3. Các công trình đề cập đến vấn đề lối sống, xây dựng lối sống, kế thừa các giá trị truyền thống dân tộc trong xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt
1.1.1. Khái niệm lối sống, phân biệt lối sống với một số khái niệm liên quan
1.1.1.1. Khái niệm lối sống
Khái niệm “lối sống” từ lâu đã được các nhà văn hóa, xã hội học, triết học đề cập,và đến nay khái niệm này vẫn còn nhiều cách tiếp cận khác nhau, chưa có một định nghĩa tương đối thống nhất về nó, cho thấy tính chất phức tạp của khái niệm. Trong tiếng Pháp, từ “Lối sống” được dịch từ chữ “Mode de vie”, còn trong tiếng Đức là dịch từ chữ “Labensweise”, trong tiếng Nga là “Obraz zhizni”, trong tiếng Anh là dịch từ chữ “Mode of life”; “Way of life” hay “ Lifestyle”.
Lối sống là một thể thống nhất biện chứng giữa tự nhiên - cá nhân và xã hội, lối sống của con người được hình thành trong quá trình con nguời tham gia vào các hoạt động, trước tiên là lao động sản xuất, hoạt động chính trị xã hội và các hoạt động khác… đồng thời chịu sự chi phối của các hoạt động đó. Khi nghiên cứu về lối sống, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đặt trong quan hệ với phương thức sản xuất và hình thái kinh tế - xã hội, trước hết là phương thức sản xuất. Lối sống có nguồn gốc từ phương thức sản xuất. C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức: “Không nên nghiên cứu phương thức sản xuất ấy đơn thuần theo khía cạnh nó là sự tái sản xuất ra sự tồn tại thể xác của các cá nhân. Mà hơn thế, nó đã là một hình thức hoạt động nhất định của những cá nhân ấy, một hình thức nhất định của hoạt động sống của họ, một phương thức sinh sống nhất định của họ” [70, tr. 30]. Như vậy, Mác đã khẳng định phương thức sản xuất quy định quá trình tái sản xuất ra con nguời và đồng thời cũng quyết định đời sống của họ, là phương thức sinh sống của con người, là hình thức hoạt động cơ bản của con người, là mặt cơ bản của lối sống, là điều kiện kinh tế - xã hội của lối sống. Theo Mác, lối sống chính là phương thức, là dạng hoạt động của con người, nó chịu sự quyết định của phương thức sản xuất. Với cách tiếp cận này, VS. Rútkêvích coi “lối sống” và “phương thức sản xuất” có quan hệ chặt chẽ với nhau. Ông viết: “Lối sống là một trong những
khái niệm cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, nó liên quan chặt chẽ với một khái niệm có ý nghĩa mấu chốt với nó là phương thức sản xuất của cải vật chất” [97, tr. 12]. Lối sống phản ánh hoạt động của chủ thể. Có thể xem “lối sống là sự khúc xạ hình thái kinh tế - xã hội trong nhận thức, tình cảm, thái độ và hoạt động xã hội, tổ chức đời sống và sinh hoạt cá nhân của con người” [106, tr. 28]. Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định mỗi phương thức sản xuất tạo nên một cách sinh hoạt, cách sống tương ứng. Vì vậy, mỗi giai đoạn lịch sử của từng dân tộc, từng địa bàn dân cư, từng cá nhân có lối sống riêng, nghĩa là không có lối sống cho mọi thời đại, đặc biệt trong xã hội có giai cấp, bởi vậy trong cùng một phương thức sản xuất cũng tồn tại nhiều lối sống khác nhau thậm chí đối lập nhau. Tuy nhiên, bản thân lối sống không phụ thuộc hoàn toàn vào phương thức sản xuất - mặc dù đây là yếu tố cơ bản có ý nghĩa quyết định. Sự phụ thuộc của lối sống đối với phương thức sản xuất mang tính tương đối. Lối sống ngoài việc chịu sự quy định của kinh tế, còn chịu sự ảnh hưởng của văn hóa. Qua biểu hiện của lối sống, người ta có thể đánh giá trình độ văn hóa của một dân tộc, cộng đồng xã hội. Phạm vi của lối sống có thể tương ứng với phạm vi hình thái kinh tế - xã hội. Tuy nhiên hai khái niệm này không đồng nhất với nhau. Hình thái kinh tế - xã hội bao gồm mọi hoạt động của con người, cái khách quan và chủ quan, nhưng lối sống chỉ phản ánh hoạt động của chủ thể bao gồm nhận thức, tình cảm, thái độ, động cơ trong các hoạt động của con người.
Tiếp cận từ góc độ lối sống là phương diện phương thức hoạt động và tổng thể những quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của những cá nhân trong một hình thái kinh tế- xã hội, VS Rútkêvích khẳng định: “Lối sống là một tổng thể, một hệ thống những đặc điểm chủ yếu nói lên hoạt động của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định” [102, tr. 45]. G.Glezerman lại quan niệm: “Lối sống là tổng hòa những nét cơ bản, nói lên những đặc điểm của các hoạt động sống của xã hội, các cá nhân trong một hình thái kinh tế - xã hội nhất định” [106, tr. 18]. Xem xét lối sống gắn liền họat động sống của con người với hình thái kinh tế - xã hội, V.I.Tônxtưkhơ cho rằng, “Lối sống là những hình thức cố định, điển hình của hoạt động sống cá nhân và tập đoàn của con người; những hình thức ấy nói lên các đặc điểm về sự giao tế, hành vi và nếp nghĩ của họ trong các lĩnh vực lao động, hoạt động xã hội - chính trị, sinh hoạt và giải trí” [106, tr. 18-19].
Ở Việt Nam, khái niệm “lối sống” được đề cập lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, các Đại hội tiếp theo đều đề cập khái niệm này. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã nêu: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng. Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền” [22, tr. 160-161]. Hội nghị lần thứ mười, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX họp tháng 7 năm 2004 về việc đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương năm, khóa VIII, Đảng ta đã nhắc đến từ lối sống tới 17 lần. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng cộng sản việt Nam cũng khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp” [32, tr. 173]. Các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước cũng nhận thức tầm quan trọng của vấn đề lối sống và tập trung nghiên cứu. Đề tài KX. 06 - 13 đã nêu trong báo cáo tổng kết chương trình KX - 06 (1991- 1995): “Lối sống, trong chừng mực nhất định, là cách ứng xử của những con người cụ thể, những điều kiện hoàn cảnh cụ thể của môi trường sống. Môi trường là cái khách quan quy định, là điều kiện khách quan trực tiếp tác động và ảnh hưởng đến lối sống của con người, lối sống của các nhóm xã hội và cộng đồng dân cư”. Định nghĩa này một lần nữa đã nêu lối sống có quan hệ trực tiếp với môi trường sống, không những thế nó còn chịu sự quy định của môi trường sống.
Tiếp cận với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về lối sống, các nhà khoa học trong nước đã quan tâm và nghiên cứu về vấn đề này, chẳng hạn như GS. Vũ Khiêu đã quan niệm: “Lối sống là phạm trù xã hội khái quát toàn bộ hoạt động của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định và biểu hiện trên các lĩnh vực của đời sống: trong lao động và hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người, trong sinh hoạt tinh thần và văn hóa” [54, tr. 514]. Từ định nghĩa này đã khái quát được những nét đặc trưng cơ bản của lối sống. Xét lối sống gắn liền với một hình thái kinh tế - xã hội. GS. Thanh Lê cho rằng: “Lối sống là một hệ thống những nét căn bản nói lên hoạt động của các dân tộc, các giai cấp, các tập đoàn xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định” [57, tr. 24]. Xem xét
lối sống từ tổng hòa các mặt cơ bản, khắc họa những đặc điểm cá nhân, tập thể, cộng đồng nhất định, GS.TS. Nguyễn Văn Huyên viết: “Lối sống là tổ hợp toàn bộ các mô hình, cách thức và phong thái sống của con người thể hiện trong mọi phương thức cũng như lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt đến thái độ hành vi, cách tư duy, lối ứng xử giữa con người với con ngưòi, giữa chủ thể với đối tượng giữa điều kiện với phương tiện và mục đích sống” [46, tr. 29]. Qua việc tìm hiểu quan niệm của các nhà nghiên cứu về lối sống, chúng tôi có thể khái quát những đặc điểm cơ bản của lối sống như sau:
Một là, lối sống là phương thức sống của con người trong một chế độ xã hội nhất định, được thể hiện qua quan hệ của con người với tự nhiên, quan hệ giữa con người với con người trong lao động sản xuất, chính trị, tư tưởng, văn hóa và trong ứng xử giao tiếp hàng ngày.
Hai là, phương thức sản xuất và các điều kiện sống của con người quy định lối sống của họ.
Ba là, hoạt động sản xuất vật chất là hoạt động cơ bản, nền tảng của lối sống. Bốn là, phạm vi và nội dung của lối sống bao gồm: các khuôn mẫu ứng xử, các thể chế xã hội vận hành theo một bảng giá trị trong những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định.
Năm là, lối sống nói chung mang giá trị văn hóa, vì trong các quan hệ xã hội, thể chế xã hội, các khuôn mẫu ứng xử… của lối sống đều mang ý nghĩa văn hóa, hướng tới cái chân, thiện, mỹ.
Sáu là, các quốc gia, dân tộc, giai cấp khác nhau trong các giai đoạn lịch sử khác nhau có lối sống khác nhau.
Như vậy, lối sống bao gồm tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Tuy nhiên, “Lối sống không phải là hoạt động mà là lối hoạt động; không phải là sự giải trí mà là lối giải trí; không phải là giao tiếp mà là lối giao tiếp”. Từ đây có thể đưa ra khái niệm lối sống như sau: Lối sống là cách thức sống, phương thức sống của con người trong một chế độ xã hội nhất định được biểu hiện trên các lĩnh vực của đời sống như lao động sản xuất, hoạt động chính trị, hoạt động văn hóa tinh thần và hoạt động hàng ngày.
Lối sống của con người trong mỗi quốc gia, dân tộc được hình thành trên cơ sở của điều kiện tự nhiên bao gồm: vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, hệ động thực vật; của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng, truyền thống… Theo
quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong các yếu tố nêu trên thì điều kiện kinh tế- xã hội có ý nghĩa quyết định. Trong đó, phương thức sản xuất lại đóng vai trò quyết định đối với chính trị xã hội và văn hóa tư tưởng của mỗi quốc gia, dân tộc.
1.1.1.2. Phân biệt lối sống với nếp sống, lẽ sống, phong cách sống:
Nếp sống là một mặt của lối sống; là những cách thức, quy ước đã trở thành thói quen trong sản xuất, sinh hoạt, trong tổ chức đời sống xã hội và trong đời sống gia đình. Lối sống là một hệ thống những hành vi của con người trong lao động và các quan hệ xã hội khác. Những hành vi được lặp đi lặp lại thành một quy định, nền nếp, một thói quen, phong tục, tập quán, lễ nghi… thì được gọi là nếp sống. Những hành vi không được lặp đi lặp lại thì không gọi là nếp sống. Theo GS Vũ Khiêu: “Nếp sống là toàn bộ những thói quen được hình thành trong cuộc sống hàng ngày, những thói quen đã trở thành nếp trong sản xuất, chiến đấu, trong mọi quan hệ xã hội và trong sinh hoạt riêng tư của mỗi con người. Những thói quen ấy còn được gọi là tập quán” [53, tr. 135]. Nếp sống là sự biểu hiện sinh động của lối sống, nó không phải là cái vĩnh hằng, bất biến mà biến đổi. Khi nếp sống thay đổi đến một độ nhất định thì lối sống sẽ biến đổi. A.P.Bu - chen - kô khẳng định: “Nếp sống không phải là một phần mà là một trong những hình thức biểu hiện của lối sống” [42, tr. 23]. Theo L.V. Ko-kan: “Nếp sống của con người được coi như là sự phản ánh của cá nhân vào xã hội, còn lối sống của con người được coi như là sự phản ánh xã hội vào cá nhân” [42, tr.23]. Như vậy, lối sống và nếp sống không tách rời nhau nhưng không đồng nhất với nhau, nếp sống có ngoại diên hẹp hơn lối sống. Đảng ta đã từng khẳng định sự khác nhau này như sau: “Kiên trì xây dựng nếp sống mới lành mạnh, khoa học, tiết kiệm và giản dị , bảo vệ và phát triển các giá trị tinh thần. Kiên quyết bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, tiếp tục đấu tranh quét sạch văn hóa thực dân mới và ảnh hưởng các loại văn hóa phản động, đồi trụy khác. Tất cả những việc đó nhằm làm cho tư tưởng, tình cảm lối sống mới thật sự chiếm ưu thế trong đời sống nhân dân” [15, tr.100-101]
Lối sống và lẽ sống:
Theo Từ điển học sinh năm 1972, Lẽ sống là điều thường được người ta coi là mục đích của cuộc sống (và xuất phát từ đó mà suy nghĩ, hành động hàng ngày). Lẽ sống là vấn đề trung tâm của đời sống con người theo ý nghĩa xã hội và ý nghĩa cá nhân. Có thể xem lẽ sống là nền tảng tinh thần của con người. Nó chi phối và liên quan mật thiết đến những định hướng sống hết sức cơ bản của con người như: lý tưởng, niềm tin, thái độ sống, các quan niệm về hạnh phúc, thiện, ác… Lẽ sống là
biểu hiện của tự ý thức cao nhất của con người về cuộc sống của mình, là hội tụ của sự trưởng thành và phát triển nhân cách, phát triển trí tuệ, tri thức, và kinh nghiệm [65, tr. 93-94]. Đối với mỗi người, lẽ sống là cơ sở, nền tảng để xây dựng lý tưởng sống, hướng con người xác định đúng mục đích cuộc sống. Trong cuộc sống, người nào cũng đặt cho mình một câu hỏi: mình sống như thế nào, vì mục đích gì, tồn tại để làm gì? Trả lời những câu hỏi này có những quan niệm khác nhau. Thông thường người ta cho rằng sống để ăn, để mặc, thỏa mãn nhu cầu nên họ xác định sống để làm giàu , sống vì danh lợi, vì tiền, có người tìm thấy niềm vui ở sự thanh thản, có người sống vì đạo lý tốt đẹp. Nói chung con người sống vì xã hội, vì hạnh phúc của người khác, sống để cống hiến và đem lại lợi ích nhiều nhất cho xã hội. Sống và làm việc có mục đích là sống và làm việc theo những dự định đã đặt ra nhằm đem lại lợi ích chính đáng cho xã hội và bản than mình. Hạnh phúc chân chính biểu hiện mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Lẽ sống chân chính giúp con người giữ gìn phẩm giá, danh dự, sống cao cả, biết hòa nhịp gắn bó với tập thể, tránh tư tưởng bè phái cục bộ, vị kỷ cá nhân và những thói đạo đức giả. Một nhà khoa học, một sinh viên, một người lao động bình thường sống hướng lương thiện, lành mạnh, tận tâm với người khác, có ý thức giữ gìn phẩm hạnh của mình đó là những biểu tượng của lẽ sống đẹp. Và chính lẽ sống giúp con người hoàn thành tốt nghĩa vụ đạo đức, vì con người tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và dân tộc [49, tr. 16]. Người có lẽ sống tốt đẹp sẽ có khả năng vượt qua khăn để vươn lên trong cuộc sống. Ngược lại, sự khủng hoảng về quan niệm lẽ sống sẽ có thể dẫn con người tới đổ vỡ niềm tin, chao đảo tinh thần, lệch hướng trong cuộc sống, rối loạn trong hành động, dẫn tới những hậu quả tiêu cực