Đánh giá sinh viên: Thảo luận về các vấn đề trong đầu tư dài hạn của doanh nghiệp Hiểu các dạng bài tập đánh giá và lựa chọn các dự án đầu tư.

Một phần của tài liệu giáo trình Tài chính doanh nghiệp 1 (Trang 78 - 82)

doanh nghiệp. Hiểu các dạng bài tập đánh giá và lựa chọn các dự án đầu tư.

IV.2. Quy định hình thức học cho mỗi nội dung nhỏ

Nội dung Hình thức học

Đầu tư dài hạn Giảng, thảo luận, sinh viên tự nghiên cứu

Giá trị thời gian của tiền Giảng, thảo luận, sinh viên tự nghiên cứu

Phương pháp đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư của doanh nghiệp

Giảng, thảo luận, sinh viên tự nghiên cứu

IV.3. Các nội dung cụ thể A. Nội dung lý thuyết

4.1. ĐẦU TƯ DÀI HẠN

4.1.1. Khái niệm

Đầu tư dài hạn là một trong những nhân tố chủ yếu quyết định sự phát triển của một doanh nghiệp cũng như của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trong phạm vi xem xét khác nhau, khái niệm về đầu tư cũng có những điểm khác nhau.

Trên góc độ của doanh nghiệp kinh doanh, có thể thấy rằng một trong những mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp là thu được lợi nhuận. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi doanh nghiệp phải có một số vốn tiền tệ nhất định, và sử dụng số vốn tiền tệ này để hình thành nên các tài sản cần thiết phục vụ cho hoạt động kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp như: mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, mua bằng phát minh, sáng chế, bản quyền, đào tạo công nhân, hình thành một lượng tài sản lưu động thường xuyên cần thiết. Trong quá trình phát triển, đòi hỏi doanh nghiệp tiếp tục bổ sung vốn nhằm tăng thêm các tài sản kinh doanh tương ứng với sự tăng trưởng của quy mô kinh doanh. Các hoạt động của quá trình trên chính là quá trình đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.

Ngoài các hoạt động đầu tư có tính chất điển hình như trên, doanh nghiệp còn có thể thực hiện các hoạt động như bỏ vốn mua cổ phiếu, trái phiếu của các chủ thể khác nhằm thu lợi nhuận trong thời gian dài. Các cổ phiếu, trái phiếu mà doanh nghiệp bỏ vốn ra mua hình thành nên một loại tài sản của doanh nghiệp được gọi là tài sản tài chính dài hạn.

Như vậy, có thể thấy rằng đầu tư dài hạn của doanh nghiệp là quá trình sử dụng vốntiền tệ để hình thành nên các tài sản cần thiết phục vụ lâu dài cho các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích thu được lợi nhuận trong khoảng thời gian dài trong tương lai.

Theo khái niệm này, hoạt động đầu tư dài hạn có các đặc trưng sau:

Về mặt nội dung: đầu tư dài hạn của doanh nghiệp là quá trình sử dụng vốn tiền tệ để xây dựng, mua sắm hình thành các TSCĐ hữu hình và vô hình, hình thành lượng vốn lưu động thường xuyên cần thiết phù hợp với quy mô kinh doanh nhất định. Như vậy, sự hình thành các tài sản kinh doanh cần thiết phục vụ có tính chất lâu dài cho hoạt động sản xuất kinh doanh là kết qủa trực tiếp của đầu tư dài hạn.

Về mặt phạm vi: đầu tư dài hạn của doanh nghiệp không chỉ đầu tư về TSCĐ mà nó còn bao gồm cả việc đầu tư cho nhu cầu tương đối ổn định về tài sản lưu động thường xuyên cần thiết và đầu tư có tính chất dài hạn vào các hoạt động khác nhằm mục đích thu được lợi nhuận.

Về mặt quy mô: đầu tư dài hạn của doanh nghiệp nó cũng chỉ rõ số vốn tiền tệ mà doanh nghiệp đang sử dụng có tính chất dài hạn trong các hoạt động kinh doanh của mình.

4.1.2. Phân loại đầu tư dài hạn

Trong một doanh nghiệp, dựa vào những căn cứ nhất định có thể chia đầu tư của doanh nghiệp thành các loại đầu tư khác nhau. Mỗi cách phân loại cho phép

xem xét, đánh giá việc đầu tư của doanh nghiệp trên những ý nghĩa kinh tế khác nhau. Có thể phân loại đầu tư theo các cách sau đây:

1) Theo cơ cấu của vốn đầu tư

Theo cơ cấu vốn đầu tư của doanh nghiệp có thể phân chia đầu tư của doanh nghiệp thành các loại:

a. Đầu tư xây dựng cơ bản

Đây là khoản đầu tư nhằm tạo ra tài sản cố định của doanh nghiệp và thông thường doanh nghiệp phải sử dụng một khoản vốn lớn để thực hiện đầu tư về tài sản cố định thông qua việc xây dựng và mua sắm. Trong đầu tư xây dựng cơ bản lại có thể thực hiện phân loại chi tiết.

 Theo tính chất công tác có thể phân chia đầu tư xây dựng cơ bản của doanh nghiệp thành:

- Đầu tư cho công tác xây lắp: phản ánh số vốn đầu tư cho công tác xây dựng công trình và lắp đặt các thiết bị như xây dựng nhà xưởng, vật kiến trúc, trồng trọt mới và chăm sóc cây lâu năm, lắp ráp các kết cấu kiến trúc, lắp đặc máy móc, …

- Đầu tư cho thiết bị: Phản ánh số vốn đầu tư cho việc mua sắm các máy móc thiết bị cần thiết cho doanh nghiệp bao gồm chi phí mua thiết bị theo giá mua, chi phí vận chuyển, bảo quản thiết bị…

- Đầu tư xây dựng cơ bản khác: Phản ánh các khoản vốn đầu tư cho các công việc khác như đầu tư cho khảo sát thiết kế xây dựng, chi phí về sử dụng đất xây dựng, tiền đền bù đất đai, hoa màu, chi phí di chuyển nhà cửa trên đất đai xây dựng, cũng như chi phí mua bản quyền phát minh sáng chế, chi phí công nghệ, mua nhãn hiệu hàng hoá,…

 Theo hình thái vật chất của kết quả đầu tư cũng có thể chia đầu tư xây dựng cơ bản của doanh nghiệp thành hai loại sau:

- Đầu tư vào TSCĐ hữu hình (có hình thái vật chất): Phản ánh các khoản vốn đầu tư cho TSCĐ hữu hình.

- Đầu tư vào TSCĐ vô hình: Phản ánh các khoản vốn đầu tư cho tài sản cố định vô hình.

b. Đầu tư về vốn lưu động thường xuyên cần thiết

Đây là khoản đầu tư để hình thành nên các tài sản lưu động thường xuyên cần thiết tối thiểu đảm bảo cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp được diễn ra một cách bình thường và liên tục. Tuỳ theo lựa chọn mô hình tài trợ mà toàn bộ hay một phần TSLĐ thường xuyên, cần thiết được đầu tư bằng nguồn vốn thường xuyên có tính chất dài hạn.

c. Đầu tư liên doanh dài hạn và đầu tư về các tài sản chính khác

Đây là các khoản vốn đầu tư ra bên ngoài doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều hình thức liên doanh liên kết. Trong đó có hình thức liên doanh dài hạn, đó là việc doanh nghiệp tham gia góp vốn kinh doanh với các doanh nghiệp khác trong một thời gian dài, cùng tham gia quản lý và cùng phân chia lợi nhuận, cùng gánh chịu rủi ro theo tỷ lệ vốn góp của các bên.

Ngoài việc tham gia liên doanh trong điều kiện nền kinh tế hàng hoá, các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư vốn dài hạn vào các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác dưới hình thức mua cổ phần, mua trái phiếu dài hạn… Doanh nghiệp sẽ nhận được khoản thu nhập từ các cổ phiếu, trái phiếu đã mua. Và các loại cổ phiếu, trái phiếu này được gọi là loại tài sản đặc biệt, tài sản tài chính.

2) Theo mục tiêu đầu tư

Căn cứ vào mục tiêu cụ thể đầu tư của doanh nghiệp có thể chia đầu tư của doanh nghiệp thành các loại sau:

- Đầu tư về thành lập doanh nghiệp gồm toàn bộ khoản đầu tư ban đầu để hình thành doanh nghiệp, đầu tư tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp, đầu tư cho việc tạo ra sản phẩm mới hoặc cải tiến hoàn thiện các loại sản phẩm hiện có.

- Đầu tư thay đổi thiết bị và công nghệ là đầu tư nhằm thay thế các trang thiết bị cũ, sự thay thế có thể là giống cũ hoặc thay thế bằng một trang bị một thiết bị hiện đại hơn.

- Đầu tư có tính chất “chiến lược” là sự đầu tư nhằm tập trung thực hiện một ý đồ nhất định của doanh nghiệp tạo ra sự chuyển biến trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: đầu tư cho việc cải tiến sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…

- Đầu tư ra bên ngoài: là sự đầu tư góp vốn thực hiện liên doanh dài hạn với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác, đầu tư vào các tài sản tài chính khác,...

4.1.3. Ý nghĩa của đầu tư dài hạn và các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp tư dài hạn của doanh nghiệp

Quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp là một trong những nhân tố quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai do vậy quyết định đầu tư dài hạ là vô cùng quan trọng:

- Phần lớn các quyết định đầu tư dài hạn đều ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, trình độ công nghệ của doanh nghiệp, từ đó tác động đến chất lượng của sản phẩm trong tương lai của doanh nghiệp. Như vậy, quyết định đầu tư dài hạn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.

- Thông thường để thực hiện quyết định đầu tư dài hạn thì phải sử dụng một nguồn lực tài chính lớn. Do vậy, việc quyết định đúng đắn về đầu tư dài hạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp trong tương lai.

- Những sai lầm trong quyết định đầu tư dài hạn là những sai lầm khi sửa chữa hoặc không sửa chữa được nó gây nên sự tổn thất vốn cho doanh nghiệp trong tương lai.

Quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp là quyết định có tính chất chiến lược. Vì thế, để đi đến quyết định đầu tư đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng nhiều vấn đề, phải xem xét, tính đến nhiều yếu tố. Có nhiều nhân tố tác động đến việc đầu tư của doanh nghiệp. Trong đó, có những nhân tố chủ yếu tác động đến quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp như sau:

- Chính sách kinh tế của Nhà nước trong việc phát triển nền kinh tế

Trên cơ sở phát luật về kinh tế và các chính sách kinh tế, Nhà nước tạo môi trường và hành lang cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất – kinh doanh và hướng các hoạt động của doanh nghiệp phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong mỗi thời kỳ.

Một phần của tài liệu giáo trình Tài chính doanh nghiệp 1 (Trang 78 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w