của tài sản cố định ở đầu năm của năm tính khấu hao nhân với một tỷ lệ khấu hao cố định hằng năm (còn gọi là tỷ lệ khấu hao nhanh theo phương pháp số dư). Công thức xác định như sau:

MKi = Gdi × TKD

Trong đó:

MKi: Số khấu hao tài sản năm thứ i. Gdi: Giá trị còn lại của tài sản năm thứ i.

TKD: Tỷ lệ khấu hao cố định hàng năm của tài sản cố định. i: Thứ tự các năm sử dụng tài sản cố định (i = 1 ,n)

Giá trị còn lại của tài sản cố định đầu năm thứ i được xác định bằng cách lấy nguyên giá tài sản cố định trừ đi khấu hao lũy kế đến đầu năm thứ i.

Tỷ lệ khấu hao cố định hằng năm (còn gọi là tỷ lệ khấu hao nhanh) được xác định bằng cách lấy tỷ lệ khấu hao theo phương pháp đường thẳng nhân với một hệ số điều chỉnh.

TKD = TKH × Hd

Trong đó:

TKH: Tỷ lệ khấu hao theo phương pháp đường thẳng. Hd: Hệ số điều chỉnh.

Theo kinh nghiệm, các nhà kinh tế của các nước thường sử dụng hệ số như sau: - TSCĐ có thời gian sử dụng từ 3 đến 4 năm thì hệ số là 1,5.

- TSCĐ có thời hạn sử dụng từ 5 đến 6 năm thì hệ số là 2. - TSCĐ có thời hạn sử dụng trên 6 năm trở lên thì hệ số là 2,5.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp X mua một thiết bị công tác theo giá hóa đơn là 900 triệu đồng. Chi phí bốc dỡ, vận chuyển, lắp đặt và chạy thử lần đầu tổng cộng là 10 triệu đồng. Tuổi thọ kỹ thuật của thiết bị được xác định là 8 năm. Tuổi thọ kinh tế của thiết bị được xác định là 5 năm, doanh nghiệp dự kiến chọn thời gian hữu ích của tài sản cố định phải khấu hao là 5 năm. Thu thanh lý là không đáng kể.

Theo phương pháp số dư giảm dần thì tỷ lệ khấu hao cố định được tính như sau:

TKH = 5 1

= 20%

Vậy TKD = 20% × 2 = 40% (Hd = 2)

Số khấu hao theo phương pháp này có thể được xác định theo biểu sau:

Biểu số 1: Số khấu hao tài sản cố định theo phương pháp số dư giảm dần

Đơn vị tính: triệu đồng

TT Cách tính khấu hao Số khấu hao từng năm Số khấu hao lũy kế Giá trị còn lại của TSCĐ 1 100 × 40% 40 40 60 2 (100 – 40) × 40% 24 64 36 3 (100 – 64) × 40% 14,4 78,4 21,6 4 (100 – 78,4) × 40% 8,64 87,04 12,96 5 (100 – 87,04) × 40% 5,184 92,224 7,776

Qua phương pháp khấu hao trên, có thể rút ra: Số khấu hao tài sản cố định rất lớn ở những năm đầu và giảm dần về những năm sau, nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, do kỹ thuật tính toán của phương pháp này nên vào thời điểm cuối của năm cuối cùng vẫn còn một phần giá trị TSCĐ chưa được thu hồi hết. Để khắc phục hạn chế này, thông thường vào những năm cuối thời hạn sử dụng TSCĐ người ta chuyển sang phương pháp khấu hao đường thẳng. Phương pháp khấu hao như vậy được gọi là phương pháp khấu hao theo số dư có điều chỉnh.

Như ví dụ 1 nếu cứ tiếp tục sẽ thiếu 7,776 triệu đồng so với vốn đầu tư ban đầu vào tài sản cố định. Vì vậy đến năm thứ 4 người ta sẽ chuyển sang phương pháp khấu hao tuyến tính bằng cách lấy giá trị còn lại chưa thu hồi chia cho số năm còn lại của tài sản cố định và mức khấu hao của mỗi năm thứ 4 và thứ 5 là: 21,6 : 2 = 10,8 triệu đồng. Như vậy, cuối năm thứ 5 số khấu hao lũy kế: 100 triệu đồng, doanh nghiệp thu hồi đủ vốn đầu tư vào thiết bị.

Phương pháp khấu hao này được áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có công nghệ đòi hỏi phải thay đổi, phát triển nhanh.

+ Phương pháp khấu hao theo tổng số thứ tự năm sử dụng (gọi tắt là phương pháp khấu hao theo tổng số).

- Theo phương pháp này, số khấu hao của từng năm được tính bằng cách lấy nguyên giá của tài sản cố định nhân với tỷ lệ khấu hao tài sản cố định mỗi năm.

Công thức xác định:

MKt = NG × TKt

Trong đó:

MKt: Số khấu hao tài sản cố định năm thứ t (t = 1 ,n). NG: Nguyên giá tài sản cố định.

TKt: Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định năm thứ t.

Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định của năm cần tính khấu hao được tính bằng cách lấy số năm còn lại sử dụng tính từ đầu năm khấu hao cho đến khi tài sản cố định hết thời hạn sử dụng chia cho tổng số các năm còn sử dụng của tài sản cố định theo thứ tự năm của tài sản cố định.

Theo ví dụ 1, tỷ lệ khấu hao và số khấu hao có thể được xác định:

Biểu 2: Số khấu hao tài sản cố định theo phương pháp tổng số

Thứ tự năm Số năm còn sử dụng đến khi hết thời hạn sử dụng (năm) Tỷ lệ khấu hao (Tkt) Số khấu hao (triệu đồng) 1 5 5/15 100×5/15=500/15 2 4 4/15 100×4/15=400/15 3 3 3/15 100×3/15=300/15 4 2 2/15 100×2/15=200/15 5 1 1/15 100×1/15=100/15 Cộng 15 1.500/15 = 100

* Ưu điểm của phương pháp khấu hao nhanh:

- Giúp cho doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh ở những năm đầu. Doanh nghiệp vừa có thể tập trung vốn nhanh từ tiền khấu hao để đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ kịp thời vừa giảm bớt được tổn thất do hao mòn vô hình.

- Nhà nước có thể cho phép doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu hao nhanh để tính chi phí khấu hao trong việc xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh. Điều đó được coi như một biện pháp “hoãn thuế” cho doanh nghiệp.

Bên cạnh những ưu điểm, nếu doanh nghiệp thực hiện phương pháp này có hạn chế: Giá thành sản phẩm ở những năm đầu của thời hạn khấu hao sẽ cao do

phải chịu chi phí khấu hao lớn, điều đó gây bất lợi cho doanh nghiệp trong cạnh tranh; việc tính toán khá phức tạp.

Một phần của tài liệu giáo trình Tài chính doanh nghiệp 1 (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w