Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, tôi đưa ra một số khuyến nghị về ảnh hưởng tâm lý đến trẻ và gia đình trong cộng đồng người dân bị thiên tai thôn Liên Nghĩa nói riêng và những người dân bị thiên tai nói chung như sau:
•Trẻ em cần được sự quan tâm hơn nữa của gia đình trong và sau khi lũ lụt xảy ra để trẻ cảm thấy được chia sẻ và được quan tâm.
• Gia đình cần có những hiểu biết về tâm lý trẻ em để có thể hỗ trợ tinh thần cho trẻ trong và sau khi lũ lụt xảy ra.
• Chính quyền xã cần có một ban tư vấn với một đội ngũ nhân viên công tác xã hội hỗ trợ trẻ và người lớn về mặt tinh thần để vượt qua được khủng hoảng trở lại cuộc sống bình thường.
•Trong trường học cũng cần có một nhân viên công tác xã hội để hỗ trợ các em về mặt tâm lý trong và sau khi lũ lụt xảy ra để trẻ có động lực học tập tốt hơn.
•Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi hơn cho trẻ và gia đình bị thiên tai như hỗ trợ hơn nữa về vật chất: quần áo, sách vở, gạo, thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản cho trẻ và gia đình.
• Nhà nước phải nhận thấy được sự cần thiết của việc xây dựng đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong việc hỗ trợ về mặt tâm lý cho trẻ và gia đình trong cộng đồng người dân bị thiên tai tại thôn Liên Nghĩa nói riêng và những vùng bị thiên tai nói chung.
• Nhà nước cần xây dựng hệ thống phòng chống lũ lụt nhằm hạn chế sự thiệt hại về vật chất và tinh thần của người dân.
Như vậy, mặc dù đã có sự trợ giúp của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống thiên tai nhưng sự trợ giúp còn thiếu hiệu quả cho chuẩn bị tâm lý của những gia đình và trẻ em bị thiên tai nói chung và những gia đình và trẻ em bị thiên tai tại thôn Liên Nghĩa nói riêng. Vì vậy, thiết nghĩ cần phải có một đội ngũ nhân viên công tác xã hội có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để giúp đỡ về mặt tâm lý đối với trẻ và gia đình trong cộng đồng người dân bị thiên tai.