Khi mới đưa một loài cây mọc tự nhiên vào trồng rừng, yêu cầu của thực tiễn sản xuất Lâm nghiệp đòi hỏi trước hết phải xác định được hệ thống biện pháp kỹ thuật cho kinh doanh rừng trồng đối với loài cây đó. Vì thế, hầu hết các nghiên cứu về cây Mỡ đều tập trung vào những vấn đề như: Thu hái, chế biến, bảo quản hạt (Lê Thị Hào, 1965); gieo ươm cây con (Nguyễn Minh Hằng, 1976); phòng trừ sâu bệnh (Nguyễn Trung Tín, 1975, 1981); tỉa thưa rừng trồng (Lương Văn Thái, 1971; Viện nghiên cứu Lâm nghiệp, 1980); Quy luật tăng trưởng của Vũ Đình Phương [13] và nhiều nghiên cứu khác. Tất cả những nghiên cứu trên đã có những đóng góp quan trọng trong việc kinh doanh rừng Mỡ thành công trên miền Bắc nước ta trong những năm qua.
Yêu cầu của sản xuất lâm nghiệp đối với việc tăng năng suất rừng Mỡ trồng ngày càng lớn. Để nâng cao năng suất rừng, khâu giống có tầm quan trọng đặc biệt. Các nội dung nghiên cứu về chọn giống cây Mỡ được bắt đầu nghiên cứu từ năm 1979. Báo cáo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Dương Tài (1985) [18] cho biết đã chọn được một số cây trội về sinh trưởng, xác định được một số phương pháp ghép thích hợp với cây Mỡ để xây dựng vườn giống.
Nghiên cứu chọn giống cây Mỡ cũng được tiến hành ở Viện nghiên cứu Lâm nghiệp từ năm 1981, chương trình nghiên cứu này gồm 2 giai đoạn. Kết
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
22
quả giai đoạn 1 (1981 - 1983) đã bước đầu xác định được xuất xứ vùng Cầu Hai - Phú Thọ có sinh trưởng nhanh nhất (Lê Đình Khả, Hà Minh Tâm, Phạm Văn Tuấn, Lê Minh Tuệ, Nguyễn Sĩ Đương, Nguyễn Huy Tưởng, 1986) [8]. Giai đoạn 2 từ năm 1984 - 1989 đã đánh giá được một số đặc điểm biến dị, khả năng di truyền của các tính trạnh chủ yếu (Lê Đình Khả, Hoàng Thanh Lộc, Phạm Văn Tuấn) [9].
Về lĩnh vực điều tra có các công trình nghiên cứu: Nguyễn Trọng Bình (1996) [1] trên cơ sở lý luận hàm ngẫu nhiên đã nghiên cứu mối quan hệ giữa kỳ vọng toán và phương sai cho 3 loài cây, của từng đại lượng sinh trưởng D1.3, Hvn, V ở thời điểm khác nhau của tuổi cây. Hoàng Xuân Y (1997) [27] đã nghiên cứu “Lập biểu cấp đất và xây dựng một số mô hình sản lượng làm cơ sở lập biểu quá trình sinh trưởng rừng Mỡ (Manglietia conifera) trồng tại vùng nguyên liệu giấy”. Ngoài ra, còn có các công trình nghiên cứu các quy luật cấu trúc rừng và lập biểu thể tích cho rừng Mỡ.
Hiện nay, Mỡ là một trong 20 loài cây được xác định là loài cây trồng rừng chính [2] nhằm đáp ứng cho các nhu cầu của nền kinh tế quốc dân về cung cấp gỗ, nguyên liệu công nghiệp, chất đốt, phòng hộ, bảo vệ môi trường. Đây cũng là đối tượng rất cần được quan tâm của các dự án trồng rừng CDM và định giá rừng ở nước ta.