3. Các công trình đề cập đến vấn đề lối sống, xây dựng lối sống, kế thừa các giá trị truyền thống dân tộc trong xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt
2.1.1. Tác động của toàn cầu hóa đến giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay
dân tộc trong xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay
Toàn cầu hóa là một khái niệm chỉ quá trình vận động của lịch sử xã hội loài người từ những bộ phận, quốc gia riêng lẻ, tương đối độc lập và tách biệt đến hình thành những mối liên kết chặt chẽ, tác động qua lại và phụ thuộc lẫn nhau trên tất cả các mặt ở phạm vị toàn cầu của đời sống xã hội mà nền tảng là sự liên kết kinh tế cùng với sự hình thành các tổ chức, các định chế quốc tế nhằm quản lý và điều chỉnh các hoạt động mang tính toàn cầu đó [95, tr. 17]. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng mang đến không ít khó khăn cho các quốc gia đặc biệt các quốc gia đang và chậm phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về lối sống. Toàn cầu hóa có những tác động tích cực đến giáo dục giá trị đạo đức truyền thống nhằm xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay như sau:
Thứ nhất, Ở Việt Nam, Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ, đem lại hiệu quả to lớn về mọi mặt của đời sống xã hội. Những thay đổi trong đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn làm cho mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều này góp phần quan trọng làm hình thành nên một lớp người mới có niềm tin, lý tưởng, lối sống trong sáng, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục các giá trị ĐĐTT dân tộc trong XDLS mới cho thế hệ trẻ.
Thứ hai, toàn cầu hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu văn hóa, khoa học, nắm bắt thông tin, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại làm phong phú nền văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hóa nói chung, các giá trị đạo đức truyền thống được bổ sung, phát triển trong điều kiện mới và cũng từ đây các quan niệm về đạo đức, lối sống được bổ sung, phát triển cho phù hợp với thời đại, vừa đậm đà truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều này có tác động tích cực đến tư duy, lối sống của chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ - lớp người luôn có “hiệu ứng” tức thời trước cái mới. Với sự tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả những thành tựu khoa học công nghệ, thông tin, thế hệ trẻ trở nên năng động, hiện đại và tư duy nhanh nhạy hơn, từ đó có sự thay đổi theo hướng tích cực trong quan niệm cũng như chuẩn mực sống: từ lối sống có phần khép kín, dập khuôn sang lối sống cởi mở, nhạy bén, dám đương đầu, dám chịu trách nhiệm. Đây là cơ sở cho công tác giáo dục đạo đức mới, nhất là giáo dục đạo đức mới cho thế hệ trẻ, định hướng lối sống mới cho họ trong các lĩnh vực lao động sản xuất, hoạt động chính trị, hoạt động văn hóa xã hội và quan hệ ứng xử hàng ngày.
Thứ ba, Toàn cầu hóa góp phần hội tụ các giá trị văn hóa và văn minh của loài người, vì vậy nó mang đến cho các quốc gia thời cơ mới để hiện đại hóa nền văn hóa của mình và nâng lên một tầm cao mới. Nó góp phần vào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo điều kiện cho con người học tập, tiếp thu, kế thừa và đổi mới trong nhận thức, trong lối sống và hưởng thụ văn hóa cũng như sáng tạo văn hóa. Đây là cơ sở thuận lợi cho việc XDLS mới cho thế hệ trẻ. Trong những năm gần đây, sự giao lưu rộng rãi về văn hóa giúp cho chúng ta có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn, hiểu biết sâu sắc thêm về các dân tộc trên thế giới, chọn lọc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bổ sung và làm giàu có, phong phú thêm nền văn hóa dân tộc; đồng thời giới thiệu với thế giới những giá trị bản sắc của Việt Nam. Ở đây, toàn cầu hóa thực sự là con đường đúng đắn để chúng ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng cho nhân cách con người Việt Nam hiện đại.
Ngoài những tác động tích cực nêu trên, toàn cầu hóa còn có tác động tiêu cực đến XDLS cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay:
Một là, toàn cầu hóa kinh tế tạo ra nguy cơ lệ thuộc về kinh tế, văn hóa sẽ dẫn đến lệ thuộc về chính trị, đe dọa an ninh các quốc gia, dân tộc. Thông qua con đường hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài, tự do hóa tư sản mà đứng đầu là Mỹ muốn thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” thông qua các chiêu bài “bảo vệ nhân
quyền”, “chống khủng bố”… hơn thế, sau sự kiện 11/9, Mỹ thực hiện hành động khuynh đảo thế giới, tiến đánh Ápgnixtan, Irắc bất chấp ý kiến bất đồng của Liên hợp quốc. Ngày 20/9 trên đồi Capitol nguyên Tổng thống Bush đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh “Nước Mỹ phải định nghĩa cho thời đại, chứ không phải để thời đại định nghĩa cho nước Mỹ” [99, tr. 66]. Sự bành trướng quyền lực của Mỹ ra toàn thế giới trên mọi mặt của đời sống xã hội loài người từ kinh tế, chính trị đến văn hóa tư tưởng, hệ giá trị tác động nhất định đến tâm lý, đạo đức lối sống của thế hệ trẻ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực điện ảnh, đã có 85% phim được chiếu tại 22 nước phát triển là phim của Mỹ; văn hóa Mỹ tràn lan khắp thế giới và được đa số các bạn trẻ đón nhận rất nhiệt tình. Về kinh tế, một nhà kinh tế học của Mêhicô PG.Petrat đã đưa tin, trong 500 xí nghiệp lớn nhất của thế giới, có 224 của Mỹ, 46 của Nhật Bản, 23 của Đức. Nếu tính cả Châu Âu con số cũng chỉ 183. Qua những con số nêu trên cho thấy, với những nước kém hoặc đang phát triển thì nguy cơ lệ thuộc về kinh tế, văn hóa và chính trị là khó tránh khỏi. Xu hướng xa rời những giá trị văn hóa truyền thống sẽ cản trở việc XDLS mới cho thế hệ trẻ hôm nay.
Hai là, các giá trị văn hóa truyền thống bị phôi phai, biến dạng; đạo đức truyền thống bị xói mòn; lối sống thực dụng, vị kỷ, lai căng gia tăng. Toàn cầu hóa đang bị các nước tư bản chi phối, đứng đầu là Mỹ làm nghèo nàn hóa ngôn ngữ, làm biến đổi các giá trị văn hóa, tạo nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc đối với nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ngôn ngữ thể hiện bản sắc dân tộc, khi không còn ngôn ngữ thì mọi thông tin quý giá về dân tộc cũng sẽ không còn. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng, có khoảng 30.000 ngôn ngữ bị biến mất từ xa xưa. Cuối thế kỷ XVIII. Trên thế giới hàng năm có 10 ngôn ngữ bị tiêu vong cùng với nền văn hóa dân tộc, cho thấy trong tương lai việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề phức tạp với các nước chậm phát triển. Điều này làm dấy lên sự lo ngại về một kết cục không mấy tốt đẹp đối với thế hệ trẻ khi nguy cơ đánh mất mình, phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc là rất có thể xảy ra, đặt chúng ta trước thách thức lớn phải vượt qua.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới đã tạo điều kiện cho một số học thuyết, trào lưu tư tưởng phản động, lạc hậu của thế giới du nhập vào nước ta, từ đó đã tạo cơ hội cho các tổ chức phản động quốc tế thâm nhập để chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đe dọa an ninh chủ quyền quốc gia… dẫn đến các quan niệm về lối sống, đạo
đức của con người trong đó có thế hệ trẻ cũng có sự thay đổi, cụ thể là nó có thể tạo ra những hoang mang dao động, làm mờ nhạt lý tưởng XHCN cũng như ý thức độc lập tự cường và lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ. Rõ ràng các dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa càng dễ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc nếu không có bản lĩnh vững vàng. Các giá trị văn minh không phù hợp ào ạt vào sẽ gây nhiễu đời sống văn hóa. Cùng với đó là lối áp đặt giá trị văn hóa của nước lớn dễ làm phôi phai, biến dạng nền văn hóa của các nước nhỏ. Toàn cầu hóa gây ra những mặt trái: lối sống thực dụng, sùng ngoại, vị kỷ, tệ nạn xã hội, các bệnh truyền nhiễm thế kỷ (AIDS, dịch sar…), chủ nghĩa khủng bố. Mặt khác, trong đời sống văn hóa nghệ thuật xuất hiện các hiện tượng lai căng, xa rời bản sắc dân tộc, những ấn phẩm độc hại: phim ảnh, sách báo kích động bạo lực, dâm ô tràn ngập, các làng nghề truyền thống bị mai một. Giới trẻ mải mê với sách báo phương Tây, mốt phương Tây, các ứng dụng của internet làm họ dễ lãng quên văn hóa truyền thống.
Ba là, toàn cầu hóa còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng xa, dẫn đến hình thành các lối sống khác nhau. Các nước phát triển có lợi thế về vốn, thị trường, công nghệ… lại càng chiếm ưu thế trong kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, các nước nghèo lại càng gặp khó khăn trong sân chơi này vì công nghệ lạc hậu, hàng hóa; dịch vụ không đẹp mẫu mã; chất lượng hạn chế. Như vậy, người giàu càng có cơ hội giàu hơn một cách nhanh chóng, người nghèo lại càng nghèo đi. Một số trung tâm trên thế giới được thành lập (ở Hồng Kông, Ma Cao, Lasvegas…) để cho những người giàu tiêu tiền với mức trên 1.000.000$/ngày, trong khi ở Châu Phi phần đông người dân đã kiệt sức vì đói nghèo. Số liệu thống kê cho thấy năm 1970 ở Mỹ 1% người giàu nhất chiếm 10% của cải xã hội, đến năm 2012, 1% người này chiếm 40% của cải xã hội. Hiện nay thế giới có 1,2 tỷ người thu nhập thấp hơn 1USD/ngày. Còn trong 4,4 tỷ người ở các nước phát triển thì 1/4 sống không có nhà, gần 3/5 sống thiếu phương tiện vệ sinh cơ bản, 1/3 thiếu nước… 2 tỷ dân nước nghèo bị bỏ lại đằng sau trong quá trình toàn cầu hóa. Trong khi đó, với các nước phát triển thì kinh tế thu nhập của 25 người giàu nhất nước Mỹ bằng thu nhập của 2 tỷ người nghèo nhất. Sự phân hóa này chắc chắn kéo theo sự phân hóa về lối sống của các quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc XDLS cho thế hệ trẻ Việt Nam; tạo ra sự hoang mang dao động và xa rời, coi nhẹ những giá trị ĐĐTT, làm mờ nhạt lý tưởng XHCN đối với họ.
Bốn là, toàn cầu hóa làm cho cuộc sống con người phải đối mặt với nhiều thách thức. Những biến động bất lợi, khủng hoảng kinh tế, tài chính trên toàn thế giới hiện nay cho thấy những tác động tiêu cực của nó, dẫn đến những rối loạn, mất an toàn về chính trị- xã hội, đe dọa sự bình an cuộc sống con người. Toàn cầu hóa còn dễ làm phát sinh và trầm trọng thêm những vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố…tình trạng này có nguy cơ dẫn đến những rối loạn chính trị - xã hội, gây căng thẳng các quan hệ xã hội, làm phai nhạt những quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên, giữa con người với xã hội. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới sự phát triển lành mạnh trong lối sống thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.