Yêu cầu của giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ triết học GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC TRONG XÂY DỰNG LỐI SỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 65 - 71)

3. Các công trình đề cập đến vấn đề lối sống, xây dựng lối sống, kế thừa các giá trị truyền thống dân tộc trong xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt

1.2.3. Yêu cầu của giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay

dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay

Việc giáo dục các giá trị ĐĐTT dân tộc trong việc XDLS cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay phải đảm bảo yêu cầu tập trung chỉ đạo theo hướng đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động nhằm mục đích đem lại hiệu quả cao nhất, cụ thể là:

Thứ nhất, giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần dân tộc phải gắn liền với giáo dục yêu chủ nghĩa xã hội, yêu nhân dân, phục vụ nhân dân.

Giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước chính là giúp cho họ nhận thức đúng đắn đạo lý cao quý nhất, lớn nhất cũng là niềm tự hào của dân tộc ta, do đó thế hệ trẻ cần phải biết trân trọng, giữ gìn truyền thống vô cùng quý báu ấy. Từ nhận thức đó, thế hệ trẻ biết biến thành hành động cụ thể. Chủ nghĩa yêu nước mang tính lịch sử, mỗi giai đoạn khác nhau nó được biểu hiện khác nhau. Trong thời kỳ phong kiến yêu nước là trung với Vua; trong thời chiến yêu nước là sự chiến đấu, hy sinh quên mình chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do cho đất nước thì ngày nay trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chủ nghĩa yêu nước lại được chuyển sang một trạng thái khác đó là sự chuyển biến về nhận thức từ chủ nghĩa yêu nước vươn lên trình độ yêu XHCN. Chúng ta phải chuyển từ ý chí không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ sang ý chí không chịu nghèo đói, ngu dốt, lạc hậu và lệ thuộc. Yêu nước trước hết là yêu quê hương, đất nước. Nước - nhà - làng là một tổng thể. Yêu nước là yêu nhân dân, yêu tổ quốc XHCN, ý chí thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bởi vì, thống nhất đất nước là điều kiện cho sự tiến bộ và hạnh phúc của nhân dân. Yêu nước gắn liền với yêu nhân dân, hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng quần chúng nhân dân lao động, thường xuyên quan tâm lợi ích của nhân dân, chăm lo nhu cầu chính đáng, tạo điều kiện để nhân dân có điều kiện phát triển tài năng cá nhân và cống hiến những tài năng đó cho xã hội. Ngày nay, yêu nước phải được thể hiện bằng hành động cụ thể biết kết hợp dân tộc và quốc tế, nội lực và ngoại lực, truyền thống và hiện đại, khai thác mọi tiềm năng để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển. Chỉ có con đường đi lên CNXH mới là con đường duy nhất đúng đắn đưa nhân dân ta đến ấm no hạnh phúc, đến bến bờ vinh quang, giữ vững độc lập dân tộc. Đây cũng là mục tiêu, lý tưởng mà thế hệ trẻ hôm nay phải quyết tâm thực hiện bằng được.

Thứ hai, giáo dục tinh thần đoàn kết cộng đồng phải gắn liền với tinh thần đoàn kết quốc tế.

Hồ Chí Minh đã tiếp nối truyền thống quý báu của cha ông để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng công nhân, nông dân và trí thức vững chắc. Người đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngọn cờ tư tưởng đại đoàn kết của Người là

nguồn sức mạnh vô cùng to lớn để dân tộc ta hội nhập và phát triển, mở rộng cũng như nâng khối đại đoàn kết lên một tầm cao mới. Đó là, đoàn kết dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế trên lập trường của giai cấp vô sản là định hướng giá trị, lý tưởng sống của tuổi trẻ. Sự thống nhất này trở thành nhân tố của sự ổn định và động lực của sự phát triển xã hội. Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay phải biết chia sẻ, cùng nhau chung sức chung lòng giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn với ý thức tự nguyện tự giác, đồng thời cũng phải sát cánh cùng thế hệ trẻ trên thế giới chống lại những cuộc chiến tranh xâm lược, khủng bố, phân biệt chủng tộc, chống đói nghèo và dịch bệnh nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, phát triển vì hạnh phúc của con người. Sự đoàn kết thống nhất này là động lực quan trọng để thế hệ trẻ trưởng thành, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc sau này.

Thứ ba, giáo dục lòng dũng cảm, truyền thống nhân ái, thủy chung, khát khao hòa bình, hiếu học và quý trọng người hiền tài gắn với giáo dục chủ nghĩa nhân đạo XHCN.

Tinh thần dũng cảm, bất khuất của dân tộc ta cũng đang được tiếp nối và duy trì trong xã hội hiện nay. Tinh thần dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nghĩ, dám làm là động lực vô cùng to lớn giúp thế hệ trẻ vượt qua mọi rào cản trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhiều mô hình kinh tế giỏi hoạt động rất hiệu quả, nhiều tấm gương sáng trong phòng chống tội phạm nguy hiểm, hay đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội… là minh chứng cho điều này.

Lòng nhân ái, khoan dung, khát khao hòa bình cũng là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Truyền thống ấy được biểu hiện ở tình yêu thương con người, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Lòng nhân ái của con người bao gồm sự nhân từ, nhân đạo, nhân văn, nhân tính, còn khoan dung chính là lòng vị tha đối với người khác. Trong xã hội hiện đại, những giá trị ĐĐTT này vẫn được thế hệ trẻ kế thừa và nâng lên một tầm cao mới, gắn với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, là định hướng cho đường lối cách mạng của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, đó là mong muốn được làm bạn với tất cả các nước trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển, cùng nhau chung sống hòa bình trong độc lập tự do. Hàng triệu người ngã xuống để giành độc lập tự do cho dân tộc. Nhân dân Việt Nam luôn khát khao hòa bình, yêu chuộng hòa bình. Truyền thống tốt đẹp đó cần

được phát huy trong giáo dục đạo đức XDLS cho thế hệ trẻ Việt nam hôm nay. Quan hệ giữa người với người trong xã hội là hợp tác tương trợ lẫn nhau, quan hệ giữa các nước là đoàn kết hữu nghị hướng tới một thế gới hòa bình. Các hoạt động “xây dựng nhà tình nghĩa”, “quỹ đền ơn đáp nghĩa”… với đông đảo người dân và kiều bào nước ngoài nhiệt tình tham gia đã làm sáng tỏ truyền thống này. Ngày nay, truyền thống nhân ái còn vươn ra các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua các nghĩa cử cao đẹp như ủng hộ tiền và hàng hóa cho các nước bị chiến tranh, thiên tai như: động đất, sóng thần, lũ lụt…Qua đây cho thấy, giáo dục truyền thống nhân ái, khoan dung khát khao hòa bình để XDLS mới cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay sẽ làm cho họ nâng cao nhận thức, tự nguyện tự giác sống đẹp hơn, biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của tập thể lên trên và quan trọng hơn là thế hệ trẻ coi đây là lẽ sống của mình, góp phần hoàn thiện nhân cách đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Truyền thống hiếu học của dân tộc ta có từ ngàn xưa, ngày nay truyền thống ấy có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Người xưa đã từng coi: hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước vững, nguyên khí yếu thì thế nước suy. Lịch sử dân tộc Việt Nam, ông cha ta đặc biệt đề cao vai trò giáo dục đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhà bác học lớn của dân tộc ta là Lê Quý Đôn đã nhận thấy trong năm yếu tố dẫn tới họa mất nước thì có hai yếu tố thuộc lĩnh vực giáo dục là “trò không trọng thầy”, ‘sỹ phu ngoảnh mặt”, do vậy ông kết luận “phi trí bất hưng”. Trong xã hội ta hiện nay, truyền thống hiếu học của dân tộc ta được thắp sáng trong mọi người dân yêu nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hàng năm qua các kỳ thi Olimpic quốc tế Việt Nam đều đạt nhiều thành tích cao.

Ngày nay cuộc sống có nhiều biến động lớn tác động đến lối sống của con người đặc biệt là thế hệ trẻ, nó làm cho con người nhiều khi quan tâm đến lợi ích cá nhân hơn là quan tâm đến lợi ích cộng đồng, xã hội. Dù vậy, lối sống thủy chung, nhân nghĩa vẫn được nhân dân ta coi trọng, phát huy trong cuộc sống, thể hiện qua các hoạt động xã hội cụ thể như phong trào thanh niên tình nguyện của các bạn trẻ đã đem hết tài năng và nhiệt huyết đến các vùng xa xôi giúp bà con khám chữa bệnh, dạy trẻ em học chữ, dạy cho bà con cách thức canh tác khoa học, thu hoạch mùa màng, cho đến việc góp phần giữ gìn trật tự giao thông ở các đô thị, xây dựng

cuộc sống no ấm, văn minh. Với những hoạt động này đã có biết bao tấm gương tuổi trẻ hy sinh anh dũng vì lợi ích của Tổ quốc, cộng đồng. Các phong trào hiến máu nhân đạo luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tuổi trẻ. Mỗi khi Đảng, Nhà nước phát động các phong trào lớn cần những sự chia sẻ của cộng đồng thì mọi tầng lớp nhân dân khắp các vùng miền tham gia tích cực, sôi nổi và coi đây là nghĩa cử cao đẹp, việc làm tốt trong xã hội.

Thứ tư, giáo dục truyền thống lao động cần cù sáng tạo, lạc quan, tinh thần tiết kiệm, tinh thần vượt khó, khiêm tốn, trung thực.

Đây cũng là những giá trị ĐĐTT vô cùng quý báu của dân tộc ta, những truyền thống này đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử và hôm nay nó vẫn giữ được sức sống mãnh liệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên những giá trị ấy được đổi mới cho phù hợp với yêu cầu xã hội hiện đại với nội dung chủ yếu là cần cù gắn với lao động sáng tạo, hiệu quả, có kỷ luật kỷ cương, nhằm hướng đến năng suất cao, chất lượng tốt và hiệu quả. Đức tính lao động cần cù của ông cha ta trước đây chủ yếu dựa vào lao động chân tay và kinh nghiệm của các thế hệ trước, thiếu tầm nhìn chiến lược, thì ngày nay truyền thống ấy phải gắn với lao động sáng tạo, khoa học, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, năng suất cao, chất lượng tốt - lao động tạo ra năng suất cao được xem là thước đo đánh giá sự cống hiến của mỗi người đối với xã hội. Lao động cần cù là một yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, vì xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu xã hội ngày càng cao, hơn nữa khoa học ngày càng phát triển, do vậy nếu con người không lao động cần cù không thể thỏa mãn nhu cầu của mình và cũng không thể làm chủ khoa học kỹ thuật. Lao động sáng tạo là yêu cầu khách quan, cuộc cách mạng khoa học đang phát triển như vũ bão, kinh tế tri thức đang là một xu hướng phát triển trong thời đại ngày nay, do vậy phải lao động sáng tạo, đưa công nghệ mới vào sản xuất, tìm ra phương pháp làm việc hiệu quả nhất. Lao động năng suất cao, chất lượng tốt là yêu cầu của CNXH, như vậy chúng ta mới rút ngắn lại khoảng cách chênh lệch giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Tiểu kết chương 1

Các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam được tạo dựng bởi cộng đồng người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, những giá trị đó được hình thành, phát triển và lắng đọng trong cốt cách người dân đất Việt. Các giá trị ấy thực sự là tài sản vô giá mà ông cha ta đã dày công vun đắp và truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau. Các giá trị này sẽ mãi đồng hành cùng dân tộc và đóng vai trò to lớn đối với cách mạng nước ta. Vai trò của các giá trị này cần được nâng cao, được hiện thực hóa trong việc xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.

Thế hệ trẻ Việt Nam là lực lượng xã hội đông đảo trong cộng đồng người Việt, trong lịch sử, lớp người này luôn gìn giữ và phát huy tốt các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, nêu cao truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết cộng đồng… tiếp tục viết nên những bản anh hùng ca chói lọi, tô thắm truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Việc giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc là việc làm rất quan trọng trong việc xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, góp phần hình thành, phát triển và hoàn thiện lối sống cho những chủ nhân tương lai của nước nhà, để giúp cho họ nhận thức và hiểu biết sâu sắc và đầy đủ về các giá trị truyền thống đó, qua đây lớp người này có ý thức tự giác giữ gìn và phát huy các giá trị ấy trong thực tiễn cuộc sống, biết biến những tri thức đạo đức thành thực tiễn đời sống đạo đức, ngày càng nêu cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Chương 2

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ triết học GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC TRONG XÂY DỰNG LỐI SỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 65 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(157 trang)
w