Nếu như các nhân tố nội tại có vai trò quyết định trong việc hoạch định chiến lược và hiệu quả hoạt động kinh doanh của một CTCK thì các nhân tố bên ngoài tạo thành môi trường kinh doanh đối với các hoạt động của công ty. Các nhân tố này bao gồm:
+ Tình hình kinh tế trong nước và quốc tế
TTCK là một bộ phận cấu thành quan trọng của thị trường tài chính, là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Thông qua TTCK, vốn được tích tụ, tập trung và phân phối hiệu quả. Rõ ràng, TTCK có những tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Ngược lại, TTCK mỗi nước cũng chịu những ảnh hưởng rất lớn không chỉ từ nền kinh tế nước mình mà trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, nó còn cả từ kinh tế trong khu vực và toàn thế giới. Mỗi biến động về tỷ giá ngoại tệ, lãi suất hay giá cả của một số hàng hoá cơ bản sẽ trực tiếp hay gián tiếp tác động đến giá trị danh mục đầu tư và các quyết định đầu tư của CTCK.
+ Sự phát triển của TTCK
Sự phát triển của TTCK đóng một vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động kinh doanh của các CTCK. Bởi các CTCK là một chủ thể hoạt động trên TTCK. Một TTCK phát triển là một thị trường được vận hành trong một môi trường pháp lý thống nhất, điều chỉnh các hoạt động của mọi chủ thế tham gia thị trường, là một thị trường có nhiều hàng hoá là các cổ phiếu, trái phiếu đa dạng, có chất lượng, một thị trường có khối
lượng giao dịch lớn và thực sự là một kênh huy động vốn có hiệu quả của nền kinh tế. Với một thị trường phát triển, các CTCK sẽ có một địa bàn đủ lớn để ra sức đầu tư công nghệ và đội ngũ nhân viên có trình độ cao, kiện toàn các quy trình nghiệp vụ, mở rộng thị phần kinh doanh. Tất cả điều đó đều nhằm mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của TTCK. Khi TTCK đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, hàng hoá chưa nhiều, chất lượng chưa cao thì môi trường cạnh trạnh giữa các CTCK sẽ rất hạn chế. Với sự phát triển như vậy của thị trường, các CTCK chỉ có thể đầu tư mở rộng công nghệ, đội ngũ nhân viên ở một mức độ nào đấy nhằm duy trì được năng lực cạnh tranh của mình chứ chưa thể mạnh dạn đầu tư toàn diện.
+ Môi trường pháp lý và chính sách của Nhà nước
Môi trường pháp lý và chính sách của nhà nước ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các CTCK. Thị trường chứng khoán là một loại thị trường đặc biệt nơi diễn ra các giao dịch hàng hoá đặc biệt là các tài sản tài chính. Cấu trúc thị trường và cơ chế giao dịch phức tạp thể hiện sự khăng khít và liên hoàn của thị trường. TTCK đòi hỏi một trình độ tổ chức cao, chịu sự quản lý giá sát chặt chẽ của hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ. Môi trường pháp lý hoàn chỉnh sẽ tạo nên những chuẩn mực, tiêu chuẩn để bảo đảm sự lành mạnh cho hoạt động thị trường. Môi trường pháp lý còn là rào cản không cho các CTCK không đủ tiêu chuẩn của pháp luật thâm nhập vào thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và của chính các CTCK. Điều đó có nghĩa là môi trường cạnh tranh của các CTCK đã được pháp luật bảo vệ. Các chính sách của nhà nước và các cơ quan quản lý cũng ảnh hưởng lớn tới năng lực cạnh tranh của các CTCK. Bởi chính các chính sách phát triển TTCK thu hút các CTCK tham gia thị trường.
+ Đối thủ cạnh tranh
Sự cạnh tranh trong lĩnh vực nào cũng diễn ra mạnh mẽ và khốc liệt và có thể nói cạnh tranh chính là động lực của sự phát triển. Các CTCK cũng vậy, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính luôn là mảnh đất màu mỡ và là nơi diễn ra sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt để tìm kiếm khách hàng để mở rộng thị trường. Chính sự cạnh tranh của các đối thủ mà CTCK buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để chống chọi, tồn tại và phát triển. Cạnh tranh giúp các CTCK không ngừng đưa ra các dịch vụ sản phẩm mang nhiều tiện ích cho khách hàng hơn. Chính các đối thủ này luôn ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động và là mối lo thường trực của CTCK.
+ Nhân tố khách hàng
Đối với bất kỳ công ty nào kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán thì khách hàng là nhân tố quyết định tới sự tồn tại và phát triển của CTCK. Khách hàng của các CTCK rất đa dạng từ khách hàng là cá nhân đến các khách hàng là tổ chức, các doanh nghiệp. Trình độ năng lực của khách hàng là một yếu tố quan trọng giúp họ tiếp cận với TTCK nói chung và các CTCK nói riêng. Chính vì vậy, các nhà quản lý, các CTCK cần phải trang bị kiến thức đầu tư cơ bản cho nhà đầu tư, hỗ trợ họ về mặt tài chính khi họ tham gia thị trường cần phải nâng cao kiến thức đầu tư cho họ. Để tạo một môi trường cạnh tranh sôi động thì thị trường đó phải có những người mua và bán. Chính vì lý do đó mà giữa các công ty nảy ra sự cạnh tranh. Công chúng đầu tư là trọng tâm của sự cạnh tranh đó, là động lực thúc đẩy các CTCK phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh.
CHƯƠNG 2